Ngày 22-6-2023 tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Luật Giao dịch điện tử (GDĐT) sửa đổi. Mục đích hướng đến của việc xây dựng và thông qua Luật GDĐT sửa đổi là tạo hành lang pháp lý hoàn thiện, đầy đủ, thuận lợi cho việc chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong tất cả các ngành, lĩnh vực, nhằm chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và công cuộc Chuyển đổi số quốc gia.
Người dân được hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại Trung tâm Phục vụ hành chính công, Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh. |
Luật GDĐT sửa đổi gồm 7 Chương, 54 Điều và có nhiều điểm mới so với luật hiện hành. Trong đó đáng chú ý là 6 chính sách mới gồm: Mở rộng đối tượng điều chỉnh đối với tất cả các luật trước đây chưa quy định giao dịch thực hiện bằng phương thức điện tử; công nhận GDĐT sẽ có giá trị tương đương và có thể sử dụng thay thế giao dịch truyền thống; tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thực hiện hợp đồng điện tử; luật hóa vai trò của các nền tảng số quốc gia; luật hóa việc cơ quan Nhà nước được thuê chuyên gia từ nguồn ngân sách Nhà nước và chính sách chia sẻ dữ liệu, giám sát, kiểm tra trực tuyến. Đây được coi là một bước đột phá lớn để thúc đẩy các hoạt động GDĐT khi việc giao dịch có thể thực hiện toàn trình, từ đầu đến cuối bằng phương tiện điện tử.
Bên cạnh đó Luật GDĐT sửa đổi cũng quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm như: Lợi dụng Luật GDĐT sửa đổi xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; cản trở hoặc ngăn chặn trái pháp luật quá trình tạo ra, gửi, nhận, lưu trữ thông điệp dữ liệu hoặc có hành vi khác nhằm phá hoại hệ thống thông tin phục vụ GDĐT; thu thập, cung cấp, sử dụng, tiết lộ, hiển thị, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông điệp dữ liệu; xóa, hủy, giả mạo, sao chép, làm sai lệch, di chuyển trái pháp luật một phần hoặc toàn bộ thông điệp dữ liệu; tạo ra thông điệp dữ liệu nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật; gian lận, giả mạo, chiếm đoạt hoặc sử dụng trái pháp luật tài khoản GDĐT, chứng thư điện tử, chứng thư chữ ký điện tử, chữ ký điện tử; cản trở việc lựa chọn thực hiện GDĐT và một số hành vi khác... Như vậy, việc khẳng định giá trị pháp lý, công nhận giá trị pháp lý giống như giao dịch trong môi trường thực, ưu tiên, khuyến khích thực hiện bằng các chính sách cũng như cụ thể hóa những hành vi không được làm trong GDĐT không chỉ góp phần tiết giảm thời gian, chi phí, bảo đảm an toàn, tạo hành lang thông thoáng hơn cho các giao dịch trên môi trường số, mang lại hiệu quả kinh tế và năng lực cạnh tranh tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp mà còn là cơ sở để người dân, doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn với các GDĐT và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của tỉnh diễn ra nhanh chóng, thuận tiện hơn.
Mặc dù sau một năm nữa, đến 1-7-2024, Luật GDĐT sửa đổi mới có hiệu lực thi hành nhưng ngay khi Quốc hội thông qua, các sở, ngành chức năng và khối các doanh nghiệp đã chuẩn bị mọi điều kiện thích ứng với những quy định mới của Luật. Đồng chí Vũ Trọng Quế, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT và TT) cho biết: Luật GDĐT sửa đổi được Quốc hội thông qua được ví như làm “đường băng” cho chuyển đổi số “cất cánh”; có tác động rất lớn đến hoạt động trên môi trường điện tử của cơ quan Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Các quy trình thực hiện GDĐT được luật hóa một cách rõ ràng sẽ đảm bảo giá trị pháp lý cho GDĐT. Bằng cách đó, Luật sẽ tạo một hành lang pháp lý hoàn thiện, đầy đủ, thuận lợi cho việc chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong tất cả các ngành, lĩnh vực. Do đó ngay khi Quốc hội thông qua Luật GDĐT sửa đổi, Sở và các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị các điều kiện để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận nhanh với luật. Trong đó Sở TT và TT đã xây dựng kế hoạch đẩy mạnh tuyên truyền về Luật GDĐT sửa đổi để mỗi cán bộ, công chức, người dân đều được tiếp cận, hiểu và làm theo luật; tổ chức rà soát lại hạ tầng viễn thông để có kế hoạch đầu tư và đôn đốc các doanh nghiệp viễn thông thực hiện, đáp ứng nhu cầu sử dụng tăng đột biến từ năm 2024 trở đi. Đặc biệt, Sở có kế hoạch tăng cường công tác an ninh mạng, an toàn thông tin cá nhân bởi khi chuyển đổi giao dịch từ môi trường thực sang môi trường điện tử, vấn đề đảm bảo an toàn thông tin cá nhân luôn được người dân, doanh nghiệp quan tâm nhiều nhất. Cùng với Sở TT và TT, các sở, ngành chức năng khác cũng đều tiến hành đầu tư cơ sở vật chất, cán bộ có chuyên ngành công nghệ thông tin và chuẩn hóa lại dữ liệu chuyên ngành để đáp ứng yêu cầu về chia sẻ dữ liệu cũng như chấp nhận kết quả điện tử trong giao dịch hành chính. Cùng với các sở, ngành, các doanh nghiệp viễn thông đang nỗ lực đầu tư hạ tầng, nghiên cứu các giải pháp công nghệ để số hóa hoạt động thông thường; cung ứng dịch vụ số đáp ứng nhu cầu của người dân bởi đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho các doanh nghiệp phát triển. Trước mắt, các doanh nghiệp viễn thông đang tập trung vào nhóm dịch vụ phát triển kinh tế số và xã hội số như: Dịch vụ chữ ký số, chứng thư số, hợp đồng điện tử; hệ sinh thái trường học thông minh, bệnh viện thông minh và chợ thông minh. Hiện tại 2 doanh nghiệp viễn thông lớn trên địa bàn tỉnh là Viettel và VNPT đều đang hỗ trợ miễn phí cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh áp dụng thử nghiệm mô hình trường học thông minh, chợ công nghệ 4.0 và các dịch vụ chữ ký số, chứng thư số, hợp đồng điện tử.
Với sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành chức năng, các doanh nghiệp viễn thông, chắc chắn Luật GDĐT sửa đổi khi áp dụng vào thực tiễn đời sống sẽ sớm thể hiện tính ưu việt và tạo đà cho công cuộc chuyển đổi số của tỉnh ngày càng phát triển./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin