Ngăn ngừa tệ nạn xã hội xâm nhập học đường

18:45, 19/10/2023

Những năm gần đây, tệ nạn xã hội (TNXH) đã xâm nhập vào trường học ngày càng có xu hướng gia tăng. Trước tình hình đó, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; xây dựng nội quy, quy định giữ gìn nền nếp, kỷ cương trường học; tăng cường tổ chức các hoạt động học tập, vui chơi lành mạnh.

Học sinh Trường THCS xã Nam Cường (Nam Trực) ký cam kết chấp hành quy định đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Học sinh Trường THCS xã Nam Cường (Nam Trực) ký cam kết chấp hành quy định đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Trường THPT A Hải Hậu là một trong những đơn vị của ngành GĐ và ĐT luôn quan tâm đến công tác quản lý, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, phòng, chống TNXH, nhất là tệ nạn ma túy, mại dâm cho học sinh. Các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh được nhà trường thực hiện thông qua các hoạt động vào các tiết chào cờ đầu tuần, lồng ghép trong các tiết học cung cấp kiến thức về xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh… Vận động học sinh ký cam kết không vi phạm pháp luật; mời cán bộ Công an về tuyên truyền kiến thức, kỹ năng sống, giúp học sinh nhận diện nguy cơ, tránh xa TNXH… Nhà trường cũng yêu cầu học sinh thực hiện nghiêm túc các nội quy, quy định về ứng xử văn hóa, đúng pháp luật và coi đó là tiêu chí thi đua trong trường; đẩy mạnh hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao; tăng cường phối hợp với phụ huynh quản lý, giáo dục học sinh… Đối với học sinh vi phạm nội quy, nhà trường phối hợp với gia đình nhắc nhở và có giải pháp quản lý, giáo dục để các em tiến bộ… Ngoài ra, nhà trường tăng cường lồng ghép tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về TNXH thông qua các hoạt động trải nghiệm, hoạt động ngoại khóa… góp phần đảm bảo an toàn trường học và đảm bảo chất lượng giáo dục. Học sinh Nguyễn Văn Đức chia sẻ: “Em và các bạn thường xuyên được tuyên truyền về phòng, chống các loại TNXH, nhất là ma túy, bạo lực học đường. Qua đó, giúp chúng em ý thức tốt hơn trong việc cảnh giác với các loại tệ nạn, nhất là những loại ma túy được ngụy trang dưới dạng gói bột thực phẩm hoa quả pha uống, dạng kẹo… Em mong rằng ngoài tuyên truyền để học sinh hiểu tác hại của các loại tệ nạn, ngành chức năng có những biện pháp quyết liệt không để các tệ nạn này lan vào trường học”.

Để chung tay phòng, chống TNXH, đầu tháng 10 vừa qua, Phòng GD và ĐT huyện Trực Ninh tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, phòng, chống ma túy và bạo lực học đường; trải nghiệm thực hành chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và gần 1.000 học sinh tại Trường THCS Trực Đại. Tại buổi tuyên truyền, đại diện Công an tỉnh, Công an huyện Trực Ninh đã thông tin về tình hình giao thông trên địa bàn huyện, tuyên truyền một số nội dung cơ bản của Luật Giao thông đường bộ như: quy định độ tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, phòng ngừa tai nạn giao thông, văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông... Bên cạnh đó, học sinh còn được tuyên truyền kiến thức nhận biết về một số loại ma túy thông dụng hiện nay; tác hại của ma túy và biện pháp phòng, chống ma túy; các loại bạo lực học đường, cách phòng, chống bạo lực học đường; hướng dẫn một số biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy; kỹ năng thoát nạn trong điều kiện cháy; cách sử dụng một số phương tiện chữa cháy tại chỗ để dập tắt các đám cháy và được trực tiếp sử dụng bình chữa cháy để dập tắt bình gas đang bị cháy. Thông qua tuyên truyền nhằm tăng cường sự phối hợp giữa Công an huyện với Phòng GD và ĐT, các nhà trường trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật sát với tình hình thực tế, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực học đường, đảm bảo an toàn giao thông, phòng, chống ma túy trong cán bộ, giáo viên và học sinh. Tại buổi tuyên truyền, Trường THCS Trực Đại tổ chức cho giáo viên và học sinh ký cam kết thực hiện nghiêm các quy định an toàn giao thông, phòng chống ma tuý, bạo lực học đường, đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.

Do tâm, sinh lý của tuổi mới lớn nên học sinh thường tò mò, muốn trải nghiệm nhiều cảm giác mới lạ, muốn chứng tỏ mình đã lớn nên dễ bị kích động, lôi kéo vào các TNXH như: ma túy, cờ bạc, rượu bia, trộm cắp… Đồng thời, với sự xâm nhập của các loại hình văn hóa xấu độc, phim ảnh bạo lực… đã làm không ít học sinh, sinh viên bị ảnh hưởng đến nhận thức, định hướng sai lệch về cách sống dẫn đến lối sống sa ngã, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng với chính bản thân các em và cả xã hội. Nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và ý thức tự giác tìm hiểu, tuân thủ pháp luật, tránh xa TNXH, xây dựng lối sống lành mạnh cho học sinh, hàng năm, ngành GD và ĐT đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các trường học đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với các nội dung, hình thức phù hợp; khuyến khích học sinh tham gia các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, phòng, chống TNXH, phòng chống bạo lực học đường. Các trường học thường xuyên phối hợp với ngành Công an và các cơ quan liên quan phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống TNXH, phòng chống bạo lực học đường cho học sinh. 100% trường học đã có những hoạt động lồng ghép nội dung phòng, chống ma túy, mại dâm và phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS vào các hoạt động của phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; tổ chức cho học sinh ký cam kết không vi phạm pháp luật, không tham gia các TNXH; quản lý, giáo dục học sinh hư, chậm tiến, vi phạm pháp luật giúp các em dần thay đổi nhận thức và hành vi; có cách cư xử đúng với chuẩn mực đạo đức xã hội và pháp luật... Ngành GD và ĐT tích cực phối hợp với các cấp bộ Đoàn tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm tuyên truyền, giáo dục cho học sinh; xây dựng các mô hình câu lạc bộ tuyên truyền pháp luật, các “Tủ sách pháp luật” trong trường học; phát huy hiệu quả “Hòm thư góp ý”, “Hòm thư tố giác tội phạm”, trên website của nhà trường, mạng xã hội facebook... để thu thập nhanh các thông tin những học sinh, sinh viên có biểu hiện vi phạm TNXH, phối hợp xử lý kịp thời. Cùng với ngành GD và ĐT, các tổ chức Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên, Hội Phụ nữ cũng tổ chức tuyên truyền về phòng chống TNXH, mại dâm cho đoàn viên, thanh niên tại nơi cư trú; tập trung định hướng giới trẻ sử dụng mạng xã hội an toàn, cảnh báo, loại trừ những thông tin xấu độc, những hành động cổ súy cho các thói hư, tật xấu để đoàn viên, thanh niên tránh xa. Các cấp bộ Đoàn đã tập trung tổ chức hiệu quả các phong trào hành động cách mạng của Đoàn - Hội, các cuộc vận động, mô hình, câu lạc bộ tại cộng đồng, như diễn đàn “Tuổi trẻ sống đẹp, sống có ích” và các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao góp phần xây dựng nếp sống đẹp trong đoàn viên, thanh niên; xây dựng Câu lạc bộ “Thanh niên phòng chống tội phạm và tệ nạn ma túy”, “Câu lạc bộ phòng chống ma túy, mại dâm”, “Câu lạc bộ tuổi trẻ với pháp luật”, “Câu lạc bộ thanh niên xung kích phòng chống ma túy”...

Bằng nhiều hình thức hoạt động đa dạng, công tác phòng, chống TNXH, phòng chống bạo lực học đường trong các trường học trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả tích cực. Tuy nhiên, để môi trường học đường an toàn, lành mạnh, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của gia đình và nhà trường, rất cần ý thức tự giác của mỗi học sinh, kiên quyết nói không với TNXH; góp phần xây dựng, giữ gìn sự an toàn, lành mạnh, nhân văn của môi trường giáo dục./.

Bài và ảnh: Hồng Minh
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com