Cộng đồng sáng tạo - hành động quyết liệt để chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030

07:52, 14/11/2023

Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2023 (từ 10-11 đến ngày 10-12-2023) có chủ đề “Cộng đồng sáng tạo - Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”. Mục tiêu triển khai Tháng hành động năm nay nhằm đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để giảm số người mới nhiễm HIV và tử vong liên quan đến AIDS, chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030, giảm tối đa tác động của HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế - xã hội.

Phòng khám Bác sĩ gia đình, Bệnh viên Đa khoa Sài Gòn – Nam Định tư vấn dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) và các bệnh truyền nhiễm.
Phòng khám Bác sĩ gia đình, Bệnh viên Đa khoa Sài Gòn – Nam Định tư vấn dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) và các bệnh truyền nhiễm.

Từ khi dịch HIV xuất hiện đầu năm 1990, đến nay toàn tỉnh có 5.926 người nhiễm HIV, trong đó 3.886 bệnh nhân AIDS, 1.814 người nhiễm HIV đã tử vong; có 97,8% số xã/phường, 100% huyện/thành phố đã phát hiện có người nhiễm HIV/AIDS. Tính riêng 9 tháng năm 2023, toàn tỉnh phát hiện 41 người mới nhiễm HIV (trong đó nội tỉnh 30, ngoại tỉnh 11).

Sau 18 năm thực hiện Chỉ thị số 54-CT/TW, ngày 30-11-2005 của Ban Bí thư khóa IX về “Tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới”, hoạt động thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống HIV/AIDS được đa dạng hóa và đẩy mạnh trong toàn xã hội với các hình thức truyền thông trực tiếp thông qua đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, nhóm cộng tác viên đồng đẳng... để tuyên truyền đến nhân dân về công tác phòng, chống HIV/AIDS. Các tình nguyện viên của nhóm đồng đẳng, các câu lạc bộ, đội hoạt động xã hội tình nguyện cấp xã thường xuyên tổ chức tuyên truyền cho nhóm người có nguy cơ cao các thông tin, kiến thức về phòng, chống tệ nạn xã hội, HIV/AIDS. Đặc biệt, trong tháng cao điểm phòng, chống ma túy, Ngày Quốc tế phòng chống ma túy (26-6); Tháng phòng chống HIV/AIDS và ngày toàn dân phòng chống HIV/AIDS, các hoạt động tuyên truyền được tổ chức sôi động, phong phú, phát huy tinh thần tương thân, tương ái, đồng thời tạo điều kiện cho người nhiễm HIV/AIDS, người nghiện ma túy, người hoạt động mại dâm, người có nguy cơ cao thấy rõ trách nhiệm, tích cực tham gia hoạt động phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng. Chương trình can thiệp giảm tác hại cho nhóm người nghiện ma túy triển khai tại 6/10 huyện, thành phố; chương trình điều trị Methadone triển khai tại 7/10 huyện, thành phố với 9 cơ sở điều trị và 1 cơ sở cấp phát thuốc, chương trình điều trị người nhiễm HIV/AIDS tại 8/10 huyện với 9 cơ sở điều trị người lớn và 1 cơ sở điều trị trẻ em. Chương trình thông tin giáo dục truyền thông triển khai với nội dung và hình thức phong phú, hướng tới các đối tượng nguy cơ cao và cộng đồng dân cư. Tổ chức bộ máy phòng, chống HIV/AIDS được thành lập, củng cố, hoàn thiện và hoạt động ngày càng hiệu quả từ tuyến tỉnh đến cơ sở. Các mô hình tổ chức cho người nhiễm HIV/AIDS, người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, người có hành vi nguy cơ cao cũng được triển khai tại những địa bàn trọng điểm về HIV/AIDS như câu lạc bộ (CLB) “Vì ngày mai tươi sáng” tại huyện Nam Trực, Giao Thủy; CLB “Hy vọng vì ngày mai” tại huyện Hải Hậu; CLB “Đồng cảm” tại thành phố Nam Định. Đây là nơi để người nhiễm HIV/AIDS, người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được giao lưu, chia sẻ, giúp đỡ và chăm sóc lẫn nhau trong cuộc sống. Về công tác xét nghiệm và giám sát dịch HIV/AIDS, toàn tỉnh hiện có 6 cơ sở tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện tại Trung tâm Y tế huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Ý Yên, Xuân Trường và các cơ sở xét nghiệm sàng lọc tại các bệnh viện tuyến tỉnh, trung tâm y tế tuyến huyện; xét nghiệm HIV tại cộng đồng. 9 tháng năm 2023, toàn tỉnh có 1.499 người xét nghiệm HIV tại 6 cơ sở tư vấn xét nghiệm HIV; 4.026 người xét nghiệm HIV tại cộng đồng và cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện. Đối với công tác điều trị HIV/AIDS và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, toàn tỉnh hiện có có 1.598 bệnh nhân đang điều trị ARV. 100% bệnh nhân điều trị ARV có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn tỉnh (dự án Quỹ Toàn Cầu hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT cho bệnh nhân không có thẻ BHYT). Có 1.056 bệnh nhân được xét nghiệm tải lượng HIV; 9.633 phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV, trong đó phát hiện 6 trường hợp nhiễm HIV.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, giai đoạn 2015 đến nay, dịch HIV/AIDS tại các địa phương có xu hướng giảm so với giai đoạn 2005-2010 và 2010-2015 nhờ các biện pháp can thiệp đồng bộ, hiệu quả. Dịch HIV/AIDS ở tỉnh ta vẫn đang trong giai đoạn tập trung trong nhóm có hành vi nguy cơ cao là người chích ma túy và phụ nữ mại dâm, đường lây truyền chủ yếu vẫn là đường máu và đường tình dục, người nhiễm HIV chủ yếu vẫn là nam giới, tập trung trong nhóm tuổi từ 20-49. Hiện nay, số người nhiễm HIV/AIDS mới phát hiện qua các năm đều giảm (từ 460 trường hợp năm 2005 xuống 316 trường hợp năm 2010, đến năm 2015 giảm xuống 194 trường hợp; 9 tháng năm 2023, toàn tỉnh chỉ ghi nhận 41 trường hợp). Đặc biệt, hiệu quả của chương trình chăm sóc điều trị đã giúp người nhiễm HIV kéo dài cuộc sống và số bệnh nhân tử vong do AIDS đã giảm rõ rệt. Dịch HIV/AIDS đã kiềm chế được tỷ lệ nhiễm HIV ở mức 0,2% (mục tiêu chung của toàn quốc là dưới 0,3%). Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, dịch HIV có sự chuyển dịch dần hình thái nguy cơ lây nhiễm từ đường máu sang đường tình dục, tỷ lệ người nhiễm HIV là nữ ngày càng nhiều hơn. Phần lớn người nhiễm HIV được phát hiện từ hệ thống bệnh viện hoặc các cơ sở tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện ở những người thuộc nhóm nguy cơ cao. Điều này cho thấy thực tế, trong cộng đồng còn nhiều người nhiễm HIV không thuộc nhóm nguy cơ cao, do đó rất khó phát hiện sớm để phòng ngừa, ẩn chứa những nguy cơ tiềm tàng làm lan truyền dịch HIV/AIDS.

Bên cạnh kết quả nêu trên, công tác phòng, chống HIV/AIDS còn không ít khó khăn, thách thức. Một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa nhận thức đúng và sâu sắc về công tác phòng, chống HIV/AIDS, do đó việc triển khai các hoạt động còn mang tính hình thức, thiếu sự đầu tư về kinh phí, thiếu việc kiểm tra đôn đốc. Đội ngũ cán bộ thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS tại tuyến huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn còn thiếu về số lượng, năng lực hạn chế, lại hay thay đổi, dẫn đến khó khăn khi triển khai chương trình phòng chống HIV/AIDS tại địa phương. Công tác quản lý, chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng gặp nhiều khó khăn do người nhiễm HIV/AIDS còn bí mật, giấu tên, khai sai tên, địa chỉ.

Thời gian tới, HIV/AIDS vẫn là thách thức lớn đối với sức khỏe cộng đồng. Cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp cần quan tâm thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 6-7-2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS; tiến tới chấm dứt dịch bệnh HIV/AIDS tại Việt Nam trước năm 2030. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thông tin, truyền thông, giáo dục về phòng, chống HIV/AIDS nhằm tác động hiệu quả tới mọi đối tượng, cộng đồng dân cư, từng gia đình, từng người dân, nhất là thanh, thiếu niên và nhóm người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền chống kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS. Kịp thời biểu dương, nhân rộng các tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Theo Kế hoạch số 2081, ngày 6-11, cuả Ban Chỉ đạo Phòng chống AIDS và Phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm tỉnh, trong Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm nay, tập trung các hoạt động chủ yếu gồm: tổ chức các hội nghị, hội thảo đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, vận động, phổ biến các nội dung về tình hình dịch HIV/AIDS, các văn bản quy phạm pháp luật và các quy định mới liên quan đến phòng chống HIV/AIDS; Quảng bá các mô hình tư vấn, xét nghiệm, điều trị HIV;... Triển khai mở rộng việc cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS như xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm; điểm cấp phát thuốc Methadone; cấp thuốc ARV nhiều ngày… Thông qua Tháng hành động góp phần tăng cường các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV, xét nghiệm phát hiện và điều trị sớm HIV/AIDS, đảm bảo việc tham gia BHYT của người nhiễm HIV, cung cấp các dịch vụ toàn diện về phòng, chống HIV/AIDS cho người dân, đặc biệt cho những người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao. Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIV/AIDS với gia đình, xã hội; tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Tiếp tục mở rộng độ bao phủ các dịch vụ và nâng cao chất lượng của các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm HIV, BHYT và điều trị HIV/AIDS; điều trị các bệnh đồng nhiễm như viêm gan vi-rút, lao, các bệnh lây truyền qua đường tình dục đến mọi người dân./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com