Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thực tiễn

08:16, 10/02/2023

Xác định vai trò quan trọng của công tác đào tạo nghề trong việc chuẩn bị và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh từng bước được nâng lên, tạo cơ hội việc làm, nâng cao mức sống cho người lao động, thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực. Qua đó, từng bước phát triển thị trường lao động theo hướng linh hoạt, liên thông, kết nối chặt chẽ cung - cầu, đảm bảo huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.

Công ty Cổ phần Cấp nước Nam Định áp dụng chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Công ty Cổ phần Cấp nước Nam Định áp dụng chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Năm 2022, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho 35.011 lượt người lao động (đạt 109,41% kế hoạch năm, tăng 545 lượt người so với năm 2021). Trong đó xuất khẩu lao động 3.800 người (đạt 271,43% kế hoạch năm, tăng 2.264 người so với năm 2021). Toàn tỉnh tuyển sinh đào tạo nghề được 35.200 người (trong đó đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng 2.967 người) đạt 100% kế hoạch năm 2022 và đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo giáo dục nghề nghiệp (GDNN) lên 48%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75,5% (đạt 100% kế hoạch năm, tăng 1,5% so với năm 2021). Trong đó, thực hiện đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho 1.625 lao động nông thôn, tăng 521 người so với năm 2021); tổ chức 11 lớp tập huấn, hướng dẫn đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và lao động có thu nhập thấp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững... Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tổ chức 31 phiên giao dịch việc làm, tư vấn về việc làm, học nghề cho 67.697 lao động; trong đó: tư vấn về việc làm, học nghề cho người lao động đến làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp là 57.177 lượt người (tăng 6.566 lượt lao động so với năm 2021); cho 10.520 lượt người lao động tự do, đạt 131,5% kế hoạch, tăng 7.033 lượt so với năm 2021. Trung tâm đã giới thiệu việc làm, cung ứng cho 5.393 lượt lao động (đạt 235% kế hoạch năm, tăng 1.745 lượt lao động so với năm 2021). 

Trên địa bàn tỉnh hiện có 33 cơ sở GDNN; trong đó có 26 cơ sở GDNN công lập (gồm 6 trường cao đẳng, 5 trường trung cấp và 15 trung tâm) và 7 cơ sở GDNN khác là các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia hoạt động GDNN. Các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo từng bước được cải thiện; đội ngũ giáo viên, giảng viên GDNN không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo từng bước được đầu tư đổi mới, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu của người học; chương trình đào tạo và các ngành nghề được mở rộng phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Theo thống kê hàng năm, học sinh, sinh viên tốt nghiệp hệ trung cấp, cao đẳng ra trường có việc làm ngay đạt trên 90%, có trường đạt 100%, mức lương bình quân từ 5-7 triệu đồng/người/tháng; cá biệt có những ngành nghề học sinh chưa nhận bằng tốt nghiệp song đã được doanh nghiệp nhận vào làm việc (như các nghề hàn, may, công nghệ ô tô...). 

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn luôn được triển khai tích cực và đạt 100% kế hoạch; tỷ lệ người lao động sau học nghề có việc làm ổn định đạt trên 85%, với mức thu nhập bình quân trên 5 triệu đồng/người/tháng. Các doanh nghiệp và cơ sở GDNN đã có nhiều sự gắn kết phối hợp trong công tác đào tạo; có 35 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh phối hợp với các cơ sở GDNN để đào tạo nghề cho lao động nông thôn và cam kết nhận lao động sau tốt nghiệp vào làm tại doanh nghiệp. Điển hình như lớp dạy nghề cơ khí hàn cho 35 lao động do Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Nam Định tổ chức, sau khi tốt nghiệp khóa đào tạo, Công ty TNHH Thắng Lợi (Cụm công nghiệp An Xá, thành phố Nam Định) đã tiếp nhận toàn bộ số lao động vào làm việc tại Công ty, với mức lương từ 5 triệu đồng/người/tháng trở lên... Hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm từng bước được nâng cao, các ngành nghề được tổ chức đa dạng, phong phú đã giúp cho người lao động lựa chọn nghề phù hợp với điều kiện sản xuất của gia đình. 

Năm 2023 là năm có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Đồng chí Hoàng Đức Trọng, TUV, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Với mục tiêu phát triển nhanh GDNN nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển của tỉnh trong từng giai đoạn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các kế hoạch về “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2027”; Chuyển đổi số trong GDNN giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Thực hiện Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Phấn đấu năm 2023, tạo việc làm cho khoảng 32 nghìn lượt người, trong đó xuất khẩu lao động 1.400 người. Tuyển sinh, đào tạo nghề cho khoảng 35.200 người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 49%. Tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 77,0% trở lên. Đến năm 2025, bảo đảm quy mô, cơ cấu ngành, nghề đào tạo cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; chất lượng đào tạo của một số trường tiệm cận trình độ các nước ASEAN-4, trong đó một số nghề tiệm cận trình độ các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30%. Phấn đấu 70% chuẩn đầu ra chương trình đào tạo của các trình độ được tích hợp năng lực số, có nội dung đào tạo phù hợp với phương thức chuyển đổi số; 100% chương trình đào tạo chuyên ngành công nghệ thông tin, công nghệ số được cập nhật phù hợp với ứng dụng khoa học công nghệ mới. Hình thành nền tảng số GDNN quốc gia và kho học liệu, tài nguyên số dùng chung phục vụ cho hoạt động dạy và học. Phấn đấu 50% trường cao đẳng, trường trung cấp có hạ tầng số, nền tảng số để kết nối khai thác với nền tảng số GDNN quốc gia. Có 70% các cơ sở GDNN, hình thành bản đồ số mạng lưới cơ sở GDNN và liên kết bản đồ số mạng lưới cơ sở GDNN với các hệ thống chứng thực và tra cứu thông tin GDNN. 

Để đạt được các mục tiêu kế hoạch nêu trên, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ sở GDNN thực hiện đồng bộ 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó “Đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất thiết bị và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo” và “Phát triển đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong GDNN” là những giải pháp đột phá. Sắp xếp, tổ chức mạng lưới cơ sở GDNN theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, dễ tiếp cận, đa dạng về loại hình, hình thức tổ chức, phân bổ hợp lý về cơ cấu ngành nghề, cơ cấu trình độ, cơ cấu vùng miền, đủ năng lực đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề nghiệp, nhất là nhân lực chất lượng cao. Khuyến khích phát triển cơ sở GDNN tư thục, có vốn đầu tư nước ngoài, cơ sở GDNN trong doanh nghiệp. Đẩy nhanh chuyển đổi số, đầu tư hiện đại hóa cơ sở vật chất thiết bị và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo của cơ sở GDNN, phù hợp với công nghệ sản xuất của doanh nghiệp, định hướng phân tầng chất lượng và đặc thù các ngành, nghề đào tạo. Tăng cường gắn kết với doanh nghiệp để khai thác, sử dụng thiết bị đào tạo tại doanh nghiệp. Phát triển mô hình “nhà trường thông minh, hiện đại”, “nhà trường xanh”. Đa dạng hóa phương thức tổ chức đào tạo với sự ứng dụng mạnh mẽ của công nghệ thông tin. Phát triển mạnh học nghề tại nơi làm việc; chú trọng đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho người lao động hiện có và lao động di cư. Đẩy mạnh triển khai liên kết nhà trường và doanh nghiệp trong công tác đào tạo và giải quyết việc làm. Phát triển đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong GDNN. Đổi mới, nâng cao chất lượng, đa dạng hoá các chương trình, phương thức tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên dạy nghề. Gửi đào tạo, bồi dưỡng tại các nước có hệ thống GDNN phát triển đối với nhà giáo giảng dạy các ngành, nghề trọng điểm cấp độ ASEAN, quốc tế. Đẩy mạnh dự báo nhu cầu đào tạo nghề nghiệp, đặc biệt là các ngành nghề khoa học - kỹ thuật - công nghệ, ưu tiên cho công nghệ thông tin, công nghệ mới, công nghệ cao, các kỹ năng tương lai. Khai thác hiệu quả dữ liệu, thông tin thị trường lao động quốc gia kết hợp với điều tra định kỳ hoặc đột xuất về nhu cầu lao động, nhu cầu kỹ năng, nhu cầu đào tạo của doanh nghiệp, người sử dụng lao động và phản hồi của người đã tốt nghiệp để phục vụ nâng cao chất lượng công tác quản lý và đào tạo. Đẩy mạnh hướng nghiệp trước, trong và sau đào tạo nghề nghiệp; thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho người học tự tạo việc làm. Xây dựng không gian khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong các cơ sở GDNN và hệ sinh thái khởi nghiệp GDNN tại các vùng trên địa bàn tỉnh. Mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác toàn diện giữa tỉnh và các nước, các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực GDNN; đẩy mạnh đàm phán, ký kết, triển khai các thỏa thuận, chương trình hợp tác với đối tác quốc tế, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam trong việc hỗ trợ cơ sở GDNN, học sinh, sinh viên nâng cao kỹ năng nghề nghiệp./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com