Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân (HND) huyện Nam Trực đã đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ hội viên về nguồn vốn, khoa học kỹ thuật, dạy nghề tạo việc làm, giúp hội viên nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Hội viên nông dân xã Điền Xá phát triển nghề trồng hoa, cây cảnh. |
Các cấp HND trong huyện thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; tích cực vận động hội viên phát huy lợi thế, điều kiện tự nhiên của địa phương và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, đưa cây, con giống có giá trị kinh tế cao vào sản xuất; chú trọng xây dựng các mô hình kinh tế hộ gia đình cho thu nhập cao. Hàng năm, HND huyện giao chỉ tiêu cụ thể về số hộ nông dân đăng ký sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp cho các xã, thị trấn, đồng thời tổ chức phân loại, làm rõ nguyên nhân các hộ nghèo, cận nghèo để có biện pháp cụ thể giúp hội viên, nông dân nghèo vươn lên thoát nghèo. Đến nay, toàn huyện có 14.432 hộ đạt sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, trong đó 6 hộ đạt cấp Trung ương, 36 hộ đạt cấp tỉnh, 111 hộ đạt cấp huyện, 14.279 hộ đạt cấp xã. Năm 2022, huyện có 6 hội viên tiêu biểu được đề nghị cấp giấy chứng nhận hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương giai đoạn 2017-2022; 1 hội viên được đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
Từ phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, với ý chí quyết tâm vươn lên làm giàu, đi đầu trong tích tụ ruộng đất, đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào trồng trọt, chăn nuôi với quy mô lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao, hàng năm thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên. Nhiều hộ có thu nhập từ 500 triệu đến gần 3 tỷ đồng, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Điển hình như các ông: Đỗ Duy Bắc, xã Điền Xá; Trịnh Duy Tuyến, xã Nam Mỹ; Phạm Minh Châu, Nguyễn Đăng Ninh, xã Nam Toàn trồng hoa, cây cảnh. Bà Vũ Thị Thanh, xã Đồng Sơn; ông Vũ Quang Việt xã Nam Tiến; Vũ Văn Phúc, xã Nam Thái trồng lúa, dịch vụ nông nghiệp. Ông Nguyễn Văn Thăng, Vũ Nam Sao, thị trấn Nam Giang sản xuất cơ khí. Ông Nguyễn Văn Chanh, xã Hồng Quang nuôi vịt đẻ, ấp trứng. Ông Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Văn Luyện, xã Hồng Quang sản xuất may mặc. Ông Trần Văn Giang, xã Nam Dương sản xuất đồ gỗ... Các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi thu hút hàng chục lao động có việc làm ổn định, góp phần thực hiện thành công chủ trương của Đảng, Nhà nước về mục tiêu giảm nghèo bền vững. Phong trào đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện đến nay còn 0,7%.
Để hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, các cấp Hội còn phối hợp với các ngành chức năng tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ nông dân về vốn, giống, khoa học kỹ thuật, vật tư nông nghiệp, dạy nghề tạo việc làm; tổ chức cho cán bộ, hội viên đi tham quan, học tập các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu trong và ngoài huyện. HND từ huyện đến cơ sở phối hợp với các ngân hàng trong việc tín chấp, nhận ủy thác giúp hội viên vay vốn. Đến nay, tổng dư nợ từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt gần 1.300 tỷ đồng cho 4.607 hộ vay; dư nợ từ Ngân hàng Chính sách xã hội gần 186 tỷ đồng cho 4.950 hộ vay để phát triển sản xuất, kinh doanh, làm giàu và giảm nghèo bền vững. 5 năm qua, các cấp Hội chủ động phối hợp với các ngành chức năng, các công ty tổ chức hàng trăm buổi tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, giúp nông dân có kiến thức trong sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi. Đến nay, toàn huyện có 41 trang trại, quy mô vừa và nhỏ, đảm bảo an toàn dịch bệnh, từng bước áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, đảm bảo phát triển kinh tế bền vững gắn với bảo vệ môi trường. Ngoài ra, HND huyện đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn thành lập các mô hình kinh tế tập thể để hội viên nông dân hỗ trợ, liên kết với nhau trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; thay đổi tư duy từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị sản phẩm. Trên địa bàn huyện hiện có 15 tổ hợp tác, 2 chi hội nghề nghiệp, trong đó 3 tổ hợp tác đang được thụ hưởng nguồn vốn vay ưu đãi trị giá 1,5 tỷ đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương. Nhiều mô hình phát huy hiệu quả kinh tế cao như tổ hợp tác trồng cỏ Nhật, tổ hợp tác trồng cây cảnh xã Nam Thắng; tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh hoa, cây cảnh xã Điền Xá; tổ hợp tác trồng quất cảnh xã Nam Toàn; tổ hợp tác trồng đào cảnh xã Nam Mỹ; tổ hợp tác chăn nuôi gia súc, gia cầm xã Nam Cường; tổ hợp tác sản xuất dao, kéo cầm tay thị trấn Nam Giang…
Với các hoạt động hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, các cấp HND huyện Nam Trực đã giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tạo thêm nhiều nguồn lực để xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Đến nay, toàn huyện có 18/20 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện được đầu tư, nâng cấp, xây mới; nông thôn phát triển theo hướng hiện đại, môi trường sạch đẹp; kinh tế nông nghiệp, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao./.
Bài và ảnh: Lam Hồng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin