“Thần y” - Vở chèo thành công của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh

05:38, 15/11/2024

Sau thành công của nhiều vở diễn với kịch bản được phóng tác từ những câu truyện cười dân gian, tháng 9/2024, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh tiếp tục dàn dựng và tổ chức công diễn vở chèo “Thần y” (tác giả kịch bản: Nguyễn Sỹ Sang; đạo diễn: NSƯT Lê Thanh Tùng; âm nhạc: nhạc sĩ, NSƯT Đào Tuấn Hải; thiết kế mỹ thuật: họa sĩ, NSƯT Đậu Quang Anh; biên đạo múa: NSƯT Thanh Vân).

Một cảnh trong vở chèo Thần y.
Một cảnh trong vở chèo "Thần y".

Vở chèo “Thần y” với cốt truyện dân gian hài hước, dí dỏm, kể về nhân vật anh chàng Khóa Tài hỏng thi, có bản tính ham chơi ở một vùng nông thôn. Nhân có quan quân triều đình về làng để tìm lang y giỏi về kinh thành chữa bệnh hóc xương cho công chúa, cô thôn nữ tên Nhài - người yêu của Khóa Tài, liền “tương kế tựu kế” bịa ra chuyện Khóa Tài là thần y có biệt tài chữa bách bệnh, định bụng mượn tay quan quân “trị” cho anh Khóa Tài một trận chừa bệnh ham chơi. Nhưng câu chuyện đi xa hơn dự tính của Nhài khi quan vệ úy nghĩ Khóa Tài là lang y giỏi, liền sai lính canh đánh và trói đưa về kinh thành dù Khóa Tài đã nhiều lần thanh minh rằng anh không phải là thần y. Vào trong cung, Khóa Tài bỗng trở thành thầy lang bất đắc dĩ. Bằng sự quyền biến thông minh, chàng Khóa Tài đã chữa khỏi bệnh cho công chúa bằng cách sai người mang công chúa ra đánh, khiến xương trong miệng công chúa rơi ra. Biết được biệt tài chữa bệnh bằng đòn roi của Khoá Tài nên nhà vua đã nghĩ ra cách lệnh cho anh chữa trị những căn "bệnh" hách dịch, biếng nhác, chểnh mảng, “tham quyền cố vị” chỉ biết hưởng thụ mà bỏ bê việc triều chính của một số quan trong triều đình. Cũng bằng phương pháp điều trị ấy, chàng Khóa Tài đã giúp nhà vua chữa khỏi "bệnh" cho các quan lại trong triều. Các quan trong triều đã nhận ra được những lỗi lầm của mình để thay đổi, tiếp tục đóng góp công sức, hết lòng phục vụ triều đình. Có công giúp vua lập lại được kỷ cương triều chính, chàng thầy lang “rởm” được vua phong tặng danh hiệu “Thần y”, cho hưởng vinh hoa phú quý, trở về quê hương bản quán, đoàn tụ với người thương.

Thành công của vở chèo “Thần y” là tài năng diễn xuất của các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát; trong đó, có 2 diễn viên trẻ, tài năng đã đảm nhận các vai chính là: Đức Quyền (vai Khóa Tài), Thùy Linh (vai Nhài) kết hợp với những nghệ sĩ tên tuổi, giàu kinh nghiệm như: NSƯT Ngọc Hùng (vai nhà vua), Đức Thọ (vai Thái sư), Xuân La (vai Quan vệ úy), Thanh Hằng (vai Hoàng hậu), Lê Toàn (vai Nguyên soái), Trọng Ngời (vai Tể tướng), Văn Khánh (vai quan Ngự sử), Lệ Hằng (vai Công chúa)… cùng dàn diễn viên đảm nhận các vai phụ như: lính canh, hầu gái, các chàng trai, cô gái dân làng… Vở diễn đã đem đến nhiều cảm xúc và hấp dẫn khán giả. Các nghệ sĩ, diễn viên với khả năng làm chủ sân khấu, ngôn ngữ hình thể tốt, giọng ca truyền cảm đã lột tả rõ nét tính cách của từng nhân vật qua từng phân cảnh của vở diễn. Trong đó, NSƯT Ngọc Hùng trong vai nhà vua đã khắc họa rõ nét chân dung vị vua anh minh, lỗi lạc với đầy đủ đức, trí, nhân, tâm; nghệ sĩ Xuân La đã bộc lộ chân thực bộ mặt của một tên quan lười biếng, hống hách, “ăn không nên đọi, nói không nên lời”, thể hiện qua những cử chỉ và lời nói hài hước đã tạo tiếng cười sảng khoái cho khán giả. Nghệ sĩ trẻ Đức Quyền với gương mặt sáng đã thể hiện tốt nhân vật Khóa Tài đầy thông minh, lanh lợi với những hành động quyết đoán, trị bệnh cho các quan lại thiếu trách nhiệm trong các công việc triều chính nhưng vẫn ung dung hưởng bổng lộc triều đình; nghệ sĩ trẻ Thùy Linh với lối diễn nội tâm, thể hiện qua từng cung bậc cảm xúc đã cho người xem thấy được sự mộc mạc, giản dị của một cô thôn nữ… Thưởng thức vở diễn, người xem thấy được kết cấu câu chuyện rõ ràng, mạch lạc. Không tham nhiều chi tiết, đạo diễn NSƯT Lê Thanh Tùng đã xử lý kịch bản thuyết phục, phát huy đặc trưng của nghệ thuật chèo truyền thống, mang đậm bản sắc dân tộc, đó là sự lạc quan, ân ái, bình dị, tự hào dân tộc, hướng đến giá trị tư tưởng lành mạnh mang tính trữ tình, lãng mạn, anh hùng ca, thơ ca giáo huấn…

NSƯT Diệu Hằng, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh cho biết: “Vở chèo “Thần y” có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, phản ánh chân thực bức tranh toàn cảnh mang tính châm biếm, đả kích, phê phán nhẹ nhàng những thói hư tật xấu của những người giữ chức vụ cao trong triều đình. Nhờ có thần y mà các quan chữa khỏi những thói hư tật xấu, dốc lòng phục vụ cho dân, cho nước. Vở diễn còn ca ngợi sự sáng suốt, liêm chính của người đứng đầu triều đình là nhà vua biết trọng dụng hiền tài, luôn vì nước, vì dân, hướng tới cuộc sống tốt đẹp nhất cho muôn dân trăm họ. Đây là vở diễn được tập thể nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công tập luyện, dàn dựng trong nhiều tháng theo kế hoạch công tác năm của Nhà hát để biểu diễn phục vụ các nhiệm vụ chính trị và nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân, tạo dư luận xã hội tích cực”.

Với thời lượng 120 phút, vở chèo “Thần y” đã mang đến cho khán giả tại hội trường Nhà Văn hóa 3-2 tỉnh những tiếng cười bổ ích, chân thực, khách quan, phản ánh đúng căn bệnh giả tạo của tầng lớp vua chúa, quan lại trong triều đình phong kiến xưa với bản tính: hách dịch, cửa quyền, tham lam, đố kị, thích uy hiếp dân lành. Vở chèo “Thần y” là câu truyện đề tài dân gian nhưng vẫn mang hơi thở của thời đại. Đằng sau cốt truyện giản dị là những vấn đề rất thời sự, mang tính giáo dục cao trong đời sống xã hội hôm nay khi đồng tiền đang chi phối, làm suy thoái giá trị đạo đức con người và công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực đang được triển khai quyết liệt. Không “đao to búa lớn”, không nói những câu chuyện viển vông, xa vời mang tính triết lý quá cao siêu, với nội dung đơn giản nhưng qua bàn tay của đạo diễn NSƯT Lê Thanh Tùng và sự tham gia diễn xuất nhập vai của các nghệ sĩ, diễn viên chèo Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh kết hợp âm thanh, ánh sáng, mỹ thuật trên sân khấu, vở diễn đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người xem. Chị Nguyễn Thị Thanh, 55 tuổi, ở phường Năng Tĩnh chia sẻ: “Khi Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh tổ chức công diễn vở chèo mới, tôi cùng các thành viên trong gia đình tranh thủ đến xem. Tôi thấy đây là vở diễn hay, diễn viên diễn rất đạt, nhất là các phân cảnh thần y Khóa Tài chữa bệnh hóc xương cho công chúa bằng roi và trừng trị tên quan vệ úy hống hách cũng bằng “phương thuốc thần kỳ” ấy. Tôi hy vọng sẽ có nhiều những buổi biểu diễn nghệ thuật dân gian như thế này để người dân được thưởng thức”.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, vở chèo “Thần y” là tác phẩm nghệ thuật được Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh đầu tư kỹ lưỡng từ lựa chọn kịch bản, dàn dựng vở diễn đến xử lý nghệ thuật, thiết kế sân khấu, âm thanh, ánh sáng, biên đạo múa, trang phục và hóa trang. Tất cả đều mang đậm giá trị của loại hình ca kịch truyền thống, minh họa cụ thể cho từng bối cảnh của câu truyện, qua đó đã truyền tải nội dung của vở diễn đến với người xem một cách sâu sắc, gần gũi, góp phần tạo nên thành công chung của cả vở diễn.

Bài và ảnh: Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com