Dạy nghề, tạo sinh kế cho người khiếm thị

07:34, 24/08/2023

Hội Người mù (HNM) tỉnh hiện có khoảng 3.000 cán bộ, hội viên, trong đó có 2.600 người thuộc diện đối tượng bảo trợ xã hội, gần 50% số hội viên trong độ tuổi lao động và gần 150 trẻ em mù đang trong độ tuổi đến trường. Với mục tiêu đồng hành cùng người khiếm thị trong công việc và cuộc sống, thời gian qua, HNM tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động đào tạo, nâng cao tay nghề cho hội viên để họ phát huy được khả năng của bản thân và giúp ích cho gia đình, xã hội.

Học viên tham gia lớp tin học văn phòng tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập (Hội Người mù tỉnh).
Học viên tham gia lớp tin học văn phòng tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập (Hội Người mù tỉnh).

Ông Trần Xuân Dương, Chủ tịch HNM tỉnh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập (HNM tỉnh) cho biết: “Nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ dạy chữ, dạy nghề, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên, HNM tỉnh đã thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo nghề và nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho hội viên, lựa chọn, giới thiệu các hội viên của Hội tham gia các lớp đào tạo nghề do HNM Việt Nam tổ chức”. Vừa qua, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập đã tổ chức lớp học chữ nổi và tin học văn phòng nâng cao cho hơn 30 học viên là hội viên HNM các huyện, thành phố trong thời gian 2 tháng (từ tháng 4 đến tháng 6-2023). Mặc dù Trung tâm vẫn còn thiếu thốn về cơ sở vật chất nhưng với tâm huyết và sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, giáo viên của HNM tỉnh đã tích cực hỗ trợ, giáo dục, động viên hội viên nỗ lực vươn lên vượt khó khăn, thiệt thòi trong cuộc sống để trở thành người có ích cho gia đình, xã hội. Lớp học nâng cao tin học văn phòng có hơn 20 học viên. Thông qua phần mềm đọc màn hình, học viên bắt đầu tìm hiểu về máy vi tính, internet bằng âm thanh và dùng tay dò các phím tắt để soạn thảo văn bản, gửi và nhận email, truy cập internet và mạng xã hội. Anh Nguyễn Ngọc Giao, Chủ tịch HNM huyện Vụ Bản cho biết: “Được sự tạo điều kiện, giúp đỡ nhiệt tình của HNM tỉnh và các thầy giáo, chúng tôi đã nắm bắt được những kiến thức cơ bản giúp công tác hội được thuận tiện hơn. Tôi sẽ cố gắng hướng tới mục tiêu chủ động hoàn toàn việc sử dụng máy vi tính để soạn thảo văn bản, lưu trữ tài liệu”… Còn tại lớp học chữ nổi có 11 học viên ở độ tuổi từ 8 đến 18 tuổi tham gia. Mỗi học viên khi đến học đều có những hoàn cảnh khác nhau vì thế giáo viên phải có những phương pháp phù hợp để giúp các em vượt qua mặc cảm, tự ti, từng bước hòa nhập cộng đồng. Nhiều học viên sau khi tham gia khóa học chữ nổi đã tự tin hơn trong giao tiếp, được tiếp cận các kiến thức từ sách, báo. Để nâng cao đời sống tinh thần cũng như văn hoá đọc cho học viên, thư viện của Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thường xuyên cập nhật các đầu sách mới. Hiện nay, thư viện của Trung tâm có hơn 300 đầu sách chữ nổi và nhiều đầu báo, tạp chí chữ nổi do Trung ương HNM Việt Nam phát hành. Nhằm tạo điều kiện để các học viên sau khi học xong trở về gia đình vẫn được tiếp cận nguồn sách, báo bằng chữ nổi Braille, HNM tỉnh giao cho HNM các huyện, thành phố chuyển những ấn phẩm sách, báo chữ nổi luân phiên đến từng nhà các học viên. 

Học viên học chữ nổi tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập HNM tỉnh. 
Học viên học chữ nổi tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập HNM tỉnh. 

Bên cạnh học tin học văn phòng và học chữ nổi, nghề xoa bóp, bấm huyệt cũng được Hội chú trọng đào tạo, nâng cao tay nghề, bởi đây là nghề được coi là phù hợp với người khiếm thị, tạo việc làm với thu nhập ổn định cho nhiều hội viên. Hiện toàn tỉnh có 4 cơ sở xoa bóp bấm huyệt do HNM tỉnh quản lý, gần 50 cơ sở xoa bóp bấm huyệt do hội viên quản lý thu hút khoảng 800 hội viên tham gia. Hội đã tổ chức các cuộc thi, các lớp học nâng cao tay nghề cho hội viên. Hội thi tẩm quất, xoa bóp dành cho hội viên HNM các huyện và thành phố năm 2022 thu hút đông hội viên tham dự. Mất đi thị lực đã hơn 20 năm nay, nhưng anh Trần Anh Văn, Chủ tịch HNM Hải Hậu vẫn rất tự tin khi tham gia và đoạt giải Nhất hội thi. Anh Văn chia sẻ: “Tham gia cuộc thi là dịp để tôi rèn luyện kỹ năng, học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm, vừa là dịp để tôi được gặp thêm nhiều người có cùng hoàn cảnh, để giao lưu, trao đổi, chia sẻ với nhau những kinh nghiệm trong nghề và cuộc sống. Tôi xin cảm ơn HNM các cấp đã quan tâm đến đời sống của hội viên”. 

Việc đào tạo, nâng cao tay nghề cho hội viên đã và đang phát huy vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho người khiếm thị trong tỉnh. Khó khăn lớn nhất trong việc đào tạo, nâng cao tay nghề cho người khiếm thị là thiếu thốn cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ tham gia giảng dạy, đào tạo nghề. Mong rằng, trong thời gian tới, với sự quan tâm của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động dạy nghề để nhiều người khiếm thị có điều kiện học nghề, vươn lên có cuộc sống ổn định./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com