Về câu đối "đặc biệt" trong bảo tàng Hải Hậu

07:50, 17/01/2025

Một ngày cuối năm Giáp Thìn, chúng tôi đến thăm Bảo tàng huyện Hải Hậu, đọc đôi câu đối được đặt trang trọng trong Bảo tàng.

“Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc
Hồn bay lên hóa linh khí quốc gia.”

Đôi câu đối trưng bày trong Bảo tàng huyện Hải Hậu. (Ảnh Trần  Là)
Đôi câu đối trưng bày trong Bảo tàng huyện Hải Hậu. (Ảnh Trần Là)

Bất cứ ai khi đọc câu đối này chắc cũng trào dâng cảm xúc. Đó là lòng biết ơn, yêu quý, tự hào về một thế hệ những người con ưu tú đã từng hiến dâng cả cuộc đời mình vì độc lập tự do của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân. Tự hào nữa khi biết tác giả của đôi câu đối này là một người con của quê hương Hải Hậu - Đại tá, nhà thơ Trần Thế Tuyển. Ông quê ở xã Hải Phương - hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên Tổng biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng. 

Năm 1970, từ mái trường cấp 3 Hải Hậu, Trần Thế Tuyển cùng bạn bè “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Có lần ông tâm sự: “Tôi không bao giờ nghĩ mình vào chiến trường để viết văn, làm thơ, mà cũng như bao đồng đội để chiến đấu và sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Nhưng cuộc sống chiến trường khốc liệt gian nan mà thấm đẫm tình người, tình đồng đội đã tác động, khiến tôi vừa cầm súng vừa cầm viết”. Theo nhà thơ Trần Thế Tuyển, một trong nguồn cảm hứng sáng tạo vô tận của ông là các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng - mẹ liệt sĩ. Là tác giả của nhiều tập thơ, tập truyện ngắn, bút ký và trường ca, nhà thơ Trần Thế Tuyển chia sẻ: “Văn chương phải sáng tác. Nhưng bà mẹ chiến sĩ trong trường ca Mẹ, tôi lấy nguyên mẫu từ mẹ tôi - người đã sinh ra những đứa con bộ đội, trong đó một người đã hy sinh ở chiến trường miền Nam thời chống Mỹ.

Trong trường ca đặc sắc này, Trần Thế Tuyển đã viết: 

“Con về rồi còn em con đâu ?
Mẹ ơi con biết trả lời sao
Em con đã biến thành đất nước
Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc
Hồn bay lên hóa linh khí quốc gia”.

Và, hai câu thơ này đã trở thành đôi câu đối. Được biết, đôi câu đối này lần đầu xuất hiện trong Đền thờ liệt sĩ Long Khốt, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An (năm 2009), đến nay (năm 2024) đã được chọn khắc trên chuông đồng, hoành phi ở hơn 60 đền thờ, bia tưởng niệm liệt sĩ, nhà truyền thống, bảo tàng trên cả nước. Nguồn gốc từ hai câu trong “Trường ca Mẹ”, cặp câu thơ đã sử dụng một phép đối hoàn chỉnh như là lời nói được tạo hóa ban truyền vào cảm xúc của trái tim người lính Trần Thế Tuyển. Từ đó bỗng nhiên buột ra như một dòng suối dạt dào thương nhớ dành cho liệt sĩ Trần Văn Thiềng- người em trai của tác giả từ quê hương Hải Hậu ra đi và đã ngã xuống tại chiến trường Nam Bộ thời kháng chiến chống Mỹ. 

Trong thi đàn thơ ca cách mạng về người lính Bộ đội Cụ Hồ đã có biết bao câu thơ như thế đã được viết ra bằng huyết lệ. Đôi câu thơ trên tác giả cũng viết ra từ cảm xúc trào dâng về đồng đội như “dòng sông cuộn chảy” của ông. Đôi câu đối ấy được lựa chọn không chỉ bởi sự hoàn chỉnh về cấu trúc các vế đối, mà nói tiếng lòng, tâm nguyện của tất cả chúng ta đối với những người anh hùng liệt sĩ đã quên mình vì đất nước.

Cùng thăm Bảo tàng huyện Hải Hậu với chúng tôi có Bí thư Huyện uỷ Hải Hậu Trần Minh Hải và Nhà giáo Ưu tú - Hiệu trưởng Trường THPT A Hải Hậu Nguyễn Thị Dung và Đại tá Trần Văn Toản, em trai của tác giả. Đôi câu đối của nhà thơ Trần Thế Tuyển được đặt ở vị trí trang trọng trong không gian khu vực thời chống Mỹ làm mọi người tràn dâng cảm xúc. Bí thư Huyện uỷ Trần Minh Hải cho biết, các bậc cách mạng tiền bối huyện nhà và tập thể lãnh đạo huyện chọn đôi câu đối này để làm hiện vật đời đời nhớ ơn công lao các Anh hùng Liệt sĩ trên quê hương. Việc đặt câu đối trong Bảo tàng huyện là một việc làm vô cùng ý nghĩa. Trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, huyện Hải Hậu có hơn 50 nghìn thanh niên lên đường nhập ngũ; trong đó 4.707 người con ưu tú đã anh dũng hy sinh, hiến dâng trọn tuổi xuân cho đất nước; 401 Bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu “Mẹ Việt Nam Anh hùng”. 

Bí thư Huyện uỷ Trần Minh Hải nói thêm: “Những người lính ra đi chiến đấu họ phải rời xa quê hương, gia đình và tuổi trẻ của mình để dành toàn bộ cuộc đời cho cuộc kháng chiến, họ ngã xuống không trở về. Chính họ đã mang lại mùa xuân cho đất nước, dẫu thân thể họ đã tan biến vào đất đai Tổ quốc”. Đúng như người đứng đầu Đảng bộ huyện nói, thân thể các liệt sĩ đã thành đất đai của Tổ quốc và linh hồn của họ mãi bất tử hoá thành linh khí quốc gia. Đó cũng chính là sự thiêng liêng, linh ứng cho nền độc lập dân tộc, tự do, yên bình của nhân dân”.

Đứng trước đôi câu đối trong bảo tàng linh thiêng, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thị Dung không kìm được xúc động: “Đôi câu đối còn là di sản tinh thần quý báu góp phần giáo dục thế hệ trẻ của quê hương nông thôn mới điển hình của cả nước hôm nay. Mỗi dịp trọng đại của quê hương, các nhà trường thường chọn điểm đến Đền thờ Liệt sĩ và Bảo tàng huyện để giáo dục học sinh về lòng yêu nước, tri ân những Anh hùng Liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc. Khi được đứng trước cặp câu đối: “Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc. Hồn bay lên hóa linh khí quốc gia” thầy trò đều tràn dâng niềm thành kính. Điều này nữa, chúng tôi còn tự hào vì tác giả đôi câu đối ấy là học sinh cũ của trường”.

Trò chuyện cùng các em học sinh có mặt hôm ấy, học sinh Phạm Gia Lộc, lớp 12A12  chia sẻ: “Đúng như câu đối của bác Trần Thế Tuyển. Thân thể của họ - những người con ưu tú, yêu thương của quê hương, của Mẹ Việt Nam Anh hùng giờ đây đã hòa tan vào lòng đất, hóa thành từng nắm đất thiêng liêng. Từng tấc đất ấy là cái giá mà nền hòa bình phải trả, là đất đai của Tổ quốc, đất thấm đượm linh hồn, máu xương và những giấc mơ chưa kịp trọn vẹn. Em thích câu “Hồn bay lên” ngụ ý rằng linh hồn của những người chiến sĩ đã ngã xuống không tan biến mà hóa thành “linh khí quốc gia”, một điều trường tồn mãi mãi. Em cảm nhận rằng dường như luồng linh khí thiêng liêng ấy bay lên từ những ngọn núi cao, len qua dòng sông xanh, tỏa ra trong cả không gian và thời gian, ôm trọn lấy dải đất hình chữ S nhỏ bé mà kiên cường, hun đúc ý chí cho bao thế hệ mai sau. Hai câu thơ chính là lời nhắc nhở cho thế hệ trẻ chúng em không bao giờ được quên ơn thế hệ cha ông đã hy sinh vì đất nước. Hãy tự tin, vững bước đón nhận “linh khí quốc gia” tiếp tục học tập, rèn luyện để trở thành công dân tốt, nối gót cha anh cống hiến xây dựng quê hương, đất nước”.

Miền đất Hải Hậu thêm một lần cảm ơn đóng góp của Đại tá nhà thơ Trần Thế Tuyển. Sự hy sinh, cống hiến của thế hệ các ông - những cựu học sinh của nhà trường sẽ là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho thế hệ trẻ hôm nay trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu. 

Đoàn Thị Khánh Trang
(Trường THPT A Hải Hậu)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com