Vụ Bản là vùng đất cổ mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống với nhiều phong tục, tập quán độc đáo gắn liền với tín ngưỡng dân gian. Trong đó, xã Kim Thái và xã Thành Lợi là hai địa phương tiêu biểu bảo tồn và phát huy giá trị của những nét đẹp văn hóa thuần Việt, đặc biệt là các phong tục diễn ra vào dịp Tết Nguyên đán.
Múa rồng mây tại đoàn rước xông đền đêm Giao thừa tại làng Gạo - thôn Quả Linh, xã Thành Lợi. |
Trải qua bao biến thiên của thời gian, phong tục chọn gà cúng Thành Hoàng làng vào thời khắc giao thừa vẫn được duy trì, trở thành một nét đẹp văn hóa độc đáo tại thôn Tiên Hương, xã Kim Thái. Tương truyền, tục lệ này có từ thế kỷ VI, gắn với việc thờ tướng quân Đinh Lôi, người có công đánh đuổi giặc Chiêm Thành dưới thời Vua Lý Nam Đế. Khi đoàn quân thắng trận trở về đất Tiên Hương đúng vào dịp Tết Nguyên đán, ông cho đóng quân trên đỉnh núi An Thái. Dân làng Tiên Hương tổ chức dâng các sản vật, trong đó có món gà luộc chào mừng đạo quân thắng trận. Sau khi mất, tướng quân Đinh Lôi được dân làng Tiên Hương suy tôn làm Thành Hoàng làng.
Trong hương ước cổ làng Tiên Hương quy định, vào thời khắc Giao thừa Tết Nguyên đán hàng năm, dân làng tổ chức tục chọn gà luộc làm lễ vật cúng Thành Hoàng. Đến ngày nay, tục chọn gà cúng thần vẫn được các hộ dân trong thôn duy trì. Từ tháng 5 âm lịch, các hộ dân trong thôn đã chọn gà. Gà được chọn nuôi là gà trống ta, trọng lượng khoảng 1,5 đến 2kg, mào gà đỏ tươi, lông có màu đỏ mật, chân vàng, đuôi dài. Sau ngày 23 tháng Chạp, người dân trong thôn bắt đầu nuôi nhốt gà cho dịp lễ trọng đại. Tối 30 Tết, sau bữa cơm tất niên, các gia đình cùng nhau chế biến gà để làm lễ cúng thần. Khi thời khắc cúng Thành Hoàng làng đến, người dân tập trung lên núi dâng lễ. Tại sân đền, ánh sáng từ đèn đuốc thắp sáng không gian, những mâm gà luộc vàng óng được bày trang trọng, thể hiện sự thành kính với Thành Hoàng. Trong âm vang của tiếng chuông, trống, thủ nhang đại diện cho dân làng thực hiện các nghi lễ, sau đó người dân dâng các vật phẩm cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Bầu không khí trở nên ấm áp và rộn ràng hơn khi mọi người trao nhau những lời chúc tốt đẹp nhân dịp năm mới. Tục cúng gà tại thôn Tiên Hương trong ngày Tết không chỉ đơn thuần mang yếu tố tín ngưỡng thuần tuý mà còn là nét đẹp văn hoá truyền thống thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ công lao các vị Anh hùng dân tộc đã có công xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước, mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Thôn Tiên Hương là nơi có quần thể di tích lịch sử - văn hoá Phủ Dầy - một trong những trung tâm văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, tại Phủ chính Tiên Hương, người dân và du khách lại được hòa mình vào không khí trang nghiêm, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc qua các nghi thức tâm linh truyền thống. Nghệ nhân Ưu tú Trần Thị Kim Huệ, Thủ nhang Phủ chính Tiên Hương, chia sẻ: Từ giữa tháng Chạp, phủ được trang hoàng đèn lồng, cờ thần và thực hiện nghi lễ bao sái bàn thờ để thanh tịnh không gian thờ cúng. Vào đêm Giao thừa, người dân tập trung tại sân phủ trong tâm trạng háo hức, chờ đón khoảnh khắc thiêng liêng. Đúng thời khắc sang canh, pháo hoa từ phủ rực sáng cả vùng quê, hòa cùng âm vang của tiếng chiêng trống do các cung văn thực hiện. Tiếp đó, đại diện dòng họ Trần Lê thôn Tiên Hương thực hiện các nghi thức tâm linh tại cung đệ nhị và cung cấm. Lễ sớ được dâng lên với lời cầu nguyện quốc thái dân an, thiên hạ thái bình và nhân dân ấm no, hạnh phúc. Sau khi dòng họ Trần Lê hoàn tất các nghi lễ tại cung đệ nhị và cung cấm, dân làng lần lượt vào lễ.
Điểm nhấn đặc biệt là những giai điệu hát dâng mẫu do các cung văn trình bày. Trong không gian linh thiêng, các bài hát văn khơi dậy những cảm xúc sâu lắng, hướng mỗi người đến chân, thiện, mỹ. Các lễ vật dâng thánh được chia thành hai loại: lễ chay và lễ mặn. Trong đó, tại cung đệ nhị và cung cấm chỉ được dâng cỗ chay. Người dân Tiên Hương vẫn lưu truyền câu nói: “Thượng Thánh hạ phàm” với ý nghĩa các vật phẩm sau khi dâng thánh sẽ được người dân thụ lộc mang về dâng lên ban thờ gia tiên, tiếp nối mạch nguồn tâm linh và đạo lý tri ân tổ tiên. Các nghi thức đón Giao thừa tại Phủ chính Tiên Hương không chỉ thể hiện sự kính ngưỡng đối với Thánh Mẫu mà còn là dịp để cộng đồng cùng nhau gửi gắm niềm tin và hy vọng vào một năm mới bình an, thịnh vượng.
Làng Gạo - thôn Quả Linh, xã Thành Lợi từ bao đời vẫn duy trì những phong tục tâm linh truyền thống. Trong đó, tục xông đền, xông điện, xông nhà thờ họ vào đêm Giao thừa là một nét đẹp văn hóa độc đáo có từ lâu đời, được tổ chức trang nghiêm và mang nhiều giá trị nhân văn sâu sắc. Theo các bậc cao niên trong làng, tập tục này là dịp để người dân tưởng nhớ công lao của 18 cụ tổ khai điền lập ấp và vị Thành Hoàng có công bảo vệ dân làng. Quá trình chuẩn bị cho nghi lễ xông đền, xông nhà thờ được thực hiện theo các quy trình tỉ mỉ và nghiêm ngặt. Lễ vật dâng lên Thành Hoàng và tổ tiên được chọn lựa kỹ càng, bao gồm: gà trống, xôi, chè, rượu và hoa, quả. Chiều 30 Tết, người xông mang lễ vật đến đền hoặc nhà thờ họ để thắp hương, kính cáo tổ tiên về việc thực hiện nghi lễ xông đền, xông nhà thờ. Từ tối 30 Tết, họ hàng, làng xóm quây quần bên nhau tại nhà người được chọn xông đền, nhà thờ họ để chuẩn bị cho nghi lễ. Đúng 21h, sau hồi trống lệnh của làng, gia đình người xông Đền, xông nhà thờ họ bắt đầu mổ gà, đồ xôi và nấu chè...
Khoảng 23 giờ đêm Giao thừa, lễ rước tại làng Gạo bắt đầu với khoảng 20 đoàn rước. Đoàn rước xông Đền đi đầu, các đoàn rước khác phải chờ người xông Đền đi qua mới được xuất phát. Âm thanh rộn ràng của chiêng, trống, nhạc lễ hòa cùng ánh sáng lung linh từ những ngọn đuốc tạo nên bức tranh đêm Giao thừa vừa tưng bừng, vừa trang nghiêm, thiêng liêng. Các nghi thức tế Thánh, tế tổ diễn ra trang nghiêm, đậm bản sắc truyền thống. Sau khi tế lễ, người xông gửi lời chúc tốt đẹp đến mọi người, từ dân làng đến anh em, con cháu, mong sức khỏe, may mắn và thành công trong năm mới. Đây cũng là dịp để họ hàng, bạn bè quây quần, trò chuyện về những dự định, hy vọng cho tương lai. Sau lễ xông Đền, điện, nhà thờ, mọi người trở về xông nhà, thắp hương bàn thờ gia tiên, gửi lời chúc ông bà, cha mẹ sống lâu khỏe mạnh, con cháu ngoan ngoãn, giỏi giang.
Tục xông đền, xông nhà thờ không chỉ là nghi lễ tín ngưỡng mà còn là biểu tượng của tình đoàn kết, lòng biết ơn và niềm hy vọng vào tương lai tốt đẹp. Nét văn hóa này, qua bao năm tháng, vẫn trường tồn như một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân làng Gạo. Những năm gần đây, cộng đồng, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng các cấp đã nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị của phong tục. Nhiều hội nghị và hoạt động khảo sát đã được tổ chức để lập hồ sơ khoa học, đề nghị công nhận tục lệ là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm 2024, Bảo tàng tỉnh phối hợp cùng cộng đồng tổ chức hội nghị về việc lập hồ sơ khoa học cho tục lệ này. Đây là bước tiến quan trọng để tục “Xông Đền, xông điện, xông nhà thờ họ, xông gia đình” được vinh danh trong tương lai, góp phần khẳng định giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời của vùng đất Thành Lợi.
Bên cạnh các mỹ tục ngày Tết, huyện Vụ Bản có hơn 200 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có nhiều di tích được xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh. Vào mỗi dịp xuân về, tại các di tích, hàng chục lễ hội được tổ chức, trong đó có nhiều lễ hội quy mô lớn như: Hội chợ Viềng xuân, Lễ hội Phủ Dầy… Các lễ hội diễn ra trong không khí tưng bừng, náo nhiệt với nhiều nét đẹp văn hóa dân gian độc đáo. Không chỉ mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, các lễ hội và phong tục ngày xuân ở huyện Vụ Bản còn là cầu nối gắn kết cộng đồng, nơi lưu giữ và tái hiện những giá trị truyền thống lâu đời.
Qua mỗi hoạt động ngày xuân, các thế hệ trong gia đình và cộng đồng được dịp hội tụ, sẻ chia, cùng chung tay gìn giữ và trao truyền những nét văn hóa đặc trưng của quê hương. Những phong tục, lễ hội giàu bản sắc góp phần làm nên một bức tranh xuân tươi mới, là minh chứng sống động về vùng đất văn hiến Thiên Bản xưa - Vụ Bản nay.
Bài và ảnh: Viết Dư
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin