Ngăn ngừa ma tuý xâm nhập học đường

08:31, 02/10/2023

Thời gian gần đây, nhiều biểu hiện hoạt động ma túy đang quay trở lại “thẩm lậu” vào trường học. Thống kê của các ngành chức năng cho thấy, trong số những người sử dụng trái phép chất ma túy, có khoảng 60% người sử dụng ma túy lần đầu tiên có độ tuổi từ 15 tuổi đến 25 tuổi. Đặc biệt, ma túy đang xuất hiện ngày càng phổ biến, đa dạng về chủng loại, hình thức che giấu tinh vi, giá ngày càng rẻ, dễ sử dụng, tính độc hại cao. 

Trường THCS Hải Châu (Hải Hậu) phối hợp với công an địa phương tổ chức tuyên truyền phòng ngừa tội phạm xâm hại tình dục trẻ em và các tai, tệ nạn xã hội lứa tuổi học sinh.
Trường THCS Hải Châu (Hải Hậu) phối hợp với công an địa phương tổ chức tuyên truyền phòng ngừa tội phạm xâm hại tình dục trẻ em và các tai, tệ nạn xã hội lứa tuổi học sinh.

Mới đây tại một địa phương trong tỉnh xảy ra trường hợp một người phụ nữ lạ mặt mang thuốc lá điện tử đến dụ dỗ, mời gọi trẻ em sử dụng với chiêu trò: hút thử và rủ được thêm người hút sẽ được tặng luôn điếu thuốc lá điện tử và cho thêm 50 nghìn đồng. Kết quả đã có một vài em tham gia hút thử. Ngay khi phát hiện vụ việc, Công an xã sở tại đã có văn bản cảnh báo việc hút thuốc lá điện tử đặc biệt nguy hiểm, vì kẻ xấu có thể tẩm ma túy vào trong thuốc lá và đã ra thông báo đề nghị các bậc phụ huynh phối hợp cơ quan công an, nhà trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đặc biệt quan tâm nhắc nhở con em nêu cao cảnh giác: Không nhận bất kỳ một đồ vật nào từ người lạ, nhất là đồ ăn, hút, ngửi... 

Bước vào năm học mới, các nhà trường đang đẩy mạnh tập huấn, tuyên truyền bảo đảm an ninh trật tự (ANTT); phòng, chống ma túy (PCMT) trong trường học, trong đó tập trung các nội dung: Phổ biến kiến thức, kỹ năng nhận biết các loại ma tuý mới, trá hình phổ biến, nguy hiểm hiện nay và tác hại của chúng; kỹ năng nhận biết và xử lý khi nghi ngờ, phát hiện người sử dụng ma túy, nghiện ma túy; kỹ năng nhận diện và xử lý các tình huống nguy cơ liên quan đến ma túy; bị dụ dỗ sử dụng ma túy, bị lừa, khi xuất hiện tâm lý tiêu cực, khi bị người ngáo đá tấn công, khống chế... Các trường cũng quán triệt, triển khai đầy đủ các công văn, kế hoạch của UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT), UBND huyện, thành phố, Phòng GD và ĐT về việc bảo đảm ANTT, phòng chống tệ nạn xã hội cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh. Một số trường đã có cách làm hay, hiệu quả trong việc giữ gìn ANTT, PCMT trong trường học.

Ban giám hiệu Trường THCS Trần Đăng Ninh (thành phố Nam Định) đã phối hợp Công an phường Hạ Long và phụ huynh học sinh đẩy mạnh các hoạt động nhằm giữ gìn ANTT, PCMT bằng các biện pháp: Đẩy mạnh tuyên truyền cho cán bộ, giáo viên, nhân viên trong các buổi họp Hội đồng giáo dục đầu tháng, các buổi họp tổ, họp đoàn thể. Đối với học sinh, tuyên truyền trong buổi học nội quy đầu năm học, các buổi sinh hoạt lớp, sinh hoạt dưới cờ đầu tuần, đầu tháng; giáo dục lồng ghép trong giờ dạy môn Ngữ văn, Giáo dục Công dân, Sinh học, Địa lý. Trường mời Công an thành phố đến nói chuyện chuyên đề tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên, học sinh về công tác bảo đảm ANTT trong trường học. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các cấp và các tổ chức, đoàn thể trong nhà trường, Ban đại diện cha mẹ học sinh để giáo dục, kiểm tra, chấn chỉnh việc thực hiện bảo đảm ANTT, PCMT, ngăn chặn học sinh sử dụng thuốc lá điện tử. Đầu năm học, trường kiện toàn Ban an toàn trường học và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; phối hợp Công an phường Hạ Long xử lý các hộ gia đình kinh doanh dịch vụ ăn uống, văn phòng phẩm có biểu hiện làm ảnh hưởng đến an toàn trường học. Trường cũng thành lập và hướng dẫn đội an ninh tự quản trong học sinh nhằm giúp thầy, cô kịp thời ngăn chặn những biểu hiện vi phạm ANTT. Nghiêm cấm học sinh ăn quà vặt trong nhà trường và mua quà vặt ngoài nhà trường, bởi nguy cơ từ chỗ ăn quà vặt dẫn đến nghiện các chất kích thích, các chất ma túy và vi phạm quy định ANTT là rất lớn. Qua công tác đấu tranh PCMT của lực lượng Công an và các lực lượng chức năng thời gian qua cho thấy các đối tượng hoạt động kinh doanh, cung cấp ma túy đã sử dụng rất nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm che giấu để phát tán thẩm lậu ma túy vào giới trẻ nói chung, học đường nói riêng. Ma túy thậm chí được đóng vào các sản phẩm ăn vặt như kẹo, túi/lon đựng nước hoa quả nhỏ,... mà trẻ hoàn toàn không biết. Đặc biệt, ma túy được pha trộn vào các lọ đựng hương liệu thuốc lá điện tử và rao bán với giá rẻ tràn lan trên mạng xã hội, các kênh thương mại điện tử mà thanh niên, học sinh, sinh viên rất dễ mua được. Trường thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp nhằm giảm áp lực học tập, giúp học sinh mở mang kiến thức, mở mang tầm hiểu biết về các lĩnh vực xã hội để có thể tự bảo vệ bản thân mình không bị vướng phải những tệ nạn xã hội. Trong năm học 2022-2023, nhà trường đã tổ chức một số hoạt động ngoài giờ lên lớp có ý nghĩa như: mời cán bộ Công an thành phố Nam Định đến nói chuyện về tác hại của ma túy học đường, tác hại của thuốc lá điện tử, công tác phòng cháy, chữa cháy trong nhà trường. Trường cũng kết hợp với Công ty Honda Thanh Tùng để tổ chức cho học sinh tìm hiểu an toàn giao thông; mời diễn giả đến nói chuyện trong buổi sinh hoạt dưới cờ đầu tuần... Nhiều năm qua, trường không có hiện tượng học sinh liên quan đến ma tuý hoặc vi phạm ANTT, không có hiện tượng học sinh nghiện thuốc lá điện tử, được đánh giá là “Mô hình tiêu biểu trong việc triển khai công tác bảo đảm ANTT, PCMT” của tỉnh.

Để bảo đảm ANTT, PCMT trong nhà trường, Trường THPT Nguyễn Huệ (thành phố Nam Định) đã đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật cho cán bộ, giáo viên, học sinh. Hình thức tuyên truyền gồm tập huấn trực tiếp; tích hợp vào các môn học; thông qua các hoạt động ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm; tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông (trang thông tin điện tử nhà trường, trang mạng xã hội facebook, zalo, băng rôn, khẩu hiệu...); tổ chức ký cam kết trong cán bộ, giáo viên, học sinh các lớp học, các chi đoàn, gắn với từng học sinh, ký cam kết về an toàn giao thông, PCMT, tệ nạn xã hội. Củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo đảm bảo ANTT, phòng, chống bạo lực học đường, PCMT, HIV/AIDS và tệ nạn xã hội của trường; xây dựng quy chế phối hợp giữa nhà trường, gia đình, lực lượng công an và các cơ quan, tổ chức về đảm bảo ANTT... Thầy Phạm Văn Trung, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ cho biết: Để tạo môi trường học tập an toàn và lành mạnh, nhà trường đã xây dựng nội quy trường học, từng lớp có những quy định chi tiết riêng và tuyên truyền sâu, rộng để giáo viên, học sinh hiểu rõ. Trường sử dụng hệ thống camera an ninh, kết hợp đội ngũ bảo vệ và nhân viên giám sát có nghiệp vụ để theo dõi, giám sát phòng ngừa và đối phó với những tình huống xấu có thể xảy ra; đào tạo cho nhân viên và học sinh về các quy trình an toàn, kế hoạch sơ tán, cách phản ứng trong tình huống khẩn cấp. Trường thực hiện kiểm tra an ninh định kỳ hoặc đột xuất để phát hiện và ngăn chặn việc học sinh mang các vật phẩm nguy hiểm vào trường học; xác định các vị trí nguy hiểm, các thời điểm dễ gây mất an ninh, an toàn như sau giờ tan học, trước Tết Nguyên đán, cuối năm học vào thời điểm đã tổng kết điểm, học sinh đang chờ nghỉ hè để tăng cường các biện pháp giám sát. Trường cũng tổ chức các hoạt động xã hội ngoài việc học như công tác thiện nguyện, các hoạt động trải nghiệm, học tập kỹ năng “mềm” nhằm thu hút học sinh tham gia, phát triển giáo dục toàn diện giúp các em say mê, tìm thấy niềm vui trong học tập và tránh xa các hoạt động tiêu cực cám dỗ ngoài xã hội, phòng ngừa các nguy cơ rơi vào “bẫy” của tội phạm ma túy.

Công tác đảm bảo ATTT, PCMT xâm nhập học đường đang được các trường thực hiện thường xuyên, liên tục, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng, phụ huynh, giáo viên và cộng đồng. Tuy nhiên, để việc triển khai bảo đảm ANTT và PCMT trong trường học được hiệu quả, đòi hỏi phải có sự chung tay góp sức, sự phối hợp, liên kết giữa các ngành chức năng, giữa các trường trong cùng một địa bàn, giáo viên, phụ huynh và cộng đồng để tạo thành một mạng lưới chặt chẽ trong việc phát hiện và ngăn chặn học sinh vi phạm. Các cấp chính quyền, nhất là chính quyền cơ sở phường, xã, thị trấn, cần phát huy vai trò, trách nhiệm quản lý trên địa bàn, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, yêu cầu các hộ gia đình kinh doanh hàng quán ngay cạnh cổng trường ký cam kết không buôn bán các mặt hàng có tính chất gây nghiện. Cho phép các nhà trường được tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp bên ngoài khuôn viên nhà trường để góp phần làm phong phú các hình thức hoạt động giúp học sinh giải tỏa áp lực học tập, hướng sự chú ý của học sinh đến nhiều lĩnh vực khác, tránh xa các tệ nạn xã hội. Phát huy vai trò cán bộ Đoàn, Hội, Đội, câu lạc bộ “Học sinh PCMT”, phối hợp tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ANTT, PCMT cho học sinh./.

Bài và ảnh: Minh Thuận
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com