Đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử

07:34, 06/10/2023

Cùng với sự bùng nổ của chuyển đổi số, các ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính cũng phải đối diện với vấn đề an toàn thanh toán, đặc biệt rủi ro gian lận trong thanh toán điện tử tăng mạnh và nhiều diễn biến phức tạp, khó lường trước.

 Người dân thanh toán dịch vụ công trực truyến bằng cách quét mã QR trên ứng dụng Agribank Mobile Banking tại trụ sở UBND xã Xuân Thượng (Xuân Trường).
Người dân thanh toán dịch vụ công trực truyến bằng cách quét mã QR trên ứng dụng Agribank Mobile Banking tại trụ sở UBND xã Xuân Thượng (Xuân Trường).

Nhiều dịch vụ ngân hàng đã được sử dụng hoàn toàn trên kênh số như: mở tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, chuyển tiền, gửi tiết kiệm...; nhiều ngân hàng có trên 90% giao dịch trên kênh số như tại MB chiếm khoảng 92%; TPBank cũng có tỷ lệ giao dịch trên kênh số hơn 90% hay VPBank cũng có tỷ lệ các giao dịch qua các kênh trực tuyến và ứng dụng số hóa lên tới khoảng 98%. Số lượng người trưởng thành có tài khoản thanh toán điện tử ngày càng tăng; lượng thanh toán thông qua POS, mã QR, internet và Mobile Banking tăng cả về giá trị lẫn số lượng; trong khi đó lượng rút tiền mặt qua ATM giảm đáng kể. Tại Nam Định, đã có hơn 1 triệu thẻ ATM đã được phát hành, số lượng các dịch vụ thanh toán tăng chóng mặt len lỏi vào nền kinh tế, đáp ứng đầy đủ các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Hệ thống mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch, kênh cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính ngân hàng được phát triển theo đúng quy định. Các tổ chức tín dụng không ngừng đầu tư phát triển, sắp xếp hợp lý và gia tăng chức năng, tiện ích trên các thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ (ATM, POS) với các hình thức phù hợp, hiệu quả. Đồng thời, tăng cường phối hợp với bộ phận dịch vụ thanh toán Hội sở chính ứng dụng công nghệ mới để phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán đảm bảo an toàn, bảo mật, mang lại sự thuận tiện cho người sử dụng dịch vụ; đẩy mạnh ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên thiết bị di động, như: thanh toán qua QR Code, mã hóa thông tin thẻ (Tokenization), thanh toán di động (Mobile Payment), thanh toán phi tiếp xúc (Contactless), ví điện tử, v.v… Các đơn vị thường xuyên kiểm tra, kiểm soát nhằm đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong nội bộ hệ thống đơn vị. Tăng cường các biện pháp giám sát đảm bảo an ninh, an toàn trong các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an, các tổ chức cung cấp dịch vụ an ninh mạng để phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý kịp thời các loại tội phạm, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng; phối hợp giải đáp thắc mắc, xử lý khiếu nại nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ.

Tuy nhiên, rủi ro gian lận, lừa đảo trong thanh toán điện tử vẫn luôn tiềm ẩn dấu hiệu gia tăng. Các thủ đoạn lừa đảo trong thanh toán điện tử ngày càng tinh vi, khó nhận biết, ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi khách hàng, thậm chí là uy tín của các ngân hàng. Trường hợp điển hình là khách hàng vô tình cung cấp thông tin cá nhân như căn cước công dân, số thẻ, số tài khoản, mật khẩu, mã OTP hay mã số thanh toán... khi tham gia mạng xã hội, sử dụng internet, mua hàng qua mạng... Cùng với đó, công tác phát hiện, áp dụng biện pháp ngăn ngừa tài khoản có dấu hiệu gian lận giả mạo chưa được các ngân hàng triển khai quyết liệt trên toàn hệ thống, giải pháp công nghệ nhận dạng của một số ngân hàng đang triển khai có thể bị tội phạm vượt qua. Tội phạm am hiểu công nghệ nên ứng biến tinh vi để lẩn tránh sự truy vết hay dấu hiệu nghi ngờ của ngân hàng; khi nhận tiền xong lập tức chuyển tiền đi ngay trên kênh điện tử (ebank) nên ngân hàng thường khó truy vết, hỗ trợ ngăn chặn thiệt hại. Theo các chuyên gia, rủi ro xảy ra trong giao dịch thanh toán điện tử chủ yếu tới từ phía khách hàng chưa có đủ nhận thức về an toàn thông tin, bảo mật các thiết bị của bản thân, cũng như cách sử dụng và vận hành thanh toán giao dịch trên không gian mạng internet. Chính vì vậy, công tác bảo mật hiện nay cần nhắm tới nâng cao nhận thức người dùng, chứ không chỉ tăng bảo mật từ phía đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán.

Để góp phần giảm các hành vi lừa đảo, gian lận trong thanh toán điện tử, Ngân hàng Nhà nước xác định có 5 giải pháp chính là: hoàn thiện hành lang pháp lý; bảo đảm các hệ thống thanh toán quan trọng hoạt động thông suốt, liên tục 24/7; tích cực ứng dụng các công nghệ mới vào quá trình chuyển đổi số; tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng để phát hiện và ngăn chặn các hành vi lừa đảo, gian lận và tiếp tục truyền thông rộng rãi, phổ cập kiến thức tài chính và các cảnh báo đến người dân. Do đó, thúc đẩy nhận thức là điều mà toàn ngành Ngân hàng cần chung tay. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, trang bị các hệ thống hỗ trợ giám sát giao dịch điện tử, điều tra gian lận. Từng bước tổng hợp, phân tích dữ liệu của khách hàng và xây dựng bộ quy tắc để phát hiện và ngăn chặn sớm các gian lận. Xây dựng các tiêu chí và phần mềm để xác định các giao dịch bất thường dựa vào thời gian, vị trí địa lí, tần suất giao dịch, số tiền giao dịch, số lần đăng nhập sai quá quy định hoặc các dấu hiệu bất thường khác để phát hiện, gửi báo cáo. Quản lý chặt chẽ quy trình, thủ tục mở và sử dụng tài khoản, thẻ ngân hàng; đẩy nhanh tiến độ kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia theo Đề án số 06. Tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan, ngân hàng, tổ chức liên quan trong công tác phòng, chống tội phạm; theo dõi trao đổi thông tin về các loại hình, phương thức, thủ đoạn tội phạm mới, các vụ việc gian lận, lừa đảo. Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn cảnh báo cho khách hàng. Phối hợp với công ty viễn thông nghiên cứu phương án đối chiếu, kiểm tra thông tin số điện thoại chính chủ...

Ngân hàng cũng khuyến cáo, khách hàng cần tuân thủ các nguyên tắc về an ninh, bảo mật theo đúng các hướng dẫn của các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức trung gian thanh toán, đảm bảo sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt an toàn; chỉ sử dụng các dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán để thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp, tuân thủ quy định pháp luật; nâng cao cảnh giác, chủ động bảo vệ bí mật các thông tin cá nhân/thông tin tài khoản/thông tin thẻ ngân hàng, ví điện tử. Tuyệt đối không thuê, cho thuê, trao đổi, mua bán, tiết lộ thông tin cá nhân/thông tin tài khoản/thông tin thẻ ngân hàng, ví điện tử dưới mọi hình thức để tránh các trường hợp bị lợi dụng./.

Bài và ảnh: Đức Toàn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com