Toàn tỉnh hiện có 363 cơ sở giáo dục mầm non, trong đó 226 trường mầm non công lập, 137 cơ sở giáo dục mầm non độc lập (nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, lớp mầm non độc lập). Những năm qua, công tác bồi dưỡng tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý và giáo viên mầm non tiếp tục được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) quan tâm và đẩy mạnh góp phần thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm năm học, đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục. Đến nay, 92,19% giáo viên mầm non trong tỉnh đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định tại Luật Giáo dục năm 2019.
Cô và trò Trường Mầm non Yên Lương (Ý Yên) trong một giờ học. |
Trước mỗi năm học, bên cạnh việc triển khai thực hiện nhiều chính sách nhằm hoàn thiện đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các nhà trường, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt cho đội ngũ, nhất là đội ngũ giáo viên mầm non luôn được Sở GD và ĐT quan tâm, trong đó cử cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán trực tiếp tham dự các đợt tập huấn do Bộ GD và ĐT tổ chức; đồng thời tổ chức các lớp tập huấn tại tỉnh. Năm học 2022-2023 vừa qua, Sở đã tập huấn hướng dẫn thực hiện một số nội dung sửa đổi, bổ sung của Chương trình giáo dục mầm non đối với 100% cán bộ quản lý và giáo viên mầm non. Tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ quản lý và giáo viên mầm non đảm bảo chất lượng giáo dục mầm non… Các Phòng GD và ĐT, các trường học trong tỉnh cũng đã tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và tổ chức hội thảo, sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn; dự giờ đồng nghiệp; kiểm tra của hiệu trưởng... qua đó góp phần nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực sư phạm của giáo viên.
Trên cơ sở những định hướng nghề nghiệp, đội ngũ giáo viên mầm non đã có sự nỗ lực rất lớn trong việc thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục trẻ và tích cực tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực sư phạm; nắm bắt và linh hoạt tổ chức thực hiện chương trình giáo dục mầm non; tích cực, sáng tạo trong khai thác và sử dụng các hình thức tổ chức lớp học, thực hiện tích hợp nội dung dạy học. Ở mỗi cơ sở giáo dục mầm non, Ban giám hiệu đã tăng cường công tác dự giờ, kiểm tra đánh giá giáo viên để nắm bắt kịp thời tình hình thực hiện chuyên môn, đánh giá đúng phẩm chất năng lực của giáo viên để giúp họ phát huy những mặt mạnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình áp dụng vào thực tế chăm sóc, giáo dục trẻ. Đồng thời ban giám hiệu xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán để tham dự các lớp tập huấn, bồi dưỡng do các cấp tổ chức. Đội ngũ này là lực lượng cốt cán để hỗ trợ đồng nghiệp ngay tại đơn vị mình. Điều đó được thể hiện thông qua việc giáo viên triển khai thực hiện tốt nhiều nội dung, phương pháp giáo dục, như: giáo dục kỹ năng xã hội cho trẻ; xây dựng, sử dụng công cụ đánh giá, thực hiện chương trình giáo dục mầm non; giáo dục giới trong các hoạt động giáo dục cho trẻ; hướng dẫn phát triển chương trình giáo dục nhà trường theo quan điểm toàn diện, tích hợp, lấy trẻ làm trung tâm; nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ số trong quản lý, chăm sóc, giáo dục trẻ; xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, an toàn, văn hóa… Bên cạnh đó, tất cả các giáo viên mầm non có nhu cầu, nguyện vọng học tập nâng cao trình độ đều được các nhà trường tạo điều kiện tham gia đầy đủ. Hàng năm, căn cứ vào chuẩn nghề nghiệp, tỉ lệ giáo viên mầm non trong toàn tỉnh được xếp loại năng lực khá, tốt ở mức cao, hầu hết giáo viên các cấp học đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đến nay, đội ngũ cán bộ giáo viên mầm non đều tự học để biết cách số hóa các bài học; tự nghiên cứu, tự thiết kế giáo án, kế hoạch bài dạy và sử dụng thành thạo các kỹ năng khai thác phần mềm công nghệ giáo dục hầu hết đều năng động, nhiệt huyết trong công việc; tích cực trau dồi, nâng cao phương pháp giảng dạy, chăm sóc, giáo dục trẻ. 100% cơ sở giáo dục mầm non trong tỉnh đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn, tổ chức môi trường giáo dục trong và ngoài lớp học theo hướng mở, tạo cơ hội cho trẻ tích cực khám phá, trải nghiệm và sáng tạo... Các cơ sở giáo dục mầm non xây dựng bộ công cụ đánh giá trẻ hàng ngày, sau chủ đề, giai đoạn, cuối năm theo chương trình, đề ra biện pháp điều chỉnh những mục tiêu chưa đạt được. 100% trường mầm non sử dụng Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi hỗ trợ thực hiện chương trình giáo dục mầm non và theo dõi sự phát triển của trẻ 5 tuổi đi vào nền nếp, chất lượng; giáo viên phối hợp chặt chẽ với gia đình trong việc chăm sóc giáo dục trẻ và tạo tâm thế tự tin cho trẻ vào lớp 1. Qua xếp loại năng lực sư phạm cuối năm, thường có trên 90% giáo viên mầm non được xếp loại khá và tốt; chất lượng chuyên môn được đánh giá cao trên cơ sở nắm bắt tốt nội dung chương trình chăm sóc, giáo dục trẻ, có kỹ năng sư phạm.
Với sự quan tâm của ngành chức năng cùng nỗ lực, cố gắng của mỗi cán bộ, giáo viên đã góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng dạy và học ở các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đã duy trì bền vững nhiều năm phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Tỷ lệ huy động trẻ ra lớp nhà trẻ và mẫu giáo đạt tỷ lệ cao. Tuy nhiên, trước yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, nhiệm vụ đặt ra không chỉ nâng cao năng lực sư phạm, năng lực giáo dục cho đội ngũ giáo viên mầm non mà còn cần phải có khả năng truyền động lực về việc học tập, tu dưỡng đạo đức, nhân cách tới mỗi học sinh và cộng đồng xã hội. Vì vậy, mỗi cán bộ, giáo viên cần nỗ lực rèn luyện, phấn đấu tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tận tụy với nghề nghiệp, có lập trường, tư tưởng chính trị vững vàng, phẩm chất, đạo đức, lối sống mẫu mực, góp phần vào thành tích chung của ngành GD và ĐT tỉnh./.
Bài và ảnh: Hồng Minh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin