Quan tâm, chăm sóc trẻ em trong dịp hè

07:33, 23/06/2023

Toàn tỉnh có trên 481 nghìn trẻ em, chiếm 26% dân số. Nhằm tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, an toàn cho thanh, thiếu nhi, học sinh trong kỳ nghỉ hè, các ngành, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa để các em nâng cao sức khỏe, tinh thần và rèn luyện kỹ năng sống .

Theo đó, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và thực hiện quyền trẻ em luôn được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả. Cùng với đó, nhận thức của người dân về bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã được nâng lên, giúp trẻ em phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần, đảm bảo an sinh xã hội, vì mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh. Đến nay, 100% trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Tỷ lệ trẻ em từ 3-5 tuổi đi mẫu giáo đạt 98%; tỷ lệ trẻ em nhập học tiểu học đúng độ tuổi đạt 98,7%; tỷ lệ trẻ em nhập học THCS đạt 99,58%; 100% trẻ em được đăng ký khai sinh đúng theo quy định của pháp luật; 98% trẻ em khuyết tật được trợ giúp, chăm sóc bằng các hình thức khác nhau, không có trẻ em nghiện ma túy, trẻ em bị bóc lột, mua bán, trẻ em bị tổn hại nghiêm trọng về thể chất và tinh thần do bị bạo lực.

Một trận bóng đá của thanh, thiếu niên xã Nam Cường (Nam Trực).
Một trận bóng đá của thanh, thiếu niên xã Nam Cường (Nam Trực).

Tuy nhiên, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ vẫn còn đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm, nhất là thời điểm vào hè… Tại thành phố Nam Định và các đô thị trung tâm các xã, thị trấn, nhiều em được bố mẹ cho đăng ký học một trong các môn như: nhạc, họa, múa, võ thuật, cờ vua, bơi, tiếng Anh… tuy nhiên, sức chứa ở đây cũng chỉ có hạn. Những điểm vui chơi, giải trí này hầu như chỉ có các em gia đình có điều kiện, còn với những trẻ em nghèo thì việc tiếp cận các dịch vụ vui chơi, giải trí hay học những môn nghệ thuật, võ thuật vẫn còn xa vời. Ở những vùng nông thôn, nhiều gia đình thường tất bật với công việc đồng áng, chăn nuôi nên ít có nhiều thời gian quan tâm tới con em mình, dẫn tới việc trẻ em phải tự chơi và tự tìm sân chơi trong những ngày hè. Vào mỗi buổi chiều, không ít đoạn vỉa hè, lề đường được các em biến thành sân chơi bóng đá, cầu lông và một số các trò chơi dân gian khác; các ao, hồ, kênh mương cũng được biến thành “bể bơi”. Chính tại những địa điểm vui chơi không an toàn và không có sự quản lý của người lớn có thể dẫn đến những tai nạn đáng tiếc… Việc học sinh tự ý rủ nhau đi tắm sông, hồ, ao dẫn đến việc “đuối nước” đang là hồi chuông cảnh báo ở nhiều địa phương. Nhiều em nhỏ nghỉ hè phải làm bạn với ti vi, chơi trò chơi điện tử trên điện thoại thông minh (smartphone) hoặc phải đi học thêm để bố mẹ có thời gian đi làm dẫn đến nhiều hệ luỵ như: trẻ trở nên thụ động, bị tác động bởi nhiều trò chơi bạo lực ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ. Sự nghèo nàn của các dịch vụ giải trí và không gian vui chơi là những lý do các cơ sở kinh doanh điện tử, internet trở nên đông đúc vào mỗi dịp hè.

Trước thực trạng số trẻ em bị tai nạn thương tích và đuối nước xảy ra nhiều vào dịp hè, từ đầu năm 2023 đến nay, UBND tỉnh ban hành một số văn bản về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em như: Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý, kiểm tra giám sát thực hiện chính sách pháp luật về trẻ em trên địa bàn tỉnh; công văn về tăng cường công tác phòng, chống đuối nước trẻ em; công văn về công tác phòng, chống tai nạn thương tích và xâm hại trẻ em; đồng thời yêu cầu các sở, ngành và các địa phương trong tỉnh tích cực phối hợp thực hiện. Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, nhiều hoạt động hè cho thiếu nhi cũng được các cấp bộ Đoàn, Đội trong tỉnh triển khai linh hoạt, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương như: tổ chức sinh hoạt hè, các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, ngày hội thiếu nhi; tổ chức dạy bơi, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước, tai nạn thương tích và xâm hại trẻ em. Vận động xây dựng sân chơi, không gian đọc sách, tương tác và sinh hoạt Đội cho thiếu nhi; tổ chức các hoạt động ngoại khóa nâng cao sức khỏe thể chất, tinh thần cho thiếu nhi, xây dựng mới và sửa chữa các khu vui chơi; phát huy hiệu quả vai trò của các đội thanh niên tình nguyện tại địa bàn dân cư, triển khai các hoạt động kiểm tra, rà soát, cắm biển cảnh báo các khu vực nguy hiểm về đuối nước, tai nạn thương tích cho trẻ em... Ở nhiều trường học, sau khi học sinh nghỉ hè, Nhà trường đều có văn bản gửi chính quyền địa phương về việc tiếp nhận, quản lý học sinh, tổ chức cho học sinh tham gia sinh hoạt hè tại địa bàn dân cư; phối hợp với ngành Công an thực hiện Kế hoạch số 26/2023/KH-BCA của Bộ Công an về việc triển khai thực hiện công tác phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2023-2030 hưởng ứng chương trình phát động toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước... Phối hợp tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức lối sống, các hoạt động vui chơi, giải trí; các hoạt động bồi dưỡng năng khiếu văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, năng lực ngoại ngữ dành cho học sinh; các hoạt động trải nghiệm như: “Hành trình đi để biết, học để sống”, “Kỳ hè phiêu lưu ký, học làm người nông dân”, “Học kỳ trong quân đội”... Đảng ủy, chính quyền các địa phương cùng với các ban, ngành, đoàn thể đã vận động các nhà hảo tâm, doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí để tổ chức các hoạt động liên quan đến trẻ em, hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ như bơi lội, võ thuật, múa..., nhiều cá nhân còn đầu tư kinh phí xây dựng khu vui chơi để trẻ em được vui chơi trong dịp hè.

Cùng với các hoạt động nâng cao sức khỏe, rèn luyện kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ, việc tổ chức các hoạt động văn hóa đọc cũng được nhiều địa phương, đơn vị quan tâm. Tại Thư viện tỉnh, vào những ngày hè, phòng đọc thiếu nhi luôn kín chỗ, bình quân mỗi ngày có khoảng 300 lượt học sinh đến đọc và mượn sách. Bên cạnh đó, nỗ lực nhằm giảm thiểu tổn hại trẻ em, Tháng Hành động vì trẻ em năm 2023, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh tập trung vào hoạt động thăm hỏi, hỗ trợ, tặng quà, trao học bổng, đồ dùng học tập cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tổ chức khám, chữa bệnh cho trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em mồ côi; hỗ trợ phẫu thuật, chỉnh hình cho trẻ em khuyết tật, trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh; hỗ trợ các mô hình hoạt động bảo vệ trẻ em, phòng, chống tai nạn thương tích, thúc đẩy quyền tham gia của trẻ; xây dựng các công trình, trường, lớp học, điểm vui chơi, giải trí cho trẻ. Đồng thời, triển khai các giải pháp, mô hình hoạt động về xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ; triển khai các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh, thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em như tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể dục, thể thao, tham quan, giao lưu cho trẻ em với nội dung bổ ích, hình thức phù hợp; tổ chức các lớp kỹ năng sống; kỹ năng tự bảo vệ về phòng, chống bạo lực, xâm hại, phòng, chống tai nạn thương tích; kỹ năng thực hiện quyền tham gia của trẻ em trong gia đình, nhà trường, cộng đồng và các vấn đề liên quan đến trẻ em phù hợp với độ tuổi, mức độ trưởng thành và phát triển…

Thực tế cho thấy, đảm bảo an toàn, bảo vệ trẻ em trong dịp hè trước mọi nguy hiểm trong cuộc sống, tránh xa tai nạn thương tích, đuối nước, trách nhiệm lớn nhất thuộc về mỗi gia đình. Phụ huynh, những người chăm sóc trẻ cần phải quan tâm, chăm sóc, giám sát, thường xuyên nhắc nhở con em mình về những mối nguy hiểm luôn tiềm ẩn, từ đó có ý thức phòng tránh. Cùng với đó là sự vào cuộc của các cấp, ngành, đoàn thể, địa phương, nâng cao trách nhiệm trong việc bảo vệ trẻ em, để các em được phát triển trong môi trường lành mạnh, an toàn nhất./.

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com