Đảm bảo an toàn giao thông cho học sinh trên địa bàn thành phố Nam Định

18:52, 05/11/2023

Trên địa bàn thành phố có 28 trường mầm non (25 trường công lập, 3 trường tư thục); 25 trường tiểu học; 18 trường THCS; 8 trường THPT (5 trường công lập, 3 trường dân lập) với trên 52 nghìn học sinh từ mầm non đến THCS (riêng bậc THCS có hơn 16 nghìn em). Như vậy hàng ngày có hàng vạn học sinh, cán bộ, giáo viên tham gia giao thông, tập trung vào các giờ cao điểm đến trường và tan học; trong đó có một số lượng không nhỏ các em tự điều khiển các loại phương tiện cả thô sơ và cơ giới tham gia giao thông. Đặc biệt, để đảm bảo việc đi lại kịp tham gia các lớp học chính khóa và phụ đạo, nhiều gia đình đầu tư cho con em xe cơ giới như xe máy điện, xe máy phân khối nhỏ (dung tích dưới 50cm3).

Học sinh đi xe máy điện không đội mũ bảo hiểm trên đường Nguyễn Du (thành phố Nam Định).
Học sinh đi xe máy điện không đội mũ bảo hiểm trên đường Nguyễn Du (thành phố Nam Định).

Trong thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố Nam Định, công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, trong đó có công tác đảm bảo trật tự ATGT đã đạt được những kết quả quan trọng. Đã có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tham gia đảm bảo an ninh, trật tự, ATGT, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Việc chấp hành quy định về đảm bảo ATGT của học sinh, sinh viên đã có nhiều chuyển biến tích cực. Học sinh cơ bản đã chấp hành các quy định khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập như: Ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT của một bộ phận người lớn và học sinh còn thấp, tùy tiện, tình trạng ùn tắc giao thông tại các tuyến đường khu vực cổng trường vào các cung giờ cao điểm đến trường và khi tan học vẫn còn xảy ra. Đặc biệt, vẫn còn tình trạng học sinh đi xe đạp điện, xe máy điện vượt đèn đỏ và đi dàn hàng ngang 3-4 xe, không đội mũ bảo hiểm theo quy định, phóng nhanh vượt ẩu gây mất an toàn cho người cùng đi trên đường và chính các em...

Trước thực tế trên, bước vào năm học mới 2023-2024, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, của tỉnh và thành phố về công tác bảo đảm trật tự ATGT, phòng ngừa nguy cơ và kéo giảm tại nạn giao thông, các nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm góp phần bảo đảm cho học sinh đến trường an toàn, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, xây dựng văn hoá giao thông trong học sinh như: đưa nội dung giáo dục pháp luật về đảm bảo trật tự ATGT vào chương trình giảng dạy chính khóa và trải nghiệm ngoại khóa; tuyên truyền xây dựng văn hóa tham gia giao thông cho học sinh như: dắt xe khi đi qua cổng trường, không chen lấn xô đẩy, không tụ tập dưới lòng, lề đường, không chở quá số người quy định, không đi xe dàn hàng ngang, trêu đùa nhau khi đi trên đường; đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông theo quy định… Ngay sau khi ổn định các hoạt động đầu năm học mới, trong tháng 10, phường Thống Nhất đã tổ chức triển khai mô hình Cổng trường ATGT tại hai trường THCS: Phùng Chí Kiên và Hoàng Văn Thụ với việc nhà trường và Công an phường ký kết quy chế phối hợp thực hiện mô hình phong trào “Cổng trường ATGT”. Trong đó, các nhà trường chủ động, phối hợp với Công an phường thực hiện hiệu quả việc thành lập các tổ tự quản; rà soát, đánh giá số lượng phương tiện tham gia giao thông của học sinh, có phương án giảm thiểu ùn tắc giao thông, không để xảy ra tai nạn giao thông; lắp đặt bổ sung camera giám sát tại khu vực ngã tư gần các nhà trường và xung quanh cổng trường; tổ chức cho 100% học sinh và phụ huynh ký cam kết với nhà trường thực hiện nghiêm quy định về bảo đảm trật tự ATGT; đồng thời, xử lý nghiêm cán bộ, giáo viên, công nhân viên và học sinh vi phạm quy định về ATGT. Tại Trường THCS Phùng Chí Kiên, hàng tuần phối hợp với Công an phường trích xuất hình ảnh trên camera an ninh về các trường hợp vi phạm trật tự ATGT (cả phụ huynh và học sinh) đậu đỗ xe không đúng nơi quy định, không đội mũ bảo hiểm... thông báo đến các lớp và phụ huynh học sinh, chấm điểm thi đua...

Mới đây nhất, ngày 31-10, Phòng GD và ĐT thành phố Nam Định đã ban hành Công văn 754 gửi các cơ sở giáo dục trực thuộc trên địa bàn về tăng cường bảo đảm ATGT cho học sinh. Theo đồng chí Nguyễn Thế Lâm, Trưởng Phòng GD và ĐT thành phố, nội dung Công văn này nhằm tăng cường đảm bảo ATGT cho học sinh, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông; trong đó nhấn mạnh việc học sinh THCS không được đi xe máy điện đến trường từ ngày 1-11-2023. Theo đó, Phòng GD và ĐT thành phố yêu cầu các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học và THCS tăng cường phối hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh trong việc tuyên truyền, phổ biến, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT, đảm bảo an toàn cho học sinh. Yêu cầu các trường THCS trên địa bàn tổ chức cho học sinh ký cam kết không điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe theo quy định của pháp luật và không điều khiển xe máy điện đến trường. Phòng GD và ĐT thành phố giao bộ phận Thanh tra của Phòng tham mưu xây dựng kế hoạch kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu đối với hiệu trưởng các trường THCS trên địa bàn trong việc thực hiện trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục, quản lý học sinh chấp hành pháp luật về trật tự ATGT. Các trường THCS tổ chức cho học sinh ký cam kết không điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe theo quy định của pháp luật; không điều khiển xe máy điện đến trường; Thông báo tới phụ huynh biết và phối hợp quản lý, không để học sinh đi học bằng xe máy điện. Với những học sinh đi xe đạp điện phải đội mũ bảo hiểm đúng quy định. 

Sau khi văn bản được ban hành, nhiều bậc phụ huynh bày tỏ đồng tình, ủng hộ quy định của Phòng GD và ĐT thành phố vì thiết thực bảo đảm an toàn cho học sinh cũng như người cùng tham gia giao thông trên đường. Tuy nhiên cũng không ít ý kiến phụ huynh băn khoăn khi quy định cấm được ban hành quá gấp, các gia đình không có thời gian để chuẩn bị phương tiện chuyển đổi cho con đi học. Mặt khác, văn bản lại có nội dung “nếu học sinh nào cố tình đi (xe máy điện - PV) thì nhà trường yêu cầu phụ huynh học sinh đến cam kết việc thực hiện quy định pháp luật về ATGT(?!). Điều này có thể dẫn đến tình trạng chấp hành theo kiểu đối phó, học sinh vẫn đi xe máy điện nhưng gửi bên ngoài trường học, như vậy nguy cơ mất an toàn vẫn tiềm ẩn và dẫn đến tâm lý nhờn luật...

    Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, ban hành ngày 30-12-2019, có hiệu lực ngày 01-01-2020: tại khoản 1 Điều 21 quy định phạt cảnh cáo người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe mô tô hoặc điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô. 

    Tại điểm đ khoản 5 và điểm h khoản 8 Điều 30 quy định: Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.600.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện hành vi giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 58 của Luật Giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông.

 

Bài và ảnh: Thu Trang
 



Web Tra cứu phạt nguội Nhanh Chóng

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com