Theo truyền thống, lễ Vu Lan vào ngày Rằm tháng 7 âm lịch hàng năm, là dịp để mỗi người bày tỏ lòng thành kính, báo hiếu với cha, mẹ. Để phát huy nét đẹp văn hóa thuần túy, tránh các hiện tượng biến tướng, thời gian qua, các cấp, các ngành chức năng và các cơ sở thờ tự Phật giáo đã tích cực vận động nhân dân thực hiện tốt nếp sống văn minh trong dịp lễ Vu Lan báo hiếu.
Chương trình văn nghệ Phật giáo trong lễ Vu Lan tổ chức tại Chùa Vọng Cung (thành phố Nam Định). |
Thượng tọa Thích Giác Vũ, Chánh Thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nam Định cho biết: Lễ Vu Lan bắt nguồn từ sự tích tấm gương hiếu hạnh của Bồ tát Mục Kiền Liên với mẹ. Câu chuyện báo hiếu của Bồ tát Mục Kiền Liên trong Phật giáo chỉ ra rằng, muốn linh hồn cha mẹ, ông bà được siêu thoát thì mỗi người phải hành động bằng cái tâm trong sáng, hướng thiện, lối sống vị tha, biết chăm lo cho những người xung quanh. Trong tháng 7 âm lịch, ngoài lễ Vu Lan còn có lễ xá tội vong nhân. Dân gian quan niệm ngày Rằm tháng 7 là ngày “mở cửa ngục” để các cô hồn nhận đồ cúng tế nên được gọi là ngày “xá tội vong nhân”. Khi thực hiện lễ này, người dân thường làm lễ cầu siêu cho gia tiên tiền tổ nhằm thể hiện sự hiếu thảo của con cháu đối với các bậc sinh thành. Điều đó thể hiện sự tiếp biến của lễ Vu Lan và xá tội vong nhân đều cùng hướng đến tính nhân văn sâu sắc của người Việt, thể hiện đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn”. Vào dịp này, ở nhiều từ đường dòng họ, con cháu về hội tụ đông đủ, khi các vật phẩm cung tiến đã được xếp đặt ngay ngắn thì những hồi trống vang lên báo nghi thức bắt đầu buổi lễ. Tiếng trống âm vang kết nối truyền thống lịch sử với hiện tại, tiếp thêm sức mạnh để con cháu đoàn kết, tích cực học tập, lao động sản xuất, vươn lên trong cuộc sống. Ở nhiều gia đình thường thắp nhang đèn, bày hoa quả để cúng ở bàn thờ Phật, bàn thờ tổ tiên trong nửa đầu tháng 7 âm lịch. Tại nhiều cơ sở thờ tự Phật giáo, lễ Vu Lan được tổ chức trang trọng theo đúng giáo lý nhà Phật với những nội dung như: Giảng kinh về đạo hiếu, lễ bông hồng cài áo, thả đèn hoa đăng, lễ cầu siêu… Nhiều chùa trên địa bàn tỉnh tổ chức lễ Vu Lan với quy mô lớn như: Chùa Vọng Cung (thành phố Nam Định), Chùa Diêm Điền, Chùa An Lạc (Giao Thủy), Chùa Phúc Lộc, Chùa Bình A (Nghĩa Hưng), Chùa Linh Ứng (Hải Hậu)… Ở Chùa Vọng Cung, hàng năm trong ngày tổ chức nghi thức hoa hồng cài áo có trên 1.000 người tham dự. Trước khi thực hiện nghi thức, một vị thượng tọa sẽ giảng về ý nghĩa lễ Vu Lan với từng chủ đề nội dung xoay quanh ơn cha nghĩa mẹ, khuyên răn mỗi người sống tốt hướng thiện trong cuộc sống thường ngày. Tại Chùa Linh Ứng (Hải Hậu), đại lễ Vu Lan được tổ chức với nhiều nội dung như: Chương trình ca nhạc Phật giáo, thuyết giảng đại lễ Vu Lan báo hiếu, lễ cúng cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ, các vong hồn mất vì thiên tai, dịch bệnh, tụng kinh địa tạng cầu siêu báo hiếu, nghi thức hoa hồng cài áo, lễ phóng sinh. Ở Chùa An Lạc (Giao Thủy), lễ Vu Lan được tổ chức với các nghi thức rước, dâng hương, tụng kinh Vu Lan và tán thán công đức của Đức Mục Kiền Liên Bồ tát… Nhằm giáo dục cho thế hệ trẻ hiểu đúng về ý nghĩa lễ Vu Lan và hiếu nghĩa, thời gian qua, nhiều chùa trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với các đơn vị giáo dục tổ chức các buổi học ngoại khóa cho học sinh. Tại Chùa Gôi (Vụ Bản), mỗi dịp lễ Vu Lan đều có sự tham dự của học sinh trường tiểu học và trường trung học cơ sở thị trấn Gôi. Tại đây, các em được hòa mình vào chương trình văn nghệ với các bài hát Phật giáo về đạo hiếu; được các vị hòa thượng, thượng tọa giảng về đạo làm con; thực hành nghi thức bông hồng cài áo… Trong dịp này, tại Chùa Gôi diễn ra lễ trao học bổng tới các em nhỏ học giỏi và có hoàn cảnh khó khăn ở thị trấn với tinh thần từ bi của đạo Phật, kết hợp với tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách.
Xác định một trong những thực trạng phổ biến trong dịp lễ Vu Lan là đốt vàng mã. Thời gian qua, thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 9-6-2016 của Tỉnh ủy về “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh” và Quyết định số 17/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường cung cấp thông tin cho người dân về ý nghĩa, mục đích của việc đốt, rải vàng mã… Nhiều địa phương, đơn vị đã ban hành văn bản chỉ đạo và xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Từ việc tập trung chỉ đạo, đến nay các xã, thị trấn trong huyện Xuân Trường đều ban hành quy chế nếp sống văn minh; UBND huyện đã thành lập đoàn kiểm tra thường xuyên ở tất cả các xã, thị trấn. Nhờ đó việc đốt, rải vàng mã tại các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn huyện giảm đáng kể. Huyện Hải Hậu có văn bản hướng dẫn, yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị ký cam kết gương mẫu đi đầu và hướng dẫn nhân dân thực hiện tốt các quy định, quy chế nếp sống văn hóa. Những gia đình không thực hiện đúng quy chế được thông báo trên hệ thống đài truyền thanh xã nên việc đốt, rải vàng mã ở các gia đình được hạn chế.
Để lễ Vu Lan năm 2023 thực sự trở thành dịp lễ ý nghĩa, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ban hành thông bạch về đại lễ Vu Lan báo hiếu số 719/TB-HĐTS, ngày 4-8-2023. Theo đó, để phục vụ nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng cho phật tử và nhân dân, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự đề nghị các Ban, Viện Trung ương, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp và các chùa, cơ sở tự viện, tăng, ni, tín đồ, cư sĩ phật tử thực hiện nhiều nội dung. Trong đó nhấn mạnh yêu cầu Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, thành phố có kế hoạch hướng dẫn, giúp đỡ các cơ sở tự viện trong công tác tổ chức đại lễ Vu Lan báo hiếu… Trong khâu tổ chức mua sắm lễ, tránh tổ chức thu tiền mua lễ mang hình thức dịch vụ tâm linh và các nghi lễ không phù hợp với chính pháp và nghi lễ truyền thống; không đốt nhiều vàng mã; nên thực hiện các việc làm từ thiện thiết thực cứu giúp người nghèo khổ để chuyển hóa thành nghiệp thiện lành báo hiếu tổ tiên và cha mẹ… Cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành chức năng nhằm phát huy ý nghĩa tích cực của văn hóa tín ngưỡng tôn giáo, đồng thời hạn chế những tiêu cực nảy sinh trong quan niệm và thực hành lễ Vu Lan, mỗi người dân cũng nên tìm hiểu về nguồn gốc, cách thực hành lễ truyền thống, qua đó, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh trong xã hội, hướng con người tới những việc làm tốt đẹp trong cuộc sống hàng ngày./.
Bài và ảnh: Viết Dư
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin