Sẽ khó hình dung ở mỗi xóm, phường, đường phố, công viên nếu không có bóng dáng hoa. Sẽ giảm đi nhiều sự rộn ràng, háo hức trong mỗi dịp tết đến, xuân về, nếu từng nhà, từng cộng đồng vắng cây đào, cây quất hoặc cây mai.
Đã thành thông lệ, vào dịp kỷ niệm Ngày Truyền thống ngành Văn hoá hằng năm (28.8), Bộ VHTTDL thông báo không tổ chức đón tiếp khách, không nhận hoa. |
1. Cuộc đời đẹp thêm nhờ sắc màu hoa
Và mỗi dịp mừng công hoặc kỷ niệm một dấu mốc của cơ quan, đơn vị, địa phương… vắng các lẵng hoa trên sân khấu. Dưới góc độ đó, có nhà văn hóa nhận xét rằng, hoa như hơi thở, khí trời đối với sự sống con người. Đề cao phẩm chất đẹp của con người đang cải tạo và làm giàu đất đai, các bậc tiền nhân cho rằng “Người là hoa của đất”. Còn các mẹ, các chị, các em khuya sớm tảo tần, lo việc nước, việc nhà cùng lúc vẹn toàn, thì xã hội trân trọng tôn vinh họ là NHỮNG BÔNG HOA! Trong đối ngoại, khi đón một đoàn lãnh đạo của một nước đến thăm, ngay khi bước xuống sân bay, chúng ta tặng đoàn bạn những bó hoa tươi thắm, thể hiện tình yêu hòa bình, hữu nghị của dân tộc Việt Nam.
Có một nhà văn hóa quốc tế sau khi đến thăm các danh lam thắng cảnh, nhất là khi được ngắm các vườn hoa, các cánh đồng hoa ở nhiều địa phương, đã thốt lên rằng: Việt Nam là đất nước của nhiều loài hoa đẹp; sự thân thiện của người Việt Nam khi tiếp xúc làm du khách cảm thấy như được đón nhận sự dịu mát của hoa! Nhiều người ngạc nhiên khi nhà văn hóa ấy kể vanh vách những đặc điểm và ý nghĩa của từng loài hoa phổ biến ở nước ta: Hoa Hồng được coi là biểu tượng của tình yêu và lãng mạn, thể hiện tình yêu chân thành và đam mê; Hoa Cẩm tú cầu được coi là biểu tượng của tình yêu vĩnh cửu và trung thành, thể hiện tình yêu mạnh mẽ và sự đoàn kết; Hoa Ngọc lan tây thể hiện sự trong trắng và thuần khiết trong tình yêu; Hoa Huệ có nhiều màu sắc và mỗi màu có ý nghĩa khác nhau, như hoa huệ trắng thể hiện sự trong sáng và thuần khiết; hoa huệ hồng thể hiện sự ngọt ngào và lãng mạn; Hoa Tulip có ý nghĩa của tình yêu chân thành và lòng tin; Hoa Hướng dương biểu trưng cho sự lạc quan, thể hiện tinh thần vươn lên, tự tin và sự tự hào; Hoa Sen mang ý nghĩa của sự thanh tịnh và tinh khiết, biểu trưng cho sự trường thọ, trưởng thành; Hoa Violet mang ý nghĩa của sự khiêm tốn và tình yêu thầm kín; Hoa Phong lan biểu trưng cho sự quý phái, kiêu hãnh và tinh tế; Hoa Lan hồ điệp thể hiện sự kiên nhẫn và sự kiên trì trong cuộc sống, v.v và v.v…
2. Mừng vui xen lẫn băn khoăn
Như phần trên đã khẳng định, cuộc sống thường nhật không thể thiếu vắng hoa. Song, một sự vật bao giờ cũng có hai mặt: Mặt được và mặt chưa được.
Tôi đã đọc kỹ bài Giá trị đích thực của Phạm Vũ đăng trên Báo Tuổi Trẻ ngày 20.10.2024 vừa qua và đồng cảm rất nhiều khía cạnh của bài báo này: “Ngày 20.10, đến hẹn lại lên là tin thị trường hoa tăng giá, quà nhộn nhịp; là những tranh luận trên mạng xã hội về việc tại sao và nên hay không tặng hoa, tặng quà cho phụ nữ vào ngày này... Và năm nay, có thêm một chuyện mới, đó là một tin nhắn lên trên mạng: “Cô giáo thật lòng mong phụ huynh đừng bận tâm chi ngày này. Chúng ta hãy cùng vui vẻ để cuộc sống bớt áp lực, lo lắng…”.
Tác giả phân tích có sức thuyết phục trước một hiện tượng có tính phổ biến hiện nay: “Một cô giáo nhắn vậy vì có một thực tế: Nhiều hội phụ huynh kêu gọi đóng tiền mua quà 20.10 tặng cô giáo; có lớp còn mua quà tặng tất cả các bạn nữ. Kinh tế khó khăn, thêm một khoản thu là thêm một phần áp lực. Một bó hoa, một món quà khi đó người được nhận không thấy vui, người tặng thì hoan hỉ, mà cả hai đều nặng lòng - bên áy náy, bên lo âu. Và phía sẽ bị tổn thương trước tiên chính là ý nghĩa của 20.10”.
Tác giả nhấn mạnh, “một bông hoa hay một bó hoa, một món quà nhỏ hay lớn, vui lắm chứ và còn cần thiết nữa để biết mình được quan tâm, được quý trọng, được yêu thương. Nhưng sẽ vui hơn, nếu đó là dành cho riêng mình trong một ngày đáng nhớ, một dịp kỷ niệm mang tính cá nhân. Thật là khó vui khi nhận một bó hoa mà mình vừa nhìn thấy được bó hàng loạt, đặt đầy trên các sạp dọc đường, buổi sáng giá tăng gấp ba, buổi chiều giá giảm một nửa. Cũng thật khó vui khi những thông điệp, lời chúc cũng được soạn hàng loạt, giống hệt nhau, chia sẻ đầy trên mạng. Và càng khó vui hơn, khi sau ngày hôm đó, những phân biệt đối xử bất bình đẳng giới lại tiếp tục xảy ra như chưa từng có ngày 20.10 hay 8.3”.
Song, đây chỉ mới đề cập một ngày hội của giới đẹp được cả xã hội trân trọng, tôn vinh. Còn vế nữa cần được đề cập là “nỗi khổ” của những người được tặng hoa. Hoa để chật phòng, tràn ra cả lối đi và ban công! Lúc hoa tàn thì chủ nhân và chị lao công ở công ty môi trường nai lưng dọn dẹp. Thử hỏi: Ngoài hoa bỏ đi, còn bao nhiêu thanh tre, củi, nứa làm khung cho những lẵng hoa đồ sộ, nhất là ở các lễ kỷ niệm, mừng công ở nhiều ban, ngành, đơn vị? Vậy là vô tình hay hữu ý, tự ta đã gây ra sự lãng phí và sự ô nhiễm môi trường! Tôi nhớ cách đây gần hai thập niên, thấy rõ điều bất cập ấy, cơ quan chức năng của Đảng, Nhà nước đã có văn bản hướng dẫn cách sử dụng lẵng hoa trong các sự kiện hiếu, hỷ. Ngoài các đồng chí lãnh đạo cao cấp không đến dự được, thì gửi lẵng hoa, còn các đối tượng đến dự thì không. Nhưng chỉ được thời gian rất ngắn, lại “đâu vào đấy”, hiện tượng “tràn ngập hoa” khi diễn ra các sự kiện đã nêu, càng tăng lên so với trước đây. Riêng ở một số đám hiếu hiện nay, ở Trung ương cũng như ở một số địa phương, vẫn duy trì thực hiện như quy định trước đây là: Người đến viếng không đem vòng hoa, mà chỉ mang băng ghi tên cơ quan viếng; còn ban tổ chức tang lễ làm sẵn một số vòng hoa, đủ để phục vụ các đoàn đến viếng. Dư luận hoan nghênh một chủ trương hợp lòng dân, thể hiện lối sống tiết kiệm nhưng rất văn minh.
Từ thực tiễn nêu trên, rất mong các cơ quan chức năng, nhất là ngành Văn hóa cần nghiên cứu tổng kết một chủ trương tiết kiệm, chống lãng phí trong đám hiếu, đám hỷ đã được ban hành cách đây nhiều năm, nhằm góp sức tích cực thực hiện chủ trương chống lãng phí mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã chỉ ra trong bài viết ngày 16.10.2024 vừa qua, trong đó có trích dẫn lời Bác Hồ: “Tham ô có hại nhưng lãng phí có khi còn hại rất nhiều. Nó tai hại hơn tham ô vì lãng phí rất phổ biến” (Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H. Tập 4, trang 345). Còn văn kiện Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Tham nhũng, lãng phí… vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp... ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội” (Văn kiện Đại hội XIII, Sđd, H., 2021, Tập 1, trang 92-93).
Dư luận mong muốn, đã đến lúc các cơ quan có trách nhiệm cần có những chủ trương quyết liệt, mang tính bứt phá để ý Đảng hợp lòng Dân.
Hà Nội ngày 22.10.2024
PGS.TS NGUYỄN HỒNG VINH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin