Trên địa bàn tỉnh, hiện có 9 khu công nghiệp (KCN) đã được phê duyệt với tổng diện tích quy hoạch 2.146ha, trong đó 3 KCN đi vào hoạt động gồm Hòa Xá, Bảo Minh, Mỹ Trung, 2 KCN Mỹ Thuận, Rạng Đông đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và kêu gọi đầu tư; có 24 cụm công nghiệp (CCN) được thành lập với tổng diện tích 596,27ha, trong đó 20 CCN đã đi vào hoạt động với diện tích 326ha. Toàn tỉnh có 26.665 cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy (PCCC), cơ sở nguy hiểm về cháy, nổ nằm chủ yếu trong các KCN, CCN và các khu dân cư tập trung… Đại tá Phan Thị Loan, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, lực lượng Công an các cấp, phong trào toàn dân PCCC ở Nam Định đang phát triển lớn mạnh cả về chất và lượng. Toàn tỉnh đã thành lập 2.160 đội dân phòng, 3.798 đội PCCC cơ sở, xây dựng được 1.367 tổ liên gia an toàn PCCC, 1.205 điểm chữa cháy công cộng, gần 65% số hộ gia đình tự trang bị bình chữa cháy xách tay, có 38.641 thuê bao di động cài đặt App Báo cháy 114. Các tổ liên gia an toàn PCCC đã đẩy mạnh tuyên truyền và thực hiện các quy định về PCCC - cứu nạn, cứu hộ (CNCH); nắm bắt tình hình liên quan và phản ánh với lực lượng chức năng để kịp thời xử lý, đề xuất các phương án thoát hiểm khi có sự cố xảy ra; tổ chức lực lượng, phương tiện PCCC tại chỗ.
Tình huống tham gia cứu hộ, cứu nạn tại Hội thao nghiệp vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ đối với Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy năm 2023. |
Tổ liên gia an toàn PCCC và điểm chữa cháy công cộng đang thực sự là những “cánh tay nối dài” của lực lượng Cảnh sát PCCC-CNCH ở cơ sở, khu dân cư, góp phần lan tỏa sâu rộng phong trào toàn dân tham gia PCCC. Xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc) có diện tích hẹp gần 7,5km2, dân số đông gần 10 nghìn người, trong đó hơn 2.000 lao động làm nghề truyền thống sản xuất chăn, ga, gối, đệm, may mặc tiêu thụ khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước và xuất khẩu sang Lào, Campuchia. Đồng chí Trần Quốc Huy, Chủ tịch UBND xã cho biết, để ngăn ngừa nguy cơ cháy, nổ xảy ra, địa phương thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật PCCC trên hệ thống đài truyền thanh xã, phát tờ rơi đến tận hộ gia đình; tăng cường công tác PCCC tại khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; vận động nhân dân cài đặt App Báo cháy 114, tham gia tổ dân phòng. Đặc biệt, Mỹ Thắng đã vận động hầu hết các hộ gia đình tự trang bị bình chữa cháy; xây dựng được 3 tổ liên gia an toàn PCCC với hàng chục hộ gia đình tham gia, tự trang bị bình bọt, bình khí, kìm trợ lực, xà beng, búa tạ, sẵn sàng sử dụng khi cần thiết. Địa phương cũng chú trọng quy hoạch, từng bước mở rộng hệ thống đường giao thông ở tất cả 7 thôn, đảm bảo để xe chữa cháy, xe CNCH có thể hoạt động. Thực hiện nhiều giải pháp, những năm gần đây trên địa bàn xã Mỹ Thắng không có sự cố cháy nổ xảy ra, người dân yên tâm sản xuất, kinh doanh nâng cao thu nhập, đời sống, đóng góp vào việc xây dựng địa phương phát triển.
Trên địa bàn thành phố Nam Định hiện có gần 4.000 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, trong đó gần 3.000 hộ gia đình có nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Nhận thức rõ vị trí, tầm quan trọng của công tác PCCC, Thành ủy, UBND thành phố đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các phường, xã, các phòng, ban, đơn vị liên quan; đồng thời phát động phong trào toàn dân tham gia PCCC. Công an thành phố thường xuyên tham mưu, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các cấp, các ngành, cơ quan, doanh nghiệp và nhân dân thực hiện nghiêm quy định về an toàn PCCC; kịp thời phát hiện, khắc phục ngay những sơ hở, thiếu sót về an toàn cháy, nổ; đẩy mạnh tuyên truyền, huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về PCCC-CNCH. UBND các phường, xã định kỳ tổ chức huấn luyện cho cán bộ, lực lượng dân phòng và các hộ gia đình có nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trung bình mỗi năm trên 3.000 lượt. Tất cả 25 phường, xã đều tập trung thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn phòng, chống cháy, nổ; tăng cường xây dựng các tổ liên gia an toàn PCCC, điểm chữa cháy công cộng; trong đó nhiều phường, xã làm tốt như: Thống Nhất, Trần Đăng Ninh, Trần Quang Khải, Bà Triệu, Vị Hoàng, Lộc An.
Với việc tập trung triển khai, thực hiện tốt các chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật và xây dựng phong trào toàn dân tham gia công tác PCCC-CNCH; tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra; xử lý nghiêm vi phạm trong lĩnh vực PCCC-CNCH, công tác PCCC trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến tích cực. Trong 8 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh chỉ xảy ra 3 vụ cháy, không có thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản khoảng 11,9 triệu đồng; so với cùng kỳ năm trước giảm 1 vụ, thiệt hại về tài sản giảm 4,7 triệu đồng...
Thời gian tới, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo PCCC-CNCH tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm Luật PCCC, các văn bản của Trung ương, của tỉnh liên quan. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật, kỹ năng về PCCC, thoát nạn, thoát hiểm đến các tầng lớp nhân dân. Xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC-CNCH theo phương châm “bốn tại chỗ”; củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng PCCC dân phòng, PCCC cơ sở. Chỉ đạo, hướng dẫn cấp ủy, chính quyền cơ sở tiếp tục rà soát, xây dựng bổ sung mô hình tổ liên gia an toàn PCCC và điểm chữa cháy công cộng; mở rộng phong trào “Nhà tôi có bình chữa cháy”, vận động 100% hộ gia đình trang bị ít nhất 1 bình chữa cháy. Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về PCCC; tiếp tục kiểm tra việc chấp hành pháp luật về PCCC đối với cơ sở thuộc diện quản lý, khu dân cư có nguy hiểm cháy nổ cao, khu, cụm công nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất công nghiệp, chợ, trung tâm thương mại; kịp thời phát hiện, yêu cầu, hướng dẫn khắc phục tồn tại về PCCC; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về PCCC; xây dựng cơ chế khuyến khích xã hội hóa đầu tư cho hoạt động PCCC-CNCH tại địa phương, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn trên địa bàn./.
Bài và ảnh: Xuân Thu
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin