Quan tâm công tác tư vấn tâm lý học đường

07:34, 29/09/2023

Những năm học qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) tỉnh đã đẩy mạnh triển khai Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT, ngày 18-12-2017 của Bộ GD và ĐT về hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông. Từ đó đã phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp (khi cần thiết) đối với học sinh đang gặp phải khó khăn về tâm lý trong học tập và cuộc sống để tìm hướng giải quyết phù hợp, giảm thiểu tác động tiêu cực có thể xảy ra; hỗ trợ học sinh rèn luyện kỹ năng sống, thái độ ứng xử phù hợp trong các mối quan hệ, góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện.

Thầy và trò Trường THPT Nguyễn Công Trứ (thành phố Nam Định) trong một giờ học.
Thầy và trò Trường THPT Nguyễn Công Trứ (thành phố Nam Định) trong một giờ học.

Đầu năm học vừa qua, em Thu Phương, Trường THCS H. rơi vào tình trạng trầm cảm nhẹ do kết quả học tập không được như mong muốn. Do là năm cuối cấp nên khi kết quả thi tám tuần học kỳ 1 không như ý muốn, bố mẹ đã không tin tưởng em có thể dự thi vào trường chuyên như dự định. Cứ đến bữa ăn, mẹ lại nhắc lại điểm số dù Phương cố giải thích chỉ là sự nhầm lẫn trong quá trình làm bài kiểm tra và em đang cố gắng hơn mỗi ngày. Áp lực từ kết quả học tập tốt  cùng với những lời trách móc của mẹ, cho rằng em mải chơi, có quan hệ bạn bè không lành mạnh khiến em rơi vào trạng thái buồn bã, mệt mỏi, khó tập trung. Nắm bắt được tâm lý bất thường của Phương, cô giáo chủ nhiệm đã gặp riêng em để hỏi han, lắng nghe tâm sự, chia sẻ, khích lệ và tạo điều kiện để em tham gia vào các hoạt động đoàn thể của trường, của lớp. Mặt khác cô giáo đã trò chuyện với phụ huynh để cùng tìm cách thay đổi giúp con lấy lại sự tự tin để tiếp tục vươn lên trong học tập. Với cô bé Diễm My, học sinh lớp 5 ở một trường tiểu học trên địa bàn thành phố Nam Định cũng trải qua cú sốc khi mẹ em sinh em bé. Từ một đứa trẻ được yêu chiều, bỗng mọi sự quan tâm đều dành vào em trai mới sinh. My cảm thấy trở lên thừa thãi, vô dụng khi làm gì cũng bị gia đình nhắc nhở dù mọi sinh hoạt vẫn diễn ra như trước đây. Một ngày, trong lúc soạn sách vở, My vô tình làm rơi chiếc đèn học khiến em của My giật mình tỉnh dậy, ngay lập tức em bị mẹ đánh. Những ngày sau đó, My đến lớp trong tâm trạng rất buồn, thỉnh thoảng lại lén lau nước mắt. Sự khác thường của học trò nhanh chóng được cô giáo chủ nhiệm chú ý và tìm cách trò chuyện để em giãi bày tâm sự. Nắm bắt được tâm lý lứa tuổi cùng kinh nghiệm nhiều năm làm công tác chủ nhiệm, cô giáo đã nhanh chóng dẫn dắt, động viên My và trò chuyện với gia đình để cân bằng lại cuộc sống và tâm lý trẻ nhỏ.

Không chỉ học sinh phổ thông, trong cuộc sống hiện đại, học sinh tiểu học cũng gặp nhiều khó khăn về mặt tâm lý. Khi gặp khó khăn, trở ngại, không phải học sinh nào cũng tìm đến thầy cô, bạn bè hoặc người thân để được hỗ trợ, giúp đỡ. Rất nhiều em đã chọn cách âm thầm chịu đựng và cố gắng vượt qua theo cách riêng của mình. Những áp lực trong cuộc sống cũng như học tập dẫn đến nhiều em có những trở ngại về tâm lý như stress - căng thẳng thần kinh, trầm cảm, rối loạn tinh thần, hội chứng ngược đãi bản thân... Tuy nhiên, các em lại không thể chia sẻ do bố mẹ ít lắng nghe hoặc thiếu kiến thức về tâm sinh lý lứa tuổi... Thực tế này khiến nhiều học sinh mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ thầy cô có chuyên môn về công tác tư vấn tâm lý nhưng ở hầu hết trường học, hoạt động này lại chưa phát huy hiệu quả. Thậm chí, nhiều trường học còn bỏ ngỏ hoặc không coi trọng công tác này. Các nhà trường gần như chỉ tập trung vào việc dạy kiến thức, chưa chú trọng kích hoạt hệ thống chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh để giúp các em có một khởi đầu tốt, có khả năng vượt qua những khó khăn của chính mình trong quá trình học tập, rèn luyện, trau dồi năng lực, phẩm chất.

Hiện nay, việc tư vấn tâm lý học đường cũng được triển khai ở các cơ sở giáo dục phổ thông trong tỉnh với các hoạt động: tư vấn, giáo dục kỹ năng, biện pháp ứng xử văn hóa, phòng chống bạo lực, xâm hại và xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; tư vấn tâm lý lứa tuổi, giới tính, hôn nhân, gia đình, sức khỏe sinh sản vị thành niên phù hợp với lứa tuổi; tư vấn tăng cường khả năng ứng phó, giải quyết vấn đề phát sinh trong mối quan hệ gia đình, thầy cô, bạn bè và các mối quan hệ xã hội khác. Đặc biệt là tư vấn kỹ năng, phương pháp học hiệu quả và định hướng nghề nghiệp… Tuy nhiên, việc tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông là hoạt động mới, chưa có tính chuyên nghiệp trong trường học. Các cơ sở giáo dục phổ thông trong tỉnh chưa có giáo viên chuyên trách về tư vấn học đường mà việc tư vấn tâm lý do giáo viên chủ nhiệm, cán bộ Đoàn, Đội hoặc y tế trường học kiêm nhiệm dưới sự giám sát của Ban giám hiệu nhà trường. Mặc dù các cơ sở giáo dục phổ thông đã có nhiều giải pháp tăng cường tổ chức bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ tư vấn tâm lý học sinh đối với cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm; trang bị tài liệu, học liệu cần thiết để đảm bảo việc tư vấn, nhưng dù được quan tâm, hầu hết các trường rất khó khăn khi triển khai phòng tư vấn tâm lý học đường, bởi thiếu nhân lực cũng như kinh phí hoạt động, đặc biệt là các hoạt động theo nhóm lớn; nội dung tài liệu tập huấn còn chưa chuẩn hóa. Mặt khác, đội ngũ cán bộ kiêm nhiệm chỉ được tiếp thu kiến thức tư vấn, định hướng từ các đợt tập huấn ngắn hạn, thiếu kiến thức chuyên sâu, phải tự tìm hiểu thông qua các nguồn tài liệu khác nhau nên gặp những khó khăn nhất định trong quá trình tư vấn tâm lý, giải quyết nhiều vấn đề về công tác xã hội học đường cho học sinh.

Năm 2023, Bộ GD và ĐT xác định, đẩy mạnh công tác xã hội, tư vấn tâm lý học đường cho học sinh, sinh viên là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Bộ đã tổ chức khóa tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, giáo viên thực hiện thí điểm mô hình công tác xã hội trường học trong việc hỗ trợ, bảo vệ học sinh, đặc biệt là nhóm học sinh yếu thế tại các cơ sở giáo dục. Mong rằng, thời gian tới, công tác bồi dưỡng cho cán bộ làm công tác tư vấn tâm lý học đường sẽ được đầu tư bài bản hơn, các trường học sẽ có hướng dẫn cụ thể hơn về quy trình tư vấn tâm lý cho học sinh cũng như quan tâm đồng bộ về nguồn lực cho hoạt động này trong nhà trường, đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay./.

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com