Với mục tiêu tạo môi trường an toàn, thân thiện giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần khi bắt đầu tới trường, Trường Mầm non Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) luôn chú trọng quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập, vui chơi cho trẻ; chủ động đổi mới, sáng tạo phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ,... Nhiều năm qua, nhà trường đã trở thành cơ sở giáo dục tin cậy để phụ huynh tin tưởng gửi gắm con em lứa tuổi mầm non.
Một bữa ăn bán trú của các cháu Trường Mầm non Nghĩa Sơn. |
Trường Mầm non Nghĩa Sơn có 33 nhóm lớp với tổng số 950 trẻ. Những năm qua, trường luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cùng sự chỉ đạo sâu sát, cụ thể các hoạt động chuyên môn của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tạo điều kiện thuận lợi cho nhà trường ngày càng phát triển với phương châm an toàn, thân thiện, bảo đảm các yêu cầu của giáo dục mầm non. Khuôn viên khang trang, rộng rãi, sạch đẹp, thoáng mát với 33 phòng học kiên cố, hệ thống bếp ăn, khu vui chơi phát triển thể chất, phòng âm nhạc, phòng tin học... được trang bị tương đối đầy đủ các thiết bị cần thiết.
Để nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ toàn diện, nhà trường luôn xác định chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên là khâu then chốt. Hàng năm nhà trường tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên được học tập bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; thường xuyên tổ chức sinh hoạt chuyên môn trao đổi kinh nghiệm, khuyến khích giáo viên tham gia các hội thi, hội giảng do trường và ngành phát động. Qua đó tạo động lực cho đội ngũ giáo viên hăng say, toàn tâm cho công tác chăm sóc, giáo dục trẻ. 100% giáo viên của trường biết ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ. 100% cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn; trong đó 44,7% trên chuẩn.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm luôn được nhà trường chú trọng thực hiện đó là công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ sức khỏe cho trẻ. Bước vào đầu năm học mới, nhà trường tổ chức cho 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên được bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn về công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ; tập huấn kỹ năng, biện pháp, cách sơ cứu ban đầu để đảm bảo an toàn, phòng chống tai nạn, thương tích cho trẻ; xây dựng kế hoạch, phương án bảo đảm an toàn cho trẻ trong trường mầm non theo Thông tư số 45/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo; xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp - an toàn, thân thiện bảo đảm cảnh quan phù hợp với giáo dục mầm non. Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhà trường sử dụng nguồn thực phẩm tươi ngon, bảo đảm dinh dưỡng, xây dựng thực đơn phong phú, hợp lý, cân đối theo từng lứa tuổi, từng mùa. Trường phối hợp chặt chẽ với Trạm Y tế xã thực hiện tốt công tác chăm sóc, theo dõi, kiểm tra sức khỏe định kỳ cho trẻ, phòng chống dịch bệnh và triển khai công tác y tế trường học; tích cực tuyên truyền sâu rộng cho phụ huynh và cộng đồng về phương pháp nuôi dạy trẻ khoa học; chú trọng lấy trẻ làm trung tâm, phát huy tích cực chủ động sáng tạo của trẻ trong vui chơi, học tập, tự khám phá trải nghiệm nâng cao nhận thức, hiểu biết qua từng hoạt động.
Hoạt động trải nghiệm nhân dịp Tết Trung thu 2023 của các cháu Trường Mầm non Nghĩa Sơn. |
Thực hiện việc xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích, trường thành lập Ban chỉ đạo y tế trường học, xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống tai nạn thương tích. Nhân viên phụ trách y tế trường học được tập huấn để thực hiện tốt các hoạt động sơ cứu, cấp cứu tai nạn thương tích. Giáo viên, nhân viên được cung cấp những kiến thức cơ bản về các yếu tố nguy cơ và cách phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ. Trường chỉ đạo đội ngũ giáo viên, nhân viên thường xuyên quan tâm công tác đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ ở trường; xây dựng các biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích bằng các hình thức như: tuyên truyền, giáo dục can thiệp, khắc phục, giảm thiểu nguy cơ gây tai nạn thương tích… 100% nhóm lớp thực hiện chế độ vệ sinh của trẻ theo quy chế nuôi dạy trẻ, làm tốt công tác tuyên truyền phòng, chống các dịch bệnh, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho trẻ ở trường. Trẻ được cân và đo 3 lần/năm học và thực hiện theo dõi trên biểu đồ tăng trưởng (vào tháng 9, tháng 12, tháng 3 và soát lại vào tháng 5). Đối với trẻ suy dinh dưỡng, thấp còi, thừa cân, hàng tháng đều thực hiện cân, đo cho trẻ và theo dõi để có biện pháp phối hợp với phụ huynh trong việc chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ phù hợp.
Bằng sự quyết tâm, cố gắng không ngừng của tập thể cán bộ, giáo viên và nhân viên nhà trường, kết thúc mỗi năm học, 100% nhóm học sinh 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non bàn giao lên trường tiểu học; 100% trẻ được bảo đảm an toàn về thể chất và tinh thần; 100% trẻ được học đúng độ tuổi bảo đảm chất lượng chăm sóc giáo dục; 100% trẻ được ăn bán trú tại trường, tỷ lệ trẻ phát triển bình thường đạt cao, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng năm sau giảm hơn năm trước; nhà trường đã bảo đảm được các chỉ tiêu ngành Giáo dục và Đào tạo giao. Năm học 2022-2023, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể cân nặng đầu năm là 2,65%, cuối năm giảm còn 1,02%; tỷ lệ trẻ thấp còi đầu năm 2,65%, cuối năm còn 1,58%; đảm bảo tuyệt đối an toàn về tính mạng cho trẻ khi ở nhà cũng như ở trường.
Cô giáo Phạm Hiền Giang, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Thực hiện chủ đề năm học 2023-2024 của cấp học mầm non: Xây dựng trường mầm non hạnh phúc, lấy trẻ làm trung tâm gắn với việc thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021-2025” và chủ đề chung của ngành giáo dục “Đoàn kết, nỗ lực, vượt khó khăn, đổi mới sáng tạo, củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục”, nhà trường tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ. Chú trọng làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, tăng cường đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị đồ dùng, bảo đảm đủ điều kiện cho việc dạy và học. Tiếp tục duy trì các tiêu chí của trường đạt chuẩn quốc gia mức độ I; tham mưu cấp trên bổ sung xây dựng cơ sở vật chất để trường đạt chuẩn quốc gia mức độ II trong giai đoạn tiếp theo. Tập trung đổi mới phương pháp, nâng cao hiệu quả quản lý giáo dục; phát triển đội ngũ cán bộ, giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện, góp phần tạo sự phát triển vững chắc của bậc học mầm non xã. Tích cực đổi mới sáng tạo trong các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ, nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, từng bước đáp ứng nhu cầu học tập, vui chơi và trải nghiệm của trẻ, qua đó tác động tích cực đến quá trình hình thành và phát triển toàn diện nhân cách của trẻ./.
Bài và ảnh: Minh Thuận
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin