Lợi dụng nhu cầu tìm việc làm của nhiều người, trên các trang mạng xã hội như: facebook, instagram, zalo… xuất hiện nhiều thông tin tuyển dụng việc làm online để kiếm thêm thu nhập. Do thiếu thông tin và nóng lòng muốn kiếm thêm thu nhập, nhiều người bị “sập bẫy” bởi những chiêu lừa đảo được biến tướng dưới nhiều hình thức khác nhau.
Thực tế, chưa có thống kê cụ thể về các nhóm đối tượng lừa đảo trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, số vụ việc nạn nhân tố cáo với cơ quan công an và cơ quan chức năng rất ít bởi số tiền bị chiếm đoạt không quá lớn hoặc có những người “vì ngại”, xấu hổ nên không dám trình báo cơ quan chức năng. Lợi dụng thực tế này, nhiều đối tượng vẫn tiếp tục lừa đảo những người “nhẹ dạ” trên môi trường mạng internet. Chị Nguyễn Thị T ở thành phố Nam Định chia sẻ: “Cuối năm 2022, tôi có lên facebook tìm việc làm thì được một người có nickname là Trần Vy kết bạn, nhắn tin hướng dẫn công việc làm thêm tại nhà. Trần Vy gửi cho tôi một đường link truy cập và hướng dẫn cài đặt app (ứng dụng). Theo đó, việc của tôi là thanh toán số tiền trên hóa đơn trong app yêu cầu. Sau khi hệ thống báo nhận tiền thì số tiền gốc và lãi từ 20-40% tiền gốc sẽ được trả lại vào tài khoản của tôi. Làm theo lời hướng dẫn, lần đầu tiên tôi chuyển gần 900 nghìn đồng và nhanh chóng nhận lại được cả tiền gốc và lãi hơn 1 triệu đồng. Lần thứ 2, tôi tiếp tục thanh toán hơn 2 triệu đồng và nhận lại tiền gốc và lãi hơn 2,2 triệu đồng. Cứ thế, số tiền cần thanh toán càng lúc càng lớn từ gần 2 triệu đồng đến số tiền gần 250 triệu đồng/lần. Đến lần thứ 4 chuyển tiền đi nhưng không nhận được tiền trả lại, tôi có liên hệ lại tài khoản facebook Trần Vy thì nhận được câu trả lời đợi hoàn thành nhiệm vụ tiếp theo sẽ trả gộp luôn một lần. Vì muốn lấy lại được tiền nên tôi đã chuyển thêm nhiều lần với số tiền trên 500 triệu đồng vào nhiều tài khoản khác nhau và mất hết”. Tương tự như chị T, chị Bùi Thị H ở huyện Trực Ninh cũng được một người lạ kết bạn trên facebook và nhắn tin hướng dẫn công việc làm thêm online. Theo lời giới thiệu, công việc đơn giản là tải app để like và theo dõi các shop bán hàng online. Hoàn thành công việc vào khung giờ cố định 20h10 mỗi ngày chị sẽ nhận được 300 nghìn đồng vào tài khoản. Vì thấy “việc nhẹ lương cao” nên chị H đã tìm hiểu thêm thì được đề nghị cung cấp thêm số điện thoại, số tài khoản ngân hàng, tên chủ thẻ, tên ngân hàng… May mắn đã được nghe nhiều trường hợp vì cung cấp thông tin cá nhân nên bị chiếm đoạt tài sản nên chị H không trả lời lại và chặn ngay tài khoản facebook trên.
Đây chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp người dân đã bị lừa đảo sau khi được tuyển làm việc online. Mặc dù cơ quan chức năng đã đưa ra không ít cảnh báo nhưng vẫn có nhiều người do cả tin và thiếu hiểu biết nên đã bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản từ nhiều hình thức. Nhiều người, nhất là những bạn trẻ muốn tìm việc làm thêm hay những phụ nữ đang nuôi con nhỏ, ở nhà rảnh rỗi muốn có thêm thu nhập từ công việc online đã trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo này. Theo các cơ quan chức năng, hành vi của các đối tượng nói trên có dấu hiệu của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được quy định tại Điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015. Tùy vào tính chất, mức độ, giá trị tài sản chiếm đoạt, các đối tượng phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, phạt tù đến 20 năm hoặc tù chung thân. Cũng theo các cơ quan chức năng, các đối tượng lừa đảo thường sử dụng nick ảo và sim rác để nhắn tin, gọi điện. Vì chỉ trao đổi với nhau qua mạng với “nạn nhân”, nên các thông tin liên hệ cũng như nhân thân về các đối tượng này rất mơ hồ, không xác thực.
Để chủ động phòng ngừa, không sập bẫy lừa đảo việc làm qua mạng xã hội, các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần tỉnh táo khi nhận được lời mời chào tham gia “việc làm online”; cảnh giác và tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Bản thân người lao động cần tìm hiểu kỹ thông tin tuyển dụng, đăng ký tìm việc tại những nơi uy tín; nâng cao hiểu biết, cảnh giác của bản thân trước các chiêu trò lừa đảo. Cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm; đẩy mạnh tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng. Khi làm cộng tác viên cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, người dân cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác. Khi sử dụng mạng xã hội tìm việc làm trực tuyến không truy cập vào các liên kết lạ, đặc biệt, người dân không nên cung cấp tài khoản ngân hàng, số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, số điện thoại, nhất là mã OTP từ ngân hàng để tránh bị chiếm đoạt tài sản. Nếu phát hiện ra trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật./.
Thanh Hoa
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin