Truyền thanh cơ sở trong ứng dụng công nghệ số

08:29, 21/06/2023

Với lợi thế không gian bao phủ rộng, kịp thời cung cấp thông tin chính thống, tiết kiệm chí phí, hệ thống truyền thanh cơ sở giữ vị trí không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân. Những năm qua, các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống truyền thanh cơ sở.

Anh Lê Nghĩa, công chức văn hóa - xã hội kiêm Trưởng Đài Truyền thanh thị trấn Mỹ Lộc (Mỹ Lộc) kiểm tra thiết bị loa truyền thanh thông minh.
Anh Lê Nghĩa, công chức văn hóa - xã hội kiêm Trưởng Đài Truyền thanh thị trấn Mỹ Lộc (Mỹ Lộc) kiểm tra thiết bị loa truyền thanh thông minh.

Thực hiện chương trình thí điểm chuyển đổi số, năm 2022, Đài Truyền thanh thị trấn Mỹ Lộc (Mỹ Lộc) đã áp dụng công nghệ thông tin vào vận hành tự động và sản xuất các chương trình truyền thanh trên các ứng dụng thông minh nền tảng công nghệ 4.0, số hóa các chương trình truyền thanh. Rất nhanh chóng, nền tảng truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin với phương thức truyền dẫn âm thanh qua internet đã thể hiện rõ nhiều ưu điểm vượt trội, không chỉ thời gian tác nghiệp nhanh, dễ khắc phục sự cố, mà việc quản lý, kiểm soát chất lượng tín hiệu tới từng cụm loa được cải thiện rõ rệt. Anh Lê Nghĩa, cán bộ công chức văn hóa - xã hội kiêm Trưởng Đài truyền thanh thị trấn cho biết: Trước đây, khi công nghệ số chưa phát triển, loa truyền thanh có dây bộc lộ nhiều hạn chế như chất lượng âm thanh kém, không đồng đều trong toàn tuyến; việc kéo dây rất vất vả và tốn kém ở những nơi xa trung tâm. Hệ thống phát thanh hay bị chạm, chập, mất tín hiệu; dây truyền thanh chằng chịt, mất mỹ quan, nguy hiểm, khó bảo dưỡng, sửa chữa. Khi công nghệ số phát triển, loa truyền thanh không dây FM tiên tiến hơn. Chất lượng âm thanh tốt và đồng đều trên toàn tuyến, đồng thời có thể lắp đặt ở bất kỳ điểm nào nếu có điện; việc lắp đặt, bảo trì, sửa chữa đỡ vất vả hơn. Tuy nhiên, loa truyền thanh không dây FM vẫn bộc lộ nhiều nhược điểm như đầu tư lớn hơn, cán bộ kỹ thuật phải có chuyên môn nhất định. Khi sử dụng không đúng tần số, hệ thống sẽ bị nhiễu sóng, do đó nhân viên kỹ thuật phải trực phát sóng 24/24 trong quá trình vận hành. Từ khi địa phương được trang bị hệ thống đài truyền thanh thông minh FM IP ứng dụng nền tảng công nghệ 4.0 gồm máy tính, bộ tích hợp, thiết bị thu phát, loa 25W, thiết bị tích hợp số hóa và sim 4G, các thông tin được truyền tải nhanh, hiệu quả hơn rất nhiều. Đặc biệt, phần mềm của hệ thống cũng có thể được cài đặt đồng bộ trên điện thoại thông minh, có kết nối internet, rất thuận tiện cho phát thanh viên không phải trực tiếp thu âm tại nhà văn hóa hoặc một địa điểm cố định như trước mà có thể thu qua máy tính hoặc điện thoại vô cùng tiện lợi. Bên cạnh đó, truyền thanh thông minh 4.0 ra đời cũng giúp nhân viên điều khiển phát sóng, tiếp âm đài Trung ương và địa phương đúng khung giờ quy định mà không cần phải lên trụ sở làm việc, khối lượng công việc được giảm tải rõ rệt. 

Hiện, toàn tỉnh có 10 đài huyện và 226 đài xã, phường; trong đó đài truyền thanh hữu tuyến (có dây) có 140 đài, đài truyền thanh vô tuyến (truyền thanh không dây) có 86 đài đang hoạt động. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 11 đài chuyển từ công nghệ truyền thanh không dây, có dây sang đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin viễn thông. Hệ thống đài truyền thanh cơ sở đã phát huy tích cực vai trò, chuyển tải kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của địa phương đến nhân dân. Qua đài truyền thanh cơ sở, người dân đã được tiếp cận đầy đủ, kịp thời các thông tin chính thống về kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng. Tuy nhiên, đa phần hệ thống đài truyền thanh cơ sở vẫn là đài FM và có dây với nhiều hạn chế như: Bị chi phối bởi địa hình, dễ hỏng hóc, khó sửa chữa, bảo dưỡng; vùng phát thanh bị giới hạn; chất lượng âm thanh không ổn định, chịu ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết… Việc đưa hệ thống đài truyền thanh thông minh với những tính năng hiện đại vào sử dụng như ở thị trấn Mỹ Lộc và các địa phương khác đang được xem là tất yếu trong xu thế chuyển đổi số, hiện đại hóa để đưa thông tin thiết yếu tiếp cận đến người dân được nhanh nhất, đầy đủ nhất, chính xác nhất.

Theo Kế hoạch của UBND tỉnh về phát triển thông tin cơ sở tỉnh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, giai đoạn 2021-2025 đầu tư, chuyển đổi từ 40-50% số đài truyền thanh không dây, có dây FM cấp xã sang đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin viễn thông, trong đó ưu tiên đầu tư mới những đài đã xuống cấp và đài hoạt động không đúng băng tần 54-68MHz được quy hoạch cho truyền thanh không dây. Tiếp tục từng bước đầu tư nâng cấp đài truyền thanh cơ sở theo hướng hiện đại hóa, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin viễn thông đồng bộ trong toàn hệ thống truyền thanh cơ sở. Hình thành cơ sở dữ liệu, số hóa nguồn thông tin cơ sở trong việc cung cấp thông tin tuyên truyền, phổ biến đến người dân và phục vụ công tác quản lý Nhà nước về thông tin cơ sở. Thực hiện thông tin hai chiều để người dân tiếp nhận thông tin thiết yếu và phản ánh thông tin về hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật ở cơ sở đến các cơ quan quản lý thông qua hệ thống thông tin cơ sở. Đầu tư mới, sửa chữa, nâng cấp để mỗi xã, phường, thị trấn có hệ thống trang thiết bị hiện đại dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin viễn thông phục vụ công tác thông tin tuyên truyền ở cơ sở. Phấn đấu đến năm 2030, 100% đài truyền thanh các xã được đầu tư, chuyển đổi sang truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin viễn thông./.

Bài và ảnh: Văn Huỳnh
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com