Trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, huyện Mỹ Lộc có hàng nghìn người tham gia chiến đấu, trong đó nhiều người đã anh dũng hy sinh hoặc để lại một phần xương máu ở khắp các chiến trường. Thực hiện đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn” của dân tộc, những năm qua, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Mỹ Lộc luôn quan tâm chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương chăm lo cho các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công (NCC) với cách mạng.
Lãnh đạo huyện Mỹ Lộc thăm, tặng quà cho bệnh binh ở xóm Hồng Phong 1, xã Mỹ Tân. |
Toàn huyện Mỹ Lộc có trên 1.000 NCC, trong đó có 442 thương binh, 303 bệnh binh, 4 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 170 người bị nhiễm chất độc hóa học, 29 người hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày… Đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, huyện chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương tập trung tăng cường các hoạt động tuyên truyền truyền thống yêu nước và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” trong các tầng lớp nhân dân, triển khai nhiều hoạt động thiết thực đóng góp nguồn lực chăm lo tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần cho NCC với cách mạng trên địa bàn. Huyện cũng chỉ đạo thực hiện đúng, đầy đủ, chu đáo các chế độ chính sách, tập trung giải quyết những tồn đọng về xác nhận, công nhận người tham gia hoạt động kháng chiến, NCC với cách mạng. Các chính sách ưu đãi ngày càng được thực hiện đồng bộ, toàn diện, đa dạng, gồm trợ cấp, phụ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần và các chế độ ưu đãi khác, như: Hỗ trợ y tế, giáo dục, trang cấp dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng, tạo việc làm, hỗ trợ, cải thiện nhà ở, miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất, vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh và miễn hoặc giảm thuế; NCC ngày càng được chăm sóc với nhiều hình thức đa dạng: tại gia đình, cộng đồng, các cơ sở y tế và các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng NCC với cách mạng.
Cùng với việc thực hiện công tác chi trả trợ cấp thường xuyên đầy đủ, kịp thời, đúng quy định, Phòng LĐ-TB và XH huyện chủ động phối hợp với các ngành chức năng thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với đối tượng NCC. Hàng năm, huyện huy động đóng góp Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” với số tiền trung bình trên 200 triệu đồng. Trong năm 2022, từ nguồn quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, huyện đã thực hiện việc xây, sửa 9 nhà cho NCC với cách mạng; năm 2023 xây, sửa 2 nhà cho NCC. Chuẩn bị cho kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2023), huyện đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể tập trung thực hiện tốt các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với những NCC. Huyện, các xã, thị trấn tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình chính sách tiêu biểu. Đoàn Thanh niên, Hội LHPN, các tổ chức kinh tế - xã hội và nhiều cá nhân trong huyện tổ chức các hoạt động thiết thực như: tổ chức lễ cầu siêu, thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ; thăm, tặng quà các gia đình chính sách, tổ chức gặp mặt các đối tượng chính sách tiêu biểu... Đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng về các hoạt động kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, nêu gương sáng các gia đình, cá nhân đối tượng chính sách, tiếp tục phát động sâu rộng phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, toàn dân chăm sóc NCC với nước. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thương binh, bệnh binh, NCC, gia đình NCC tiếp tục phát huy ý chí tự lực, tự cường trong phát triển sản xuất, cải thiện đời sống và tham gia các hoạt động xã hội, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng quê hương, đất nước.
Trong phong trào chăm lo gia đình chính sách, NCC trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều địa phương, đơn vị thực hiện hiệu quả. Xã Mỹ Tiến hiện có 107 NCC với cách mạng. Vào các dịp Tết Nguyên đán, Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7) hàng năm, xã đều chuyển quà của Chủ tịch nước, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đến các đối tượng chính sách; tổ chức họp mặt, đi thăm tặng quà các gia đình chính sách tiêu biểu và động viên phát huy truyền thống, vượt lên khó khăn, ổn định cuộc sống, tiếp tục đóng góp xây dựng quê hương, đất nước. Được sự quan tâm, chăm lo của cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể, nhiều NCC đã vượt khó vươn lên phát triển kinh tế, tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Ông Trần Đình Kế tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước từ năm 1966; sau khi giải phóng miền Nam năm 1975, ông được xuất ngũ trở về quê hương. Phát huy ý chí của người lính Cụ Hồ đã thôi thúc ông vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Ông tham gia trồng trọt, chăn nuôi và làm gạch nung. Nhiều năm sau đó ông thành lập Công ty Vật liệu xây dựng Phúc Minh tạo việc làm ổn định cho trên 20 lao động địa phương. Năm 2012, do tuổi cao, ông đã bàn giao lại công ty cho con trai tiếp quản, còn ông bắt đầu nuôi cá nước ngọt truyền thống trên diện tích ao rộng hơn 1 mẫu; xung quanh bờ ao trồng gần 300 cây mít, 30 cây xoài và một số các loại cây ăn quả khác. Mỗi năm, từ nuôi cá, trồng cây ăn quả, ông đã có thu nhập hàng chục triệu đồng. Không chỉ ở xã Mỹ Tiến, được sự quan tâm, chăm lo của các địa phương, nhiều tấm gương NCC năng động phát triển kinh tế như thương binh Trần Văn Đàm ở xã Mỹ Phúc phát triển chăn nuôi, trồng cây ăn quả và mở cửa hàng tạp hóa; bệnh binh Trần Xuân Hùng, xã Mỹ Thắng phát triển kinh tế với mô hình vườn - ao - chuồng… với thu nhập ổn định, đóng góp tích cực vào sự phát triển của quê hương.
Với những hoạt động ý nghĩa nhằm tri ân gia đình chính sách, NCC với cách mạng đã được các địa phương, đơn vị trong huyện Mỹ Lộc duy trì thường xuyên, hiệu quả đã động viên kịp thời đối tượng NCC và gia đình chính sách vươn lên ổn định cuộc sống./.
Bài và ảnh: Thanh Hoa
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin