Nhiều năm qua, giáo dục tiểu học huyện Trực Ninh luôn dẫn đầu tỉnh trên các mặt. Quy mô trường lớp được củng cố, kiện toàn; chất lượng giáo dục chuyển biến tích cực; Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên ổn định. Cơ sở vật chất, thiết bị trường học được quan tâm đầu tư theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa với tỷ lệ cao: trường chuẩn quốc gia mức độ 2, trường học xanh - sạch - đẹp - an toàn và thư viện trường học tiên tiến.
Cô và trò Trường Tiểu học Trực Đạo trong một giờ học ở thư viện trường. |
Toàn huyện Trực Ninh có 21 trường tiểu học của các xã, thị trấn; 100% xã, thị trấn được công nhận đạt phổ cập xóa mù chữ mức độ 3 và duy trì vững chắc. 100% học sinh được đánh giá phẩm chất, năng lực đạt chuẩn, tỷ lệ học sinh hoàn thành tốt chương trình môn học tăng qua từng năm. 21/21 trường tiểu học triển khai thực hiện hiệu quả các mô hình thí điểm, mô hình trường học mới. 100% trường học đạt chuẩn quốc gia và đạt chuẩn xanh - sạch - đẹp - an toàn, trong đó 20 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. 100% trường học có thư viện đạt chuẩn và xây dựng 100% tủ sách lớp học, trong đó 21/21 trường với 24 thư viện đạt tiên tiến.
Đạt được kết quả đó, cấp tiểu học của huyện Trực Ninh luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền địa phương và Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) trong việc bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 và xây dựng trường chuẩn quốc gia, xanh - sạch - đẹp - an toàn, thư viện tiên tiến. Phòng GD và ĐT huyện đã tham mưu Huyện ủy ban hành Nghị quyết số 02/NQ-HU ngày 17-12-2020 của BCH Đảng bộ huyện lần thứ XXV về “Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả GD và ĐT giai đoạn 2020-2025”; tham mưu UBND huyện ban hành Kế hoạch 16/KH-UBND triển khai thực hiện Nghị quyết 02 của BCH Đảng bộ huyện; trong đó đặt ra chỉ tiêu đến năm 2025: 100% các trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, xanh - sạch - đẹp - an toàn; mở rộng diện tích đất; hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh (từ 100 đến 200 triệu đồng/công trình); hỗ trợ xây dựng trường chuẩn quốc gia (công nhận lần đầu 70 triệu đồng; công nhận lại 30 triệu đồng). Ngoài ra, hỗ trợ 700 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/1 nhà đa năng; hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất thư viện từ 70 triệu đồng đến 300 triệu đồng/1 thư viện. Hàng năm cấp mới, bổ sung đầu sách, báo, tạp chí, mỗi thư viện 30 triệu đồng. Phòng GD và ĐT huyện đã thành lập Ban chỉ đạo đổi mới Chương trình GDPT 2018, xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết về việc bổ sung điều chỉnh ngân sách, huy động các nguồn lực xã hội hóa; ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018. Để đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo Chương trình GDPT 2018, Phòng chỉ đạo các nhà trường hàng năm xây dựng kế hoạch huy động các nguồn lực đảm bảo 100% các lớp thay sách có ti vi thông minh kết nối internet; 100% giáo viên và học sinh có thiết bị dạy học tối thiểu.
Với những nỗ lực đó, trong năm học 2022-2023, các trường tiểu học đã huy động nguồn lực, đảm bảo 100% các lớp thay sách từ lớp 1 đến lớp 3 có ti vi thông minh kết nối internet, toàn huyện đã có 442/460 lớp có ti vi (tỷ lệ 96,1%); tất cả giáo viên và học sinh đều có thiết bị dạy học tối thiểu với tổng số 2.100 bộ. Cũng trong năm học 2022-2023, các trường tiểu học đã xây mới 9 nhà đa năng đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT 2018, trường chuẩn quốc gia mức độ 2 với kinh phí gần 50 tỷ đồng, hiện đã khánh thành đi vào hoạt động; công nhận lại 6 trường xanh - sạch - đẹp - an toàn, đạt tỷ lệ 100% số trường; duy trì, phát huy hiệu quả mô hình, tạo môi trường tích cực phục vụ tổ chức các hoạt động dạy học ngoài không gian lớp học; xây mới, nâng cấp, chỉnh trang 6 cổng trường học, kinh phí xây mới mỗi cổng trường từ 400 đến 600 triệu đồng.
Tính đến thời điểm hiện tại, toàn huyện đã xây dựng 12 nhà đa năng ở các trường tiểu học; hoàn thiện đưa vào sử dụng 2 sân bóng mini ở các trường tiểu học Trực Cường, Ninh Cường; 1 sân bóng rổ, 1 bể bơi ở Trường Tiểu học Trực Cường. Huyện đang xây dựng kế hoạch xây mới dãy phòng học cao tầng của Trường Tiểu học Trực Tuấn từ nguồn ngân sách huyện và Tập đoàn Petrovietnam tài trợ với kinh phí gần 10 tỷ đồng (Tập đoàn Petrovietnam tài trợ 5 tỷ đồng; ngân sách huyện gần 5 tỷ đồng). Các trường duy trì, phát huy hiệu quả thư viện đạt chuẩn, thư viện thân thiện... tạo môi trường tích cực tổ chức các hoạt động dạy học ngoài không gian lớp học.
Đến nay, 100% các trường tiểu học đủ điều kiện đề nghị công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, trường xanh - sạch - đẹp - an toàn, thư viện tiên tiến gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, đảm bảo đầy đủ số phòng học đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình GDPT 2018. Tất cả các trường tiểu học đủ phòng học, phòng chức năng, bàn ghế học sinh đạt chuẩn; 100% các lớp thay sách có ti-vi thông minh kết nối mạng phục vụ dạy và học; thiết bị dạy học theo quy định. Các trường tiểu học sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có để thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch dạy học môn học, hoạt động giáo dục phù hợp điều kiện thực tế trên cơ sở bảo đảm mục tiêu, nội dung đáp ứng yêu cầu cần đạt theo yêu cầu thực hiện đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Qua kiểm tra kết hợp việc đánh giá định kỳ với các môn học và hoạt động giáo dục, phần lớn học sinh đạt yêu cầu, mục tiêu đặt ra với kết quả khá cao; học sinh đều đạt được phẩm chất, năng lực cần thiết.
Bên cạnh kết quả đạt được, quá trình thực hiện còn bộc lộ những khó khăn, hạn chế: Một số trường học sau khi thực hiện sáp nhập có số lớp, sĩ số học sinh đông, tổ chức dạy học ở nhiều khu lẻ gây khó khăn cho công tác quản lý, dạy - học. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên còn thiếu, có những đơn vị thiếu từ 8 đến 10 giáo viên; việc mua sắm đồ dùng, thiết bị dạy học tối thiểu phải huy động từ các nguồn lực xã hội và cha mẹ học sinh...
Để khắc phục khó khăn, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ở các trường tiểu học đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình GDPT 2018 và phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, huyện chỉ đạo các trường tiểu học đẩy mạnh truyền thông trong cha mẹ học sinh và toàn xã hội về nhiệm vụ đổi mới Chương trình GDPT mới. Tham mưu, đề xuất kế hoạch bổ sung đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình GDPT 2018. Chỉ đạo các trường tiểu học sửa chữa, sắp xếp cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có một cách hợp lý, nâng cao hiệu quả sử dụng; xây dựng kế hoạch đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung, tự làm thiết bị dạy học và lựa chọn sách giáo khoa để thực hiện chương trình đổi mới./.
Bài và ảnh: Minh Thuận
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin