Những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trên địa bàn thành phố Nam Định thường xuyên được cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo thực hiện; các địa phương, đơn vị tích cực vào cuộc đã tạo được sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân, góp phần làm giảm các hành vi vi phạm pháp luật, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Các tổ chức đoàn thể phường Cửa Nam ra quân dọn vệ sinh môi trường hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2022. |
Trước đây, sau mỗi trận mưa lớn trên các tuyến đường Đặng Dung, Đốc Ngữ, thuộc tổ dân phố số 2, phường Lộc Hòa thường xảy ra ngập cục bộ khiến giao thông đi lại khó khăn, nhiều trận mưa lớn, kéo dài, nửa ngày nước vẫn chưa rút hết khiến nhiều hộ gia đình thường xuyên bị nước ngập vào nhà. Ông Đinh Văn Thanh, tổ phó tổ dân phố số 2 cho biết: Địa bàn tổ dân phố nằm chủ yếu trong khu đô thị Hòa Vượng, là khu dân cư mới, cơ sở hạ tầng được quy hoạch cơ bản theo hướng hiện đại, nhưng trong quá trình xây dựng nhà ở, nhiều hộ dân đã tự ý lấp cửa cống thoát nước, mỗi khi mưa xuống, dẫn đến ngập lụt, giao thông đi lại khó khăn, gây bất hòa giữa các gia đình. Nắm được thông tin trên, tổ dân phố đã họp bàn, xác định vụ việc liên quan đến nhiều hộ gia đình và chỉ đạo hướng khắc phục. Theo đó, tất cả hộ dân có quy hoạch cửa cống thoát nước trước cửa đều được cải tạo lại, vừa hợp mỹ quan, vừa tạo chỗ thoát nước nhanh, đúng với chủ trương khi quy hoạch đô thị cũng như việc đi lại của gia đình. Chủ trương đúng nên cán bộ, đảng viên và người dân đồng tình hưởng ứng. Chỉ trong một thời gian ngắn, toàn bộ 2 tuyến đường trên không còn hiện tượng mưa ngập cục bộ, người dân cũng chủ động giữ gìn vệ sinh môi trường, thường xuyên quét lá cây, rác thải ứ đọng nơi cửa cống. Đây chỉ là một trong nhiều vụ việc mà tổ dân phố số 2 hoá giải thành công, tạo sự đoàn kết trong nhân dân. Trong đó, riêng năm 2022, tổ dân phố số 2 đã giải quyết kịp thời thành công hàng chục vụ, việc mâu thuẫn khác nhau, chủ yếu mâu thuẫn trong gia đình, tranh chấp đất đai, xích mích hàng xóm trong cuộc sống hàng ngày… Thông qua mỗi vụ việc, hòa giải viên đã khéo léo trong giải thích, phân tích hợp tình, hợp lý để người dân tự nhìn nhận sự việc, sau đó đề xuất giải pháp hợp lý, hóa giải tranh chấp.
Thành phố Nam Định là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của tỉnh với hơn 30 vạn dân, gồm 25 đơn vị hành chính (22 phường và 3 xã). Để đẩy mạnh công tác PBGDPL, hàng năm Phòng Tư pháp thành phố đã tham mưu cho UBND thành phố kiện toàn Hội đồng đánh giá đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đồng thời hướng dẫn, chỉ đạo UBND các phường, xã thực hiện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đạt mục tiêu xã nông thôn mới, phường đô thị văn minh, thành phố đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; Tổ chức các hội nghị tập huấn, kỹ năng nghiệp vụ công tác hòa giải, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành cho đội ngũ làm công tác hòa giải, tổ trưởng các tổ hòa giải của 25 phường, xã. Năm 2022, Phòng Tư pháp thành phố đã tổ chức hội nghị tập huấn hòa giải điểm tại UBND phường Mỹ Xá, cấp phát hơn 300 đầu mục tài liệu cho các hòa giải viên và tổ trưởng tổ dân phố. Tại hội nghị tập huấn, các tổ trưởng tổ hòa giải, các hòa giải viên được phát tài liệu theo từng chủ đề tập huấn, thảo luận các tình huống mâu thuẫn thường xảy ra trên thực tế và trao đổi kinh nghiệm với những hòa giải viên giỏi. Ngoài việc trực tiếp tập huấn, phổ biến thông qua các hội nghị, các buổi nói chuyện chuyên đề, Phòng Tư pháp thành phố còn biên soạn dưới dạng các tin, bài viết đăng trên cổng thông tin điện tử của thành phố, phát trên hệ thống đài phát thanh thành phố và thông qua hệ thống truyền thanh ở cơ sở; biên soạn gần 1.000 tài liệu tuyên truyền về xử lý vi phạm hành chính, hòa giải ở cơ sở; in ấn hàng trăm pa-nô, khẩu hiệu phát cho các đơn vị thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL thành phố và UBND các phường, xã nhân ngày pháp luật Việt Nam. UBND thành phố, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các phường, xã đã tổ chức 16 hội nghị tập huấn nghiệp vụ, phổ biến, quán triệt Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành cho hơn 2.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức, hội viên tích cực tham gia, hợp tác với đội ngũ hòa giải viên để góp phần hòa giải thành ngày càng nhiều vụ việc, hạn chế các mâu thuẫn, xích mích trong cộng đồng dân cư, giữ gìn tình làng nghĩa xóm. Phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức hội nghị tập huấn cho hơn 250 lượt người công tác tại các phòng, ban của thành phố và UBND các phường, xã về Luật Xử phạt vi phạm hành chính. Với sự vào cuộc của các ngành, các đơn vị, năm 2022, thành phố đã kiện toàn được 344 tổ hòa giải, đã hòa giải thành 109/134 vụ, đạt 81,3%. Bên cạnh đó, hàng năm, Phòng Tư pháp thành phố tham mưu UBND thành phố phối hợp với Ủy ban MTTQ thành phố chỉ đạo, hướng dẫn MTTQ các phường, xã và các tổ chức thành viên: Phụ nữ, Thanh niên, Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi tham gia các tổ hòa giải ở cơ sở. Họ cũng là những người trực tiếp nắm bắt được kết quả hoạt động của các tổ hòa giải, những thuận lợi, khó khăn của công tác hòa giải ở cơ sở. Từ năm 2019 đến năm 2022, UBND các phường, xã đã tiếp nhận 539 vụ việc thuộc phạm vi hòa giải, đã hòa giải thành 434 vụ, đạt 81%, chủ yếu mâu thuẫn giữa các bên và tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình.
Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, PBGDPL thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và ngành Tư pháp thành phố cần tăng cường các nguồn lực cho công tác hòa giải; tiếp tục củng cố, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên cơ sở; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, trang bị tài liệu pháp luật để nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ hoạt động hòa giải và công tác PBGDPL thông qua hoạt động hoà giải ở cơ sở, góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội./.
Bài và ảnh: Ngọc Linh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin