Với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, các đơn vị, trường học trong tỉnh đã cụ thể hóa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đưa vào đời sống học đường, qua đó tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh qua các phong trào học và làm theo Bác.
Học sinh Trường Mầm non số 4 (thành phố Nam Định) tìm hiểu lịch sử tại Bảo tàng tỉnh Nam Định. |
Với quan điểm giáo dục học sinh toàn diện cả về tri thức và đạo đức, các nhà trường đã thực hiện nhiều biện pháp, từ chuyên môn đến các hoạt động ngoại khóa. Tùy theo mỗi cấp học, mỗi độ tuổi học sinh để có những cách thức triển khai phù hợp, hiệu quả. Đối với học sinh tiểu học, các nhà trường giáo dục các em làm theo 5 điều Bác Hồ dạy, biết chia sẻ, giúp đỡ bạn bè, gia đình từ những việc làm nhỏ. Các phong trào ủng hộ người mù bằng hình thức mua tăm, đóng góp sách báo cũ xây dựng quỹ kế hoạch nhỏ, ủng hộ các bạn khó khăn thông qua chương trình Tết yêu thương… đều rất đơn giản, gần gũi và thiết thực, được các nhà trường phát động trong xuyên suốt năm học, góp phần bồi đắp tâm hồn trẻ thơ, giáo dục phẩm chất, đạo đức của học sinh. Trong các buổi sáng chào cờ đầu tuần, cùng với việc tuyên dương những học sinh có thành tích tốt trong học tập, rèn luyện, nhiều trường học cũng thực hiện tuyên dương những em đã có việc làm tốt về nhặt được của rơi trả lại người đánh mất, giúp đỡ bạn; dạy các em cách ứng xử có văn hóa từ văn hóa xếp hàng, tự phục vụ, cách xưng hô với bạn bè, thái độ khi giao tiếp, ứng xử với những người xung quanh, có ý thức, trách nhiệm làm những việc tốt, xứng đáng là cháu ngoan Bác Hồ. Em Nguyễn Ngọc Thủy, học sinh lớp 5A3 Trường Tiểu học Hồ Tùng Mậu (thành phố Nam Định) cho biết: “Chúng em luôn được các thầy, cô dạy về cách giao tiếp chuẩn mực với bạn bè, kính trọng thầy cô, ông bà, bố mẹ và được tham gia vào các hoạt động từ thiện của nhà trường như đóng góp giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh khó khăn trong dịp tết. Thầy, cô còn kể chuyện về Bác Hồ, về tấm gương đạo đức của Bác đã giúp chúng em cố gắng học tốt, rèn luyện tốt theo 5 điều Bác Hồ dạy, để xứng đáng là con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ”.
Ở bậc giáo dục trung học, các nhà trường chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, tăng cường nền nếp, kỷ cương; khắc phục tình trạng bạo lực học đường và các hiện tượng tiêu cực khác nhằm xây dựng văn hóa trường học lành mạnh, an toàn. Cùng với việc xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, các trường đặc biệt quan tâm kịp thời nắm bắt tư tưởng, tâm lý, phát hiện và xử lý những mâu thuẫn, xung đột trong quan hệ của học sinh…; tổ chức, tạo điều kiện để học sinh tham gia các hoạt động thiện nguyện, cộng đồng xã hội nhằm giáo dục lòng nhân ái qua thực tiễn cuộc sống. Ở Trường THPT Trần Văn Lan (Mỹ Lộc), việc học tập và làm theo Bác cũng được đẩy mạnh thông qua giáo dục đạo đức, lý tưởng cách mạng cho học sinh. Các chuyên đề giáo dục được thực hiện lồng ghép trong môn học, các buổi sinh hoạt chào cờ đầu tuần… để các em thấm nhuần việc học tập và làm theo Bác từ những việc làm nhỏ trong sinh hoạt và học tập như: đoàn kết, thân ái với bạn bè, giúp đỡ những người khó khăn trong khả năng của mình, từng bước hoàn thiện bản thân mỗi ngày. Qua các chuyên đề giáo dục, nhất là giáo dục lịch sử được nhà trường tổ chức nhằm nhắc nhở học sinh hướng về truyền thống quê hương, lịch sử của dân tộc, khơi lên lý tưởng, khát vọng cống hiến, trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng xã hội…
Bên cạnh đó, nhà trường đẩy mạnh xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc” nhằm hình thành lối sống đẹp cho học sinh. Hàng năm, nhà trường xây dựng các chương trình hành động thiết thực, đặc biệt chú trọng trang bị những kỹ năng thiết yếu cho học sinh như: Kỹ năng sinh tồn, bảo vệ sự an toàn cho bản thân, kỹ năng giao tiếp ứng xử, giải quyết tình huống, năng lực hợp tác, thích ứng, năng lực tính toán, năng lực ngôn ngữ, kỹ năng chống xâm hại tình dục, kỹ năng phòng, chống ma túy và tệ nạn xã hội… Đồng thời, nhà trường cũng kịp thời biểu dương những hành động đẹp, việc làm tốt của cán bộ, giáo viên, học sinh nhằm tạo thêm động lực thúc đẩy và hướng đến những điều tốt đẹp nhất đó là xây dựng giá trị đạo đức con người.
Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh qua phong trào học và làm theo Bác được các đơn vị, trường học trong tỉnh tổ chức thường xuyên và linh hoạt. Các nhà trường đã triển khai hiệu quả, lồng ghép, tích hợp vào hoạt động giảng dạy chính khóa và các môn học và các buổi sinh hoạt tập thể, hoạt động ngoại khóa, giáo dục ngoài giờ lên lớp, các buổi chào cờ, sinh hoạt lớp, trải nghiệm sáng tạo với nhiều sân chơi bổ ích, hấp dẫn. Các hoạt động được tổ chức có sự đồng hành của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Liên Đội, phối hợp với các tổ chức đoàn thể trong và ngoài nhà trường thông qua các hoạt động về nguồn, giáo dục lịch sử, truyền thống địa phương, nói chuyện chuyên đề, triển khai thường xuyên các cuộc thi viết về Bác, tổ chức các chương trình ngoại khóa, trải nghiệm, hoạt động ngoài giờ lên lớp; đưa nội dung và các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc vào giáo dục; mô hình các câu lạc bộ tài năng, câu lạc bộ nghiên cứu khoa học, câu lạc bộ Stem của học sinh được thành lập và hoạt động hiệu quả... đã tạo sức lan tỏa sâu rộng. Việc giáo dục học sinh thực hiện và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh còn được các nhà trường thực hiện qua việc duy trì hát quốc ca trong các lễ chào cờ; rèn luyện sức khỏe học sinh qua đa dạng các hoạt động tập thể dục, lao động; xây dựng và lồng ghép các chương trình giáo dục và tuyên truyền về biển, đảo, an toàn giao thông, người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam… nhằm hình thành thói quen và các phẩm chất tốt đẹp cho mỗi học sinh… Trong đó, chú trọng việc nêu gương, tuyên dương, xây dựng điển hình tốt. Phương pháp, hình thức giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống hiệu quả đã khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng, tạo sự chuyển biến tốt trong phong trào thi đua học tập, rèn luyện đạo đức cho học sinh trong các trường học. Qua đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương học sinh nghèo vượt khó, tự giác tu dưỡng, học tập, rèn luyện, tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng.
Việc đẩy mạnh học tập và làm theo Bác thông qua giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cán bộ, giáo viên các nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, tạo động lực để ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh tiếp tục khẳng định vị trí trong tốp đầu toàn quốc về chất lượng giáo dục./.
Bài và ảnh: Hồng Minh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin