Thực hiện Cuộc vận động (CVĐ) “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” do Trung ương Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Việt Nam phát động, trong những năm qua, Hội CTĐ huyện Nam Trực đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực; tích cực đổi mới nội dung, phương thức nhằm kêu gọi các tập thể, cá nhân, mạnh thường quân chia sẻ về tinh thần, vật chất, giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế… vươn lên ổn định cuộc sống.
Hội Chữ thập đỏ huyện Nam Trực phối hợp với các đơn vị, nhà hảo tâm thăm, tặng quà các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện. |
Chúng tôi cùng đoàn công tác của Hội CTĐ tỉnh, huyện Nam Trực, Trung tâm Truyền hình Nhân đạo kênh VTV1 đến thăm gia đình bà Trần Thị Xi, xóm Rạch Trung, thôn Bàn Thạch, xã Hồng Quang vào một ngày giữa tháng 8-2023. Trong căn nhà 2 gian cũ kỹ hầu như không có đồ vật gì đáng giá ngoài những hàng giấy khen thành tích học tập của các con bà Xi được treo ngay ngắn. Chia sẻ với chúng tôi, bà Xi cho biết: “Gia đình tôi thuộc diện cận nghèo của xã. Chồng tôi từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, bị ảnh hưởng vết thương chiến tranh nên sau khi về nhà đến khi mất cách đây vài năm, sức khoẻ cũng như tinh thần đều không được ổn định”. Bản thân bà Xi lại không có nghề nghiệp ổn định. Hàng ngày, những lúc nông nhàn, để có tiền nuôi con ăn học, bà Xi đi nhặt phế liệu từ các bãi rác xung quanh xã kiếm thêm thu nhập. Đồng cảm, chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn của bà Xi, Hội CTĐ các cấp huyện Nam Trực thường xuyên xuống gia đình thăm hỏi, tặng quà vào các dịp lễ, tết. Trong dịp này, Hội CTĐ huyện đã phối hợp với Hội CTĐ tỉnh, Trung tâm Truyền hình Nhân đạo kênh VTV1, các nhà hảo tâm thăm, tặng các phần quà cho bà Xi, trị giá gần 10 triệu đồng. Bà Xi chỉ là một trong nhiều địa chỉ nhân đạo được các cấp Hội CTĐ huyện Nam Trực trợ giúp thiết thực, hiệu quả trong thời gian qua.
Triển khai CVĐ “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” Hội CTĐ huyện đã xây dựng kế hoạch, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nội dung CVĐ trên Đài phát thanh huyện và hệ thống truyền thanh các xã; lồng ghép trong các buổi hội nghị, hội thảo; khảo sát đối tượng có hoàn cảnh khó khăn để lập hồ sơ các địa chỉ cần giúp đỡ, giới thiệu địa chỉ đã được khảo sát đến các đơn vị, cá nhân có tấm lòng hảo tâm đăng ký, giúp đỡ lâu dài, bền vững... Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn huyện đã khảo sát hàng trăm địa chỉ nhân đạo cần được giúp đỡ. Những địa chỉ này hầu hết là đối tượng nạn nhân chất độc da cam (CĐDC), người già cô đơn không nơi nương tựa, trẻ em hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật, học sinh nghèo vượt khó, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… Tiêu biểu như Hội CTĐ xã Nam Hùng đã phối hợp với thầy Thích Diệu Minh, trụ trì Chùa Thụ, xã Nam Hùng trợ giúp 7 địa chỉ nhân đạo, mức hỗ trợ 800 nghìn đồng/tháng/địa chỉ.
Để CVĐ “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” được triển khai sâu rộng, Hội CTĐ huyện Nam Trực còn phối hợp với các đơn vị, nhà hảo tâm triển khai nhiều hoạt động trợ giúp người nghèo, người khuyết tật, nạn nhân CĐDC, học sinh nghèo vượt khó... Hình thức trợ giúp chủ yếu là hỗ trợ hàng tháng bằng tiền mặt cho gia đình khó khăn; trao học bổng cho học sinh nghèo đạt thành tích cao trong học tập; thăm, tặng quà dịp lễ, tết; xây tặng nhà CTĐ, nhà đại đoàn kết, khám bệnh và phát thuốc miễn phí, trao quà, tặng xe lăn, xe lắc, phương tiện sinh kế, sổ tiết kiệm, tặng thẻ bảo hiểm y tế, tặng quà Trung thu cho trẻ em nghèo, hỗ trợ vốn sản xuất và phát triển chăn nuôi, học nghề tạo việc làm cho người nghèo… Từ đầu năm 2023 đến nay, các cấp Hội CTĐ huyện đã vận động các nhà hảo tâm, doanh nghiệp... ủng hộ kinh phí để thăm hỏi, tặng quà, trợ giúp cho hàng nghìn lượt người nghèo, cận nghèo, nạn nhân CĐDC, gia đình chính sách, người khuyết tật hoàn cảnh khó khăn, trẻ mồ côi, người già cô đơn, học sinh, sinh viên nghèo vượt khó, người gặp rủi ro hoạn nạn và các đối tượng khác. Cụ thể, trong chương trình “Tết Nhân ái” Quý Mão, Hội CTĐ huyện đã kêu gọi và tiếp nhận ủng hộ của các tổ chức như: Quỹ Thiện Tâm, Hội Phật giáo huyện cùng các tập thể, cá nhân có lòng hảo tâm... trao tặng 3.035 suất quà, trị giá trên 1,2 tỷ đồng. Trong đó, huyện Hội trích Quỹ Nhân đạo trao tặng 325 suất, trị giá 142,5 triệu đồng; tiếp nhận và phối hợp với Quỹ Thiện Tâm trao 480 suất quà, trị giá 288 triệu đồng; Hội CTĐ các xã, thị trấn trích Quỹ Nhân đạo, vận động các doanh nghiệp, nhà chùa, nhà hảo tâm tặng 2.230 suất quà, trị giá trên 816 triệu đồng; tiếp nhận 290 suất quà từ tỉnh Hội, trị giá 141 triệu đồng… Ngoài các hoạt động trợ giúp thường xuyên, các cấp Hội còn triển khai các hoạt động hỗ trợ đột xuất cho những người kém may mắn, người nghèo. Từ năm 2022 đến nay, Hội CTĐ các cấp trong huyện còn trích Quỹ Nhân đạo tặng 30 suất quà, trị giá 500 nghìn đồng/suất cho hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; trao tặng 1 xe lăn cho người khuyết tật, trị giá 2,5 triệu đồng; thăm hỏi 1 gia đình nạn nhân bị tai nạn giao thông tử vong; thăm hỏi, động viên 1 gia đình có 2 vợ chồng bị ung thư… “Điểm sáng” trong triển khai CVĐ là Hội CTĐ huyện đã xây dựng được một số mô hình hoạt động xã hội nhân đạo thiết thực như: Mô hình hỗ trợ nhà CTĐ, cấp gạo, học bổng… đã giúp hàng trăm lượt người được trợ cấp thường xuyên và đột xuất. Từ đó, tạo hiệu ứng lan tỏa với tinh thần “Lá lành đùm lá rách”, vận động đông đảo cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, các tập thể, cá nhân, nhà hảo tâm chung tay thực hiện các hoạt động an sinh xã hội.
Với những hoạt động thiết thực, CVĐ “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” ở Nam Trực đã góp phần xã hội hóa công tác nhân đạo, đưa những tấm lòng hảo tâm đến với những số phận kém may mắn, những địa chỉ khó khăn cần được sẻ chia, giúp đỡ họ vươn lên trong cuộc sống. Để CVĐ tiếp tục được triển khai sâu rộng, thời gian tới, Hội CTĐ các cấp trong huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong cán bộ và các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa, nội dung của CVĐ; gắn việc thực hiện CVĐ với các phong trào thi đua của các cấp Hội, từ đó tăng nguồn lực trợ giúp người nghèo, người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn. Cùng với đó, Hội CTĐ huyện tập trung khảo sát, nắm chắc nhu cầu cần trợ giúp của từng đối tượng; xây dựng kế hoạch vận động nguồn lực theo từng năm, nắm bắt thông tin nhà tài trợ tiềm năng để định hướng hình thức trợ giúp cho các đối tượng mang tính thiết thực, bền vững./.
Bài và ảnh: Hoa Quyên
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin