Lan tỏa lối sống xanh bảo vệ môi trường

08:50, 10/07/2023

Thời gian qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã quan tâm triển khai nhiều mô hình, hoạt động bảo vệ môi trường và lan tỏa sâu rộng lối sống xanh trong cộng đồng, góp phần hạn chế giảm thiểu rác thải, chung tay bảo vệ môi trường, tạo không gian sống xanh - sạch - đẹp .

Bà Vũ Thị Nga, ở xóm 10, xã Xuân Thượng (Xuân Trường) phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn.
Bà Vũ Thị Nga, ở xóm 10, xã Xuân Thượng (Xuân Trường) phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn.

Hình ảnh những người phụ nữ xã Xuân Thượng (Xuân Trường) thường xuyên xách làn đi chợ đã trở nên quen thuộc với người dân nơi đây. Các bà, các chị đã không còn thói quen dùng túi ni lông để đựng thực phẩm, thay vào đó khi mua xong sẽ để trực tiếp vào làn và mang theo hộp để đựng các thực phẩm tươi sống như thịt, cá... Bà Vũ Thị Nga, ở xóm 10 chia sẻ: “Từ khi thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” do Hội Phụ nữ xã phát động, chị em phụ nữ chúng tôi đều xách làn đi chợ, hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần. Bên cạnh đó, gia đình tôi đã thực hiện phân loại, xử lý rác thải, giữ gìn vệ sinh môi trường, sử dụng thực phẩm an toàn. Khi phân loại rác, chỉ còn lại lượng nhỏ rác vô cơ phải mang ra điểm tập kết tập trung để đưa đi xử lý, còn rác hữu cơ đã được ngâm ủ làm phân bón cho cây vừa sạch nhà, vừa tiết kiệm đáng kể số tiền mua phân bón cho cây trồng”. Được biết, xã Xuân Thượng vốn không sử dụng lò đốt rác thải mà xử lý rác bằng hình thức chôn lấp tại bãi rác với diện tích khoảng 11 nghìn m2, nên nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước. Trước thực trạng đó, cán bộ Hội Phụ nữ đã tới từng nhà dân để tuyên truyền, vận động ký cam kết về việc phân loại rác thải tại gia đình. “Mưa dầm, thấm lâu”, với sự vào cuộc tích cực của các chi Hội Phụ nữ, đến nay, người dân địa phương đã biết cách thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, lượng rác thải đổ ra môi trường rất ít và không còn tình trạng vứt rác thải nhựa, chai thủy tinh, túi ni lông ra ngoài ruộng, vườn... Toàn xã đã hỗ trợ lắp trên 1.000 nắp hố xử lý rác thải, đặt 400 thùng rác tại các trục đường giao thông; trên 98% số hộ dân trên địa bàn xã thực hiện phân loại rác thải tại nguồn và bỏ rác vào thùng rác theo quy định, giúp lượng rác thải sinh hoạt thu gom của xã giảm 2/3 so với trước khi thực hiện cuộc vận động này (lượng rác thải khoảng 60 tấn/năm). Môi trường sinh sống của người dân ở nông thôn ngày càng được cải thiện. Những con đường làng, ngõ xóm trở nên sạch sẽ, hai bên đường là những hàng cây xanh mát và rực rỡ sắc hoa. Không chỉ riêng xã Xuân Thượng, đến nay Hội Phụ nữ các cấp trong tỉnh đã triển khai hiệu quả các tiêu chí của cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” với những cách làm linh hoạt, phù hợp, sáng tạo như: phân loại, xử lý rác thải tại nguồn; vận động phụ nữ tiết kiệm mua bảo hiểm y tế; phong trào trồng, chăm sóc hoa trên các tuyến đường giao thông… Hội Phụ nữ các cấp đã trồng, duy trì 2.500 tuyến đường hoa, với tổng chiều dài trên 2.600km. 100% Hội Phụ nữ đều triển khai mô hình phân loại, xử lý rác thải tại nguồn với gần 300 nghìn hộ dân tham gia. Hội Phụ nữ các cấp cũng đã tặng gần 75 nghìn nắp đậy hố ủ, thùng chứa rác cho các gia đình; gần 800 hộ dân trong tỉnh được vay vốn từ Quỹ Hội Phụ nữ với số tiền gần 8 tỷ đồng để xây dựng công trình vệ sinh, phát triển kinh tế.

Phụ nữ xã Thọ Nghiệp (Xuân Trường) tham gia sản xuất, chế biến các sản phẩm hữu cơ đảm bảo sức khỏe Đt2
Phụ nữ xã Thọ Nghiệp (Xuân Trường) tham gia sản xuất, chế biến các sản phẩm hữu cơ đảm bảo sức khỏe.

Bên cạnh đó, xu hướng “sống xanh” hiện cũng được nhiều người thực hiện nhằm hạn chế sử dụng túi ni lông, đồ nhựa dùng 1 lần… hoặc xây dựng một trạng thái cân bằng, thoải mái và ổn định về thể chất, tinh thần để sống khỏe; tích cực với các hoạt động cộng đồng; thay đổi cách ăn uống, thói quen sinh hoạt hàng ngày giúp cơ thể được tái tạo, khỏe khoắn, tràn đầy năng lượng cho cuộc sống hiện đại; tiết kiệm năng lượng, trồng nhiều cây xanh… Việc tái sử dụng đồ dùng nhằm hạn chế rác thải được nhiều chuỗi cửa hàng đồ ăn, uống chọn lựa. Nhiều cửa hàng đã thay thế cốc nhựa bằng những chiếc cốc sứ, thủy tinh, cốc giữ nhiệt; thay thế ống hút nhựa bằng chất liệu giấy, tre, inox. Thói quen sử dụng túi ni lông được thay bằng túi giấy, túi vải cùng những ưu đãi dành cho khách hàng hưởng ứng phong trào “sống xanh”, giảm thiểu đồ nhựa cũng dần trở nên phổ biến hơn. Tiêu biểu như hệ thống cửa hàng Tokyolife sử dụng túi vải gấp gọn, nói không với túi ni lông sử dụng một lần, quán Cafe Kayla (thành phố Nam Định) chỉ dùng túi giấy, ống hút giấy; hệ thống siêu thị VinMart với việc khích lệ người mua sắm trở thành “khách hàng xanh” qua việc sử dụng túi phân hủy sinh học, giới thiệu các sản phẩm tự nhiên từ “nhà cung cấp xanh”… Bên cạnh đó, đoàn viên, thanh niên trong tỉnh luôn là lực lượng xung kích đi đầu trong công tác bảo vệ môi trường với tham gia: Chiến dịch thanh niên tình nguyện; Chủ nhật xanh; Ngày thứ Bảy tình nguyện… Tổ chức nhiều hoạt động thu gom, phân loại rác thải ở các khu vực ven biển. Tại các trường học, nhiều phong trào nhằm lan tỏa hành vi “sống xanh” cũng được triển khai thực hiện như đưa nội dung phân loại rác thải tại nguồn vào các buổi sinh hoạt ngoại khóa để nâng cao nhận thức, tạo thói quen, nếp sống giữ gìn vệ sinh môi trường xanh - sạch - đẹp, xây dựng tiểu phẩm bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng; phát triển mô hình trồng rau xanh hữu cơ; học cách phân loại rác cho học sinh… Nhiều trường mầm non, tiểu học tổ chức các hoạt động trải nghiệm ý nghĩa cho các em ở vườn rau xanh như học cách gieo hạt, cách chăm sóc cây, thực hành ủ phân hữu cơ từ thức ăn thừa, thu hoạch rau hữu cơ. Các trường học lồng ghép các hoạt động phòng, chống rác thải nhựa với bảo vệ môi trường như: “Tuần lễ hành động bảo vệ môi trường”; “Ngày môi trường thế giới”, tổ chức các cuộc thi vẽ khẩu hiệu, tranh cổ động cho phong trào chống rác thải nhựa, triển khai mô hình “Ngôi nhà phân loại rác” chia làm hai ngăn, một ngăn chứa rác thải có thể tái chế và một ngăn chứa giấy vụn giúp học sinh nhận thức được về việc phân loại rác, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường từ đó thay đổi hành vi, thói quen của mình.

Với các hoạt động lan tỏa lối sống xanh, ý thức của mỗi người dân được nâng cao thông qua những việc làm cụ thể, thiết thực, đơn giản hàng ngày nhằm hạn chế ô nhiễm, hạn chế rác thải, gìn giữ môi trường sống của chính mình và cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh./.

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com