Trong không gian bộn bề đồ điện gia dụng, điện máy ở xóm 5 xã Giao Tiến (Giao Thủy), anh Phạm Đình Kiên, sinh năm 1981, nạn nhân chất độc da cam do ảnh hưởng di chứng từ bố mẹ là những người lính đã từng tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vẫn miệt mài, chăm chỉ làm việc.
Anh Phạm Đình Kiên miệt mài với công việc sửa chữa đồ điện gia dụng. |
Sinh ra trong gia đình ở xóm Hoành Tứ, xã Hoành Sơn có cả bố và mẹ đều bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, Kiên không được may mắn khi bị dị tật với đôi chân chậm phát triển, đi lại khó khăn. Trong suốt những năm tháng đầu đời và cả thời niên thiếu, sự khiếm khuyết của cơ thể khiến Kiên không thể có cuộc sống bình thường như bao người và bạn bè cùng trang lứa. Đó là một chuỗi ngày dài và khó khăn của anh. Tuy nhiên, vượt qua mặc cảm, cậu bé Kiên đã có ý chí vươn lên trong học tập. Hàng ngày trên lưng mẹ, Kiên đã đến trường trong ánh mắt tò mò của các bạn. Không ít lần Kiên mong muốn được nghỉ học để tránh những lời trêu trọc của bạn bè. Vượt qua mặc cảm, Kiên đã tốt nghiệp Trường THCS xã Hoành Sơn và tham gia kỳ thi vào THPT. Nhưng do nhà xa trường học, sức khỏe mẹ đã yếu, hoàn cảnh kinh tế gia đình lại rất khó khăn nên anh quyết định dừng việc học để tìm kiếm một công việc phù hợp với bản thân.
Với cơ thể nhỏ bé, sức khỏe lại yếu nên các cơ sở sản xuất đều từ chối nhận anh. Mất một thời gian Kiên rơi vào trạng thái lo lắng bất an cho tương lai của mình. Trong một lần được người chú họ chở lên nhà người bạn có nghề sửa chữa đồ điện dân dụng ở xã Giao Tiến chơi, Kiên lân la tìm hiểu và ngỏ ý mong muốn được học nghề và được sự đồng ý giúp đỡ. Với hành trang là chiếc xe đạp trẻ em, Kiên cố gắng đạp từ xã Hoành Sơn lên xã Giao Tiến ngày 4 lần đi về với quãng đường 16km. Tuy đi lại khó nhọc nhưng anh luôn có tinh thần lạc quan phấn đấu vươn lên. Vì vậy sau 3 năm học và phụ nghề, Kiên đã trở thành thợ chính của cửa hàng sửa chữa điện gia dụng, điện máy có uy tín lâu năm tại xã Giao Tiến. Khi nhận lương hàng tháng, Kiên xúc động không tin một ngày mình có thể nuôi sống bản thân và phụ giúp cho mẹ già. Sự nỗ lực làm việc bằng đôi tay khéo léo, cần cù và sự cởi mở khi tiếp chuyện với khách, cửa hàng nơi anh làm việc ngày càng đông khách. Từ chiếc loa, tivi, đài, quạt, nồi cơm điện đến những máy chà, máy khoan, động cơ phục vụ sản xuất… bị hỏng chất đầy cả cửa hàng chờ anh sửa chữa. Những hôm nhiều việc, anh lại chở hàng về nhà để tranh thủ buổi tối làm việc. Vượt qua những khó khăn do cơ thể tật nguyền, từ công việc hàng ngày, anh đã thân quen và kết giao được với nhiều bạn hơn, điều đó đã khích lệ và tạo động lực vươn lên mỗi ngày.
Qua mai mối, năm 2004, Kiên làm quen với cô gái khỏe mạnh quê ở huyện Xuân Trường, hiểu, thương cảm và khâm phục với ý chí, nghị lực của anh mà tình nguyện cùng xây dựng hạnh phúc. Những lúc trái gió, trở trời, chân anh co quắp, toàn thân đau mỏi, chị đã bên cạnh chăm sóc cho anh. Đứa con trai ra đời trong niềm vui sướng của đôi bên gia đình. Tuy nhiên, con trai anh lại bị khuyết tật do ảnh hưởng chất độc da cam từ anh. Dù cuộc sống còn rất nhiều khó khăn, giấu nỗi buồn vào trong, cả hai vợ chồng cùng an ủi nhau cố gắng nuôi con ăn học. Hiện tại, con trai anh đang học tại Trường THPT Giao Thủy B. Anh luôn dạy bảo con trai của mình biết vượt lên số phận, là người có ích cho bản thân và xã hội. Những nỗ lực và tinh thần lạc quan của anh Kiên đã giúp cho con vượt qua mặc cảm để vươn lên học tốt. Hàng ngày, trên chiếc xe điện, anh Kiên đưa đón con đến trường cách nhà 8km rồi lại quay trở lại nơi làm việc. Anh tâm sự: “Với tôi và nhiều người bị khuyết tật khác thì ước mơ, khát khao lớn nhất chỉ là có một cơ thể hoàn chỉnh như mọi người bình thường, có thể tự lo cho bản thân, để được tự tin, thoải mái làm những việc mình thích. Tôi mong rằng, những người có hoàn cảnh kém may mắn như tôi hãy cố gắng bước đi từng bước một rồi cũng thành con đường, để sống một cuộc đời tươi đẹp và đầy ý nghĩa”.
Một gia đình cả ba thế hệ cùng bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, cuộc sống còn nhiều khó khăn, với thân hình nhỏ bé nhưng anh Kiên luôn nhận mình là người may mắn và không để bản thân rơi vào chán nản, tuyệt vọng. Anh tâm niệm “cuộc sống là phải hướng về ngày mai bằng sự nỗ lực ngay ngày hôm nay”. Trong tương lai, khi không còn sức để đến cửa hàng mỗi ngày, anh Kiên mong muốn sẽ có được cửa hàng của riêng mình ở ngay tại nhà, để anh có công việc và có thể dạy nghề cho con trai mình.
Bằng ý chí, nghị lực vượt qua những mặc cảm của cơ thể và bệnh tật để chăm chỉ học nghề thật giỏi, có công việc ổn định. Vừa qua, anh Phạm Đình Kiên đã được Hội Khuyến học tỉnh tặng học bổng “Học không bao giờ cùng”./.
Bài và ảnh: Hồng Minh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin