Để nhân rộng điển hình làm kinh tế giỏi, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân (HND) huyện Mỹ Lộc đã đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, tạo sự lan tỏa sâu rộng.
Ông Trần Văn Khoa, xã Mỹ Hà nuôi cá Koi, cá trắm đen kết hợp chế biến các sản phẩm từ cá trắm đen cho hiệu quả kinh tế cao. |
Hàng năm, các cấp Hội triển khai, hướng dẫn các hộ nông dân đăng ký danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp và bình xét hộ đạt vào dịp cuối năm. Bình quân hàng năm toàn huyện có trên 30% hộ nông dân đạt hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Phong trào ngày càng đi vào chiều sâu, thu hút đông đảo hội viên, nông dân tham gia, khai thác tiềm năng đất đai, vốn, lao động, phát huy sức sáng tạo, nâng cao trình độ quản lý, tổ chức sản xuất và tiêu thụ nông sản, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn. Phong trào có bước chuyển biến về chất theo hướng hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, xây dựng nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật cao, trong đó đã xuất hiện nhiều mô hình trang trại sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao như: nuôi cá trắm đen, cá quả của ông Trần Văn Quyên, xã Mỹ Hà; nuôi gà đẻ trứng thương phẩm của ông Trần Bùi Nam, xã Mỹ Trung; chăn nuôi lợn gia công của anh Vũ Văn Khiêm, xã Mỹ Thịnh; trồng hoa của ông Nguyễn Trọng Đại, xã Mỹ Tân; sản xuất kẹo dồi, kẹo lạc của ông Triệu Văn Mỹ, xã Mỹ Thịnh; nuôi cá Koi, cá trắm đen kết hợp chế biến ruốc cá, cá trắm đen nướng, cá trắm đen cắt khúc của ông Trần Văn Khoa, xã Mỹ Hà; liên kết sản xuất của hộ ông Trần Đức Thuận, bà Trần Thị Oanh xã Mỹ Thắng với Công ty Toản Xuân (thu gom ruộng bỏ hoang để cấy lúa trên diện tích 15ha)…
Cùng với đó, các cấp Hội cũng đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân, đặc biệt là hỗ trợ nông dân về vốn, khoa học kỹ thuật, hướng dẫn phát triển các mô hình kinh tế tập thể. Trong 5 năm qua, các cấp Hội phối hợp tổ chức 122 lớp tập huấn về phát triển kinh tế trong xây dựng nông thôn mới cho 9.800 lượt người; 11 lớp tập huấn về liên kết chuỗi giá trị và xây dựng mô hình chuỗi giá trị nông sản an toàn cho 660 cán bộ, hội viên; cử 60 lượt người dự các lớp tập huấn về mô hình kinh tế tập thể do HND tỉnh tổ chức; vận động nông dân tham gia mô hình kinh tế tập thể, tổ hợp tác. Hiện nay, toàn huyện có 12 tổ hợp tác với 175 thành viên, gắn kết nhau cùng sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm. Điển hình là các tổ hợp tác: Trồng hoa và cây cảnh Hồng Hà xã Mỹ Tân; Dịch vụ cày bừa xã Mỹ Trung; May mặc, nuôi trồng thủy sản xã Mỹ Thắng; Nuôi trồng thủy sản thôn 1, Nuôi trồng thủy sản thôn 2 xã Mỹ Hưng; Chăn nuôi tổng hợp xã Mỹ Thịnh; Chăn nuôi xã Mỹ Thuận. Hội còn thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tuyên truyền, bồi dưỡng về thông tin kinh tế thị trường, ứng dụng công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp; tạo điều kiện để cán bộ, hội viên vay vốn của các ngân hàng, Quỹ hỗ trợ nông dân. Trong đó, tổng dư nợ từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên 201,2 tỷ đồng, cho 729 hộ vay; dư nợ từ Ngân hàng Chính sách xã hội trên 50,8 tỷ đồng, cho 1.459 hộ vay. Quỹ Hỗ trợ nông dân 5 năm qua cũng đã cho vay 13 dự án với 78 lượt hộ vay phát triển mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu là dự án nuôi cá nước ngọt tại Tổ hợp tác Nuôi trồng thủy sản Tiền Phong, xã Mỹ Hà đem lại lợi nhuận sau dự án cho 10 hộ bình quân trên 300 triệu đồng/hộ/năm; dự án nuôi vịt đẻ tại Tổ hợp tác Chăn nuôi Lang Xá, xã Mỹ Tiến đem lại lợi nhuận cho 10 hộ bình quân là 200 triệu đồng/hộ/năm.
Thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ; hàng năm, HND các cấp đã tiến hành khảo sát nhu cầu đào tạo nghề và đăng ký số lớp, ngành nghề đào tạo cho hội viên nông dân. 5 năm qua, Hội đã phối hợp mở được 11 lớp đào tạo nghề cho 380 hội viên nông dân, tỷ lệ hội viên nông dân sau học nghề có việc làm đạt 85%. Các cấp Hội trong toàn huyện còn tích cực phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện, các công ty tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật được 303 lớp cho 20 nghìn lượt người tham dự; lựa chọn các loại phân bón, giống lúa, thuốc bảo vệ thực vật có uy tín, chất lượng để cung ứng cho hội viên, nông dân trong huyện. Ngoài ra, các cấp HND trong huyện còn phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai hướng dẫn nông dân sản xuất theo hướng sản phẩm nông sản an toàn, nông sản sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, OCOP để nâng cao giá trị hàng hóa, phát triển nông nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường. Đến nay, toàn huyện có 8 sản phẩm OCOP, 8 sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP. Nhằm hỗ trợ hội viên quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, HND huyện đã phối hợp với Bưu điện huyện triển khai thực hiện chương trình “Đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn”, tổ chức tập huấn chuyển đổi số cho hội viên nông dân, đưa 4 sản phẩm OCOP niêm yết trên sàn điện tử Postmart.
Nhờ nhân rộng các điển hình làm kinh tế giỏi, nông nghiệp, nông dân, nông thôn Mỹ Lộc có nhiều chuyển biến rõ rệt. Sản xuất nông nghiệp của huyện luôn đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng giá trị ngành chăn nuôi, cây trồng có giá trị kinh tế cao. Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp - thuỷ sản năm 2022 đạt 822,2 tỷ đồng. Giá trị sản xuất bình quân 1ha canh tác năm 2022 đạt 128,34 triệu đồng. Diện tích lúa duy trì ổn định trên 3.100ha; hình thành các vùng cánh đồng lớn, chuyên canh, liên kết với các doanh nghiệp như vùng trồng lúa chất lượng cao Đài thơm 8, Bắc thơm 7 tại Mỹ Tiến liên kết tiêu thụ với Công ty Giống cây trồng Trung ương; mô hình liên kết với Công ty Toản Xuân tại Mỹ Thắng... Vùng trồng hoa tập trung trên địa bàn xã Mỹ Tân được nông dân duy trì diện tích 150ha, thu nhập bình quân đạt 500-600 triệu đồng/ha/năm. Chăn nuôi chuyển dịch theo hướng tập trung quy mô trang trại, gia trại và thực hiện an toàn sinh học, hầm bioga bảo vệ môi trường. Tổng đàn gia súc năm 2022 đạt 29.243 con, đàn gia cầm 393 nghìn con… Thủy sản phát triển và duy trì theo hướng hình thành các vùng nuôi trồng tập trung tại các xã Mỹ Hà, Mỹ Thắng, Mỹ Trung... Diện tích nuôi trồng thủy sản toàn huyện năm 2022 đạt 839ha, sản lượng đạt 3.800 tấn. Các loại thủy sản chủ lực gồm cá truyền thống, cá cảnh. Kinh tế phát triển, đời sống của nông dân được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 43,49 triệu đồng (năm 2018) lên 56 triệu đồng (năm 2022); tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1,86% (năm 2018) xuống 1,2% (năm 2022)./.
Bài và ảnh: Lam Hồng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin