Trong chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, giáo dục thể chất (GDTC) là môn học bắt buộc được thực hiện từ lớp 1 đến lớp 12. Nội dung GDTC được phân chia theo hai giai đoạn: Trong giai đoạn giáo dục cơ bản, GDTC là môn học bắt buộc, giúp học sinh biết cách chăm sóc sức khoẻ và vệ sinh thân thể; hình thành thói quen tập luyện nâng cao sức khoẻ; thông qua các trò chơi vận động và tập luyện thể dục, thể thao hình thành các kỹ năng vận động cơ bản, phát triển các tố chất thể lực, làm cơ sở để phát triển toàn diện. Trong giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, GDTC được thực hiện thông qua hình thức câu lạc bộ thể thao, học sinh được chọn nội dung hoạt động thể thao phù hợp với nguyện vọng của mình và khả năng đáp ứng của nhà trường. Học sinh được tiếp tục phát triển kỹ năng chăm sóc sức khoẻ và vệ sinh thân thể, phát triển về nhận thức và năng khiếu thể thao, giúp những học sinh có năng khiếu thể thao định hướng nghề nghiệp phù hợp. Như vậy, theo tinh thần giáo dục đổi mới, phát huy năng lực của học sinh, GDTC trở thành môn học bắt buộc đòi hỏi nhiều điều kiện đáp ứng mới.
Một giờ học Giáo dục thể chất của học sinh Trường THPT Tống Văn Trân (Ý Yên). |
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ GD và ĐT về GDTC, hoạt động thể thao và y tế trường học, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 69/KH-UBND ngày 17-5-2022 về việc tiếp tục thực hiện “Đề án tổng thể phát triển GDTC và hoạt động thể thao trường học giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025”.
Đồng chí Đỗ Anh Tuấn, Trưởng Phòng Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Sở GD và ĐT) cho biết: Trên cơ sở các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, năm học 2022-2023, Sở GD và ĐT đã ban hành Công văn số 1477/SGDĐT-GDCTHSSV, ngày 20-9-2022 về hướng dẫn thực hiện công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, học sinh, sinh viên, GDTC, y tế trường học năm học 2022-2023. Trong đó, đối với công tác GDTC: Tổ chức các hoạt động thí điểm triển khai mô hình “Xe đạp xanh” nhằm mục đích bảo vệ môi trường, tiết kiệm nhiên liệu, tăng cường sức khỏe cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh tại các cơ sở giáo dục (CSGD) trong tỉnh; khuyến khích các CSGD chưa tham gia thí điểm triển khai mô hình “Xe đạp xanh”, vận động cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh có khoảng cách từ nhà đến trường trong vòng 5km thì đi làm, đi học bằng xe đạp thay cho xe điện, xe gắn máy, mô tô, ô tô. Duy trì nền nếp thực hiện việc tập thể dục buổi sáng, chống mệt mỏi sau mỗi tiết học, bài thể dục giữa giờ, bài võ cổ truyền theo quy định của Bộ GD và ĐT hoặc các hoạt động thể dục thể thao khác; khuyến khích các đơn vị tổ chức các hình thức, bài thể dục giữa giờ phong phú, đa dạng. Các CSGD tiếp tục tổ chức các hoạt động thể dục thể thao dưới nhiều hình thức, hướng dẫn cho học sinh biết tự luyện tập thể dục thể thao và biết chơi ít nhất một môn thể thao theo năng lực, sở trường của các em. Tiếp tục duy trì các câu lạc bộ thể dục thể thao: Bóng rổ, bóng đá Futsan, võ cổ truyền, võ nhạc, vovinam, bóng đá, cầu lông, tích hợp giáo dục đạo đức, giáo dục giá trị sống, giáo dục kỹ năng sống, các kỹ năng thoát hiểm, kỹ năng phòng vệ và các hoạt động trải nghiệm sáng tạo… và các chương trình võ thuật học đường, võ cổ truyền, võ nhạc, bóng rổ, bóng đá học đường trong năm học 2022-2023 tại tất cả các CSGD trong tỉnh.
Cũng theo đồng chí Đỗ Anh Tuấn: Khi GDTC là môn bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12, thì cần nhận thức đầy đủ không chỉ trong ngành GD và ĐT mà cả gia đình và xã hội, để thấy vai trò quan trọng của môn học này trong hệ thống giáo dục. Bởi trong Chương trình GDPT mới, GDTC không phải là bộ môn thể dục, không chỉ là môn dạy học sinh xếp hàng, đội hình, đội ngũ, mà còn là bộ môn chuyên biệt, dạy học vận động và phát triển toàn diện các yếu tố: đức, trí, thể, mỹ nhằm phát triển con người cân đối, toàn diện.
Hiện tại, toàn tỉnh có 65/230 trường tiểu học có nhà đa năng, 40/226 trường THCS có nhà đa năng, 41/45 trường THPT công lập có nhà đa năng và các thiết bị dạy học như: sân cỏ nhân tạo, sân bóng rổ, sân cầu lông, bàn bóng bàn, cột nhảy cao, đệm nhảy cao; hơn 150 trường tiểu học và THCS có nhà tập thể thao đơn môn. Diện tích sân chơi, bãi tập các trường này cơ bản đáp ứng phục vụ cho việc dạy học môn GDTC và tổ chức các hoạt động thể thao trong nhà trường. Các nhà trường cũng tận dụng tối đa điều kiện cơ sở vật chất để duy trì, tổ chức hiệu quả hoạt động thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ cho học sinh. Đối với các trường có diện tích sân chơi hẹp thì sử dụng phòng học, hành lang, sân trường để tổ chức tập thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ cho học sinh; tiếp tục triển khai dạy các bài võ cổ truyền cho học sinh. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT 2018, việc triển khai môn GDTC tại các trường học còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt, tại các trường còn thiếu sân bãi, thiếu nhà đa năng. Hiện Sở GD và ĐT đang chỉ đạo các CSGD khai thác hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm đẩy mạnh phong trào tập luyện thể thao trong nhà trường; tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên, cán bộ nhà giáo được thường xuyên tham gia tập luyện, thi đấu nhằm duy trì, nâng cao sức khỏe. Vận động cán bộ, giáo viên, học sinh tích cực tham gia vào đội tuyển thể dục thể thao của ngành tham dự các giải thể thao học sinh do Bộ GD và ĐT tổ chức, Đại hội thể thao học sinh Đông Nam Á và các giải thể thao do các ngành trong tỉnh phối hợp tổ chức. Tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phương pháp, hình thức và kỹ năng giảng dạy môn GDTC và tổ chức hoạt động thể thao cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, giảng viên làm công tác GDTC và thể thao trường học. Tích cực tham mưu với chính quyền địa phương, cơ quan quản lý cấp trên tăng cường dành quỹ đất làm sân chơi, sân tập, nhà tập, nhà đa năng, cơ sở vật chất, trang thiết bị thể dục thể thao hiện đại, đảm bảo tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT 2018 và tổ chức hoạt động thể thao trong nhà trường, đưa công tác GDTC và hoạt động thể thao học đường ngày càng phát triển, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện./.
Bài và ảnh: Minh Thuận
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin