Thực hiện tiêu chí y tế trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu

08:28, 26/10/2023

Thực hiện tiêu chí y tế trong xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay, hệ thống y tế tỉnh Nam Định được củng cố, mạng lưới y tế cơ sở được hoàn thiện; công tác quản lý Nhà nước về y, dược được tăng cường; chất lượng công tác khám, chữa bệnh có chuyển biến tích cực, cơ bản đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) đạt chỉ tiêu đề ra từng giai đoạn và từng năm.

Tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế, thực hiện tiêu chí y tế trong xây dựng xóm nông thôn mới kiểu mẫu tại thôn Phú Thứ, xã Tam Thanh (Vụ Bản) .
Tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế, thực hiện tiêu chí y tế trong xây dựng xóm nông thôn mới kiểu mẫu tại thôn Phú Thứ, xã Tam Thanh (Vụ Bản) .

Những kết quả ghi nhận

Kết thúc chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020, Nam Định được đánh giá dẫn đầu cả nước về thực hiện tiêu chí y tế (tiêu chí số 15) trong xây dựng NTM (theo Quyết định 1980/QĐ-TTg ngày 17-10-2016 của Thủ tướng Chính phủ); trong đó, nhiều chỉ tiêu về y tế đều đạt và vượt như: Tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt từ 85% trở lên; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi còn dưới 13,9%.

Mạng lưới y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh được hoàn thiện. Các trạm y tế tuyến xã được đầu tư nâng cấp hoặc xây dựng mới, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ban đầu cho nhân dân. Toàn tỉnh có 10 Trung tâm Y tế huyện, thành phố; trong đó 9 Trung tâm Y tế huyện, thành phố có 3 chức năng (dự phòng, khám chữa bệnh, dân số), 1 Trung tâm Y tế có 2 chức năng (dự phòng, dân số); 1 Bệnh viện đa khoa huyện, 226 trạm y tế, gần 3.200 cán bộ y tế thôn, xóm, tổ dân phố. Đội ngũ cán bộ y tế được tăng cường, trung bình toàn tỉnh có 9 bác sĩ/1 vạn dân, có 31 giường bệnh/1 vạn dân. Tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả dự án Hỗ trợ y tế các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và đồng bằng sông Hồng tại các đơn vị: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Phụ sản tỉnh, Bệnh viện Nhi tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện (Xuân Trường, Giao Thủy, Ý Yên); Dự án giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực y tế phục vụ cải cách hệ thống y tế tỉnh Nam Định tại tất cả các trạm y tế xã, phường, thị trấn. 

Để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe (CSSK) cho nhân dân, ngành Y tế chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ y tế cơ sở. Ngoài ra, hàng năm, Trung tâm Y tế, Phòng Y tế các huyện, thành phố cử 250-300 lượt cán bộ chuyên môn xuống các trạm y tế xã, phường, thị trấn chuyển giao kỹ thuật lâm sàng; giúp các trạm y tế thực hiện công tác khám, chữa bệnh theo đúng quy định. Chất lượng chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ tại cơ sở ngày càng được nâng lên; các trạm y tế cấp xã thực hiện được tối thiểu 60% danh mục kỹ thuật của tuyến xã; 100% trạm y tế xã, thị trấn có nữ hộ sinh trình độ trung cấp trở lên, đảm nhận công tác CSSK sinh sản. Mạng lưới y học cổ truyền tại trạm y tế được củng cố; khám, chữa bệnh bằng phương pháp Đông y không sử dụng thuốc đạt trên 20% tổng số ca khám, chữa bệnh. Đến nay, có 98,7% số xã, phường, thị trấn trong tỉnh đạt tiêu chí quốc gia về y tế.

Nam Định là địa phương thực hiện hiệu quả chỉ tiêu bao phủ BHYT toàn dân. Đến tháng 10-2023, toàn tỉnh có 1.738.936 người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 92,15%. Nhiều địa phương đạt tỷ lệ dân số tham gia BHYT cao, tiêu biểu như: Nghĩa Hưng (94,60%), Giao Thủy (94,40%), Trực Ninh (94,30%), Hải Hậu (93,13%), Nam Trực (93,17%), Vụ Bản (93,08%), Xuân Trường (92,49%)... Tỉnh cũng dẫn đầu toàn quốc về công tác phát triển BHYT học sinh, sinh viên. Toàn tỉnh có 158 xã, thị trấn đạt độ bao phủ BHYT từ 91,5% trở lên; có 135 xã, thị trấn đạt độ bao phủ BHYT từ 95% trở lên. Xã Hải Đường (Hải Hậu) là một trong những địa phương tiêu biểu trong công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT. Tính đến 5-10-2023, toàn xã có 11.675 người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT trên 97%. Huyện Giao Thủy với cách làm sáng tạo và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác phát triển các nhóm đối tượng tham gia BHYT huyện Giao Thủy vượt chỉ tiêu đề ra. Đến tháng 10-2023, có 100% xã, thị trấn đạt tiêu chí bao phủ BHYT trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Hiện tại, huyện đang dẫn đầu tỉnh về số lượng xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu theo tiêu chí mới giai đoạn 2021-2025, đặc biệt hướng tới phấn đấu xây dựng huyện đạt NTM nâng cao năm 2023; trong đó, đối với các xã đạt NTM kiểu mẫu, tỷ lệ tham gia BHYT đạt từ 95% đến 98% dân số. 

Gỡ “nút thắt” từ thực tiễn

Đến nay, toàn tỉnh đã có 189/204 xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao và 19/188 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Trong giai đoạn hiện nay, thực hiện Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 8-3-2022 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí xã NTM và NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025; các tiêu chí về y tế là bài toán khó, bởi tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân luôn có sự biến động. Trên thực tiễn, nhiều địa phương tại thời điểm xét công nhận thì đạt tiêu chí về BHYT, nhưng thời gian sau lại tụt giảm bởi nhiều nguyên nhân; trong đó, không ít người dân không tiếp tục tham gia mua BHYT hoặc chỉ mua BHYT với thời gian ngắn (6 tháng). Đây là “nút thắt” đặt ra đối với các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện phát triển BHYT toàn dân bền vững.

Đồng chí Trần Trung Kiên, TUV, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Sở Y tế ban hành Công văn số 1972 ngày 10-10-2022 về hướng dẫn triển khai thực hiện và hoàn thiện hồ sơ chứng minh một số tiêu chí, chỉ tiêu thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, xã NTM nâng cao và huyện NTM, huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025 lĩnh vực y tế trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đối với các xã NTM nâng cao: Tỷ lệ người dân tham gia BHYT (áp dụng cho cả nam và nữ) đạt từ 95% trở lên; Tỷ lệ dân số được quản lý sức khỏe (áp dụng cho cả nam và nữ) đạt từ 90% trở lên; Tỷ lệ người dân tham gia và sử dụng ứng dụng khám, chữa bệnh từ xa (áp dụng cho cả nam và nữ) đạt từ 40% trở lên; Tỷ lệ dân số có sổ khám, chữa bệnh điện tử đạt từ 90% trở lên; Tỷ lệ chủ thể hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm hàng năm được tập huấn về an toàn thực phẩm đạt 100%; Không để xảy ra sự cố về an toàn thực phẩm trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý của xã. Đối với tiêu chí huyện NTM nâng cao: Tỷ lệ người dân tham gia BHYT (áp dụng cho cả nam và nữ) đạt từ 95% trở lên; Tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm do huyện quản lý tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm đạt 100%; Tỷ lệ cán bộ làm công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản do huyện quản lý hàng năm được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đạt 100%; Không để xảy ra sự cố về an toàn thực phẩm trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý của huyện. Toàn tỉnh hiện có 148.204 người chưa có thẻ BHYT, nhiều huyện đạt tỷ lệ bao phủ BHYT thấp như: Ý Yên (88,08%); Mỹ Lộc (89,96%); thành phố Nam Định (89,11%)… Bên cạnh đó, từ ngày 1-7-2023, mức lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng, sẽ tác động đến mức đóng và hưởng đối với người tham gia BHYT, khi mức đóng tăng thì quyền lợi người tham gia BHYT cũng được tăng lên. 

Để gỡ “nút thắt”, thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, trên cơ sở chỉ tiêu bao phủ BHYT được UBND tỉnh giao tại Quyết định 2299/QĐ-UBND ngày 12-12-2022, UBND các huyện, thành phố thực hiện điều chỉnh, giao lại chỉ tiêu bao phủ BHYT năm 2023 và những năm tiếp theo cho từng xã, phường, thị trấn. Chỉ đạo các xã, phường quyết liệt trong việc đẩy mạnh phát triển đối tượng tham gia BHYT, coi đó là một nhiệm vụ chính trị của địa phương. Không để tình trạng các xã, thị trấn sau khi được công nhận đạt tiêu chí NTM nâng cao, kiểu mẫu lại sụt giảm tỷ lệ bao phủ BHYT. Đưa chỉ tiêu hoàn thành bao phủ BHYT là chỉ tiêu bắt buộc phải đạt khi xét khen thưởng các đơn vị (trường học phải đạt 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT, đơn vị sử dụng lao động phải tham gia BHYT cho 100% người lao động trong diện). Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh phối hợp với Sở Y tế tiếp tục thực hiện chặt chẽ quy trình giám định trong công tác khám, chữa bệnh BHYT, đảm bảo đúng chế độ chính sách, đúng đối tượng và quyền lợi cho người tham gia BHYT khi đi khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế. 

Để thực hiện hiệu quả công tác phát triển BHYT toàn dân bền vững, thời gian qua, BHXH tỉnh đã phối hợp với Sở Y tế, Sở Tư pháp và các đơn vị liên quan để liên thông dữ liệu đăng ký khai sinh và cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi; cập nhật, bổ sung mã số định danh cá nhân, căn cước công dân (CCCD) của người tham gia trong cơ sở dữ liệu BHXH Việt Nam quản lý; cài đặt, phê duyệt, sử dụng ứng dụng “VssID - BHXH số” để từng bước sử dụng thẻ CCCD, ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNeID) thay thế thẻ BHYT giấy để khám, chữa bệnh BHYT. Đến nay, toàn tỉnh có 284/284 cơ sở khám, chữa bệnh BHYT tiếp đón bệnh nhân đến khám, chữa bệnh bằng thẻ CCCD; đã đồng bộ trên 1,4 triệu số thẻ CCCD với thẻ BHYT, đạt tỷ lệ 88,16%./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com