Ý Yên nâng cao chất lượng hoạt động chi bộ thôn, xóm, tổ dân phố sau sáp nhập

09:08, 27/10/2023

Năm 2022, thực hiện chủ trương sáp nhập thôn, xóm, tổ dân phố trên địa bàn huyện Ý Yên đã góp phần tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tuy nhiên khi số lượng đảng viên trong chi bộ tăng, địa bàn rộng hơn cũng đặt ra những yêu cầu đổi mới nội dung, phương pháp, cách thức tổ chức sinh hoạt chi bộ, kết hợp đồng bộ các giải pháp để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương.

Nhân dân thôn Đô Quan, xã Yên Khang thường xuyên vệ sinh môi trường, giữ gìn cảnh quan nông thôn.
Nhân dân thôn Đô Quan, xã Yên Khang thường xuyên vệ sinh môi trường, giữ gìn cảnh quan nông thôn.

Sau khi thực hiện việc sáp nhập thôn, xóm, tổ dân phố, huyện Ý Yên còn 272 thôn, xóm, tổ dân phố, giảm 144 đơn vị. Qua đó, đã thu gọn lại bộ máy; giảm số người hoạt động không chuyên trách; xây dựng quy mô thôn, xóm, tổ dân phố phù hợp với yêu cầu thực tiễn đề ra; khắc phục tình trạng manh mún, chia cắt trong tổ chức thôn, xóm, tổ dân phố theo quy mô trước đó. Để sớm ổn định hoạt động của các khu dân cư, xác định chi bộ là hạt nhân chính trị, lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ ở cơ sở, các cấp ủy đã tập trung lãnh đạo, hướng dẫn củng cố nâng cao hiệu quả hoạt động của các chi bộ cơ sở thôn, xóm, tổ dân phố sau sáp nhập. Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo cấp ủy các Đảng bộ xã, thị trấn trực thuộc hướng dẫn các chi bộ cơ sở mới sáp nhập về cách thức triển khai các nhiệm vụ; thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt định kỳ và chuyên đề, khắc phục tình trạng chi bộ sinh hoạt không thường xuyên; nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện nhiệm vụ. Đảng ủy các xã, thị trấn đã bám sát các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên để xây dựng kế hoạch, có lộ trình phù hợp với thực tiễn. Tại các chi bộ mới thành lập, nhân sự cấp ủy đều được lựa chọn trong số chi ủy, bí thư, phó bí thư các chi bộ sáp nhập để chọn ra nhân tố có trình độ, uy tín, sức khỏe tốt, nhiệt tình, năng động tiếp tục đảm nhiệm công việc. Đồng thời duy trì tốt nền nếp sinh hoạt, chất lượng các kỳ sinh hoạt Đảng nâng lên. Qua đó, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng cơ sở sau sáp nhập, góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thực tế tại Ý Yên cho thấy, cấp ủy, chính quyền thôn, xóm sau sáp nhập từng bước đi vào hoạt động hiệu lực, hiệu quả, năng lực lãnh đạo được tăng cường, nhân dân đồng tình phấn khởi thi đua lao động sản xuất, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Tuy nhiên bên cạnh kết quả tích cực đã đạt được, sau sáp nhập sắp xếp chi bộ thôn, xóm, tổ dân phố của huyện cũng xuất hiện nhiều khó khăn, vướng mắc. Thôn, xóm, tổ dân phố mới địa bàn rộng hơn, số lượng đảng viên, hội viên các hội đoàn thể tăng, người đứng đầu các tổ chức đoàn thể giảm về đầu mối phát sinh khó khăn trong tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhà văn hóa thôn, xóm cũ vốn là điểm sinh hoạt thường kỳ của các chi bộ, các hội đoàn thể và cũng là nơi sinh hoạt cộng đồng của người dân, song sau sáp nhập, số lượng đảng viên, hội viên các chi hội tổ chức đoàn thể các thôn, xóm, tổ dân phố tăng dẫn đến nhiều nhà văn hóa không đủ đảm bảo các hoạt động hội họp cũng như làm trung tâm vui chơi, giải trí và sinh hoạt cộng đồng dân cư. Ngoài ra, các yếu tố đặc thù về lịch sử, truyền thống, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục… của người dân thuộc các thôn, xóm khác nhau đặt ra những yêu cầu nhiệm vụ mới về đảm bảo đoàn kết, thống nhất trong cộng đồng.

Trước khó khăn trên, nhiều chi bộ thôn, xóm, tổ dân phố huyện Ý Yên đã có những giải pháp linh hoạt, sáng tạo đưa ra các giải pháp phát triển, ổn định chi bộ, đoàn thể, cộng đồng dân cư sau sáp nhập. Điển hình là thôn Đô Quan, xã Yên Khang. Được sáp nhập năm 2022 từ 3 thôn Đông Anh, Trung Hưng, Am Bình, số lượng đảng viên, hội viên các chi hội tổ chức đoàn thể thôn Đô Quan tăng lên gấp 3 so với trước dẫn đến quy mô cả 3 nhà văn hóa thôn không đủ để  cùng lúc đảm bảo các hoạt động hội họp và sinh hoạt cộng đồng dân cư. Do vậy, thôn Đô Quan cần có nhà văn hóa mới có đủ công năng cho các hoạt động của thôn. Tuy nhiên, thôn gặp khó khăn trong công tác vận động người dân ủng hộ, đóng góp để đầu tư nâng cấp, cải thiện nhà văn hóa mới do các nhà văn hóa thôn đều mới hoàn tất xây dựng trước đó theo tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu; thời gian người dân được thụ hưởng giá trị công trình sau đầu tư chưa lâu. Bên cạnh đó, hậu đại dịch COVID-19 cũng làm ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung và người dân nói riêng. Đồng chí Hoàng Văn Tăng, Bí thư Chi bộ thôn Đô Quan cho biết: Để tháo gỡ khó khăn, chi bộ thôn đã họp, thống nhất đề ra chủ trương xây dựng mới nhà văn hóa; nâng cấp, chỉnh trang các hạng mục khu trung tâm văn hóa. Ngoài tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh của thôn, lồng ghép nội dung vào các buổi sinh hoạt đoàn, hội... Chi bộ, chính quyền thôn tranh thủ ứng dụng công nghệ số, sử dụng mạng xã hội phục vụ công tác truyền thông; xây dựng trang facebook, zalo của xóm đăng tải các hình ảnh về vẻ đẹp, sự đổi thay khởi sắc đi lên của quê hương, công khai thông báo các nội dung xây dựng nhà văn hóa để kêu gọi huy động rộng rãi nguồn lực xã hội hóa các tổ chức đoàn thể, nhân dân trong thôn và con em quê hương sinh sống ở các nơi trong và ngoài nước. Thực hiện phương châm “Cán bộ, đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, cán bộ, đảng viên thôn cùng gia đình gương mẫu đóng góp kinh phí, ngày công lao động từ đó khơi dậy sức dân. Sau gần 1 năm kêu gọi, đầu năm 2023, thôn Đô Quan tiến hành khởi công xây dựng nhà văn hóa mới có đầy đủ các công trình phụ trợ, thiết chế nhà văn hóa trong khuôn viên rộng 3.000m2 dự toán kinh phí 1,3 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 800 triệu đồng. “Nhà văn hóa mới được đưa vào sử dụng tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động cộng đồng, nâng cao đời sống, tinh thần cho nhân dân địa phương trong xây dựng phát triển nông thôn mới kiểu mẫu. Đối với các nhà văn hóa cũ, thôn vẫn duy trì tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao theo cụm dân cư” - Ông Tăng cho biết thêm. 

Thôn Trại Trong, xã Yên Trị (được sáp nhập từ 2 thôn Ngư Nghiệp và xóm Trại Trong) cũng gặp những khó khăn nhất định trước, trong và sau khi sáp nhập do người dân thôn Ngư Nghiệp cũ chủ yếu làm nghề chài lưới, đánh bắt cá dọc sông Đáy, cuộc sống gắn liền với sông nước nên việc tuyên truyền, vận động cũng rất khó vì hầu hết thời gian bà con ở trên sông. Tuy nhiên, hầu hết bà con theo đạo Công giáo. Đồng chí Nguyễn Trọng Khoát, Bí thư Chi bộ thôn cho biết: Nắm bắt được nền nếp sinh hoạt của người dân nơi đây phải lên bờ để đi hành lễ, thôn đã phân công cán bộ, đảng viên, các chi hội đoàn thể sắp xếp kế hoạch để tranh thủ thời gian này gặp gỡ, tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định tại địa phương sống “tốt đời, đẹp đạo”. Bên cạnh đó, thôn đã khơi dậy tinh thần đoàn kết lương - giáo, phát huy sức mạnh tổng hợp cùng thi đua lao động sản xuất, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn.

Có thể thấy, không chỉ chú trọng công tác tuyên truyền, đưa nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, mà lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các địa phương trong huyện Ý Yên sau sáp nhập đều quan tâm đến đời sống của người dân. Đội ngũ những người làm việc ở thôn, xóm, tổ dân phố sau sáp nhập đã hoạt động ổn định; thôn mới thành lập đã khắc phục được thực trạng thôn có quy mô nhỏ, phân tán, khó khăn trong huy động nguồn lực đầu tư để thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới, tránh dàn trải, lãng phí trong đầu tư. Việc cơ cấu lại ngành nghề ở các thôn, xóm, tổ dân phố cũng thuận lợi hơn; hạn chế sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất, tiêu thụ nông sản hàng hóa. Khí thế thi đua ở một số địa phương sau sáp nhập cũng sôi nổi, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Đến nay, huyện có 203/272 thôn, xóm, tổ dân phố đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Hiện nay, Ban Thường vụ Huyện ủy Ý Yên tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025. Để phát huy hơn nữa vai trò hạt nhân trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ ở cơ sở, Huyện ủy đang tập trung chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm là công tác lãnh đạo, chỉ đạo và kiểm tra, giám sát, gắn vai trò trách nhiệm cấp ủy các cấp với việc đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Qua đó, góp phần lãnh đạo thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./. 

Bài và ảnh: Đỗ Thị Ngọc Tú
Ban Tuyên giáo Huyện ủy Ý Yên

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com