Nhân Ngày Sân khấu Việt Nam (12/8 âm lịch): Nâng cao giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp Nam Định

08:12, 13/09/2024

Hệ giá trị của nghệ thuật sân khấu Việt Nam hiện nay theo định hướng của Đảng và Nhà nước là sáng tạo một nền sân khấu thời kỳ đổi mới “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” nhằm “xây dựng nền văn hóa, con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến giá trị chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học”. Thực hiện định hướng này trong bối cảnh bùng nổ cạnh tranh của các loại hình nghệ thuật, giải trí hiện đại với sự giúp sức của phương tiện truyền thông, nghe nhìn công nghệ mới, để nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp (SKCN) giữ vững vị trí trong lòng khán giả, đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên Nam Định luôn nỗ lực không ngừng trong lao động sáng tạo nghệ thuật, nâng cao giá trị thẩm mỹ của các tác phẩm, đầu tư đồng bộ cho nội dung, diễn xuất, biên đạo, âm nhạc, mỹ thuật…

Một cảnh trong vở diễn “Điều còn lại” của Đoàn Kịch nói Nam Định đoạt 1 HCV, 2 HCB và 2 Giải diễn viên Xuất sắc tại Liên hoan Kịch nói toàn quốc năm 2024.
Một cảnh trong vở diễn “Điều còn lại” của Đoàn Kịch nói Nam Định đoạt 1 HCV, 2 HCB và 2 Giải diễn viên Xuất sắc tại Liên hoan Kịch nói toàn quốc năm 2024.

Lịch sử SKCN Nam Định là hành trình nghệ thuật phục vụ sự nghiệp cách mạng, phục vụ nhân dân; là quá trình tiếp nhận những giá trị, phong cách nghệ thuật mới để hiện đại hóa nền sân khấu truyền thống nhằm phù hợp với xu thế thị hiếu thẩm mỹ mới của công chúng, thời đại; đồng thời gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của mảnh đất và con người quê hương Nam Định. Các thế hệ nghệ sĩ, diễn viên của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp Nam Định: Chèo, Cải lương, Kịch nói từ khi thành lập đến nay, luôn kiên trì sưu tầm, nghiên cứu vốn dân ca, dân vũ, kịch mục truyền thống để bảo tồn, lưu giữ và làm chất liệu cho các tác phẩm nghệ thuật đương đại. 

Sau hơn 60 năm thành lập và phát triển, Đoàn Chèo Nam Định đã khôi phục, dàn dựng nhiều trích đoạn chèo cổ; nghiên cứu, bảo tồn nhiều chương trình hát chèo và làn điệu dân ca vùng đồng bằng Bắc Bộ. Với tài năng diễn xuất, dàn dựng sân khấu, những tác phẩm đặc sắc của Đoàn Chèo Nam Định không chỉ tạo ấn tượng trong lòng những khán giả yêu nghệ thuật kịch hát dân tộc mà còn được bạn bè đồng nghiệp, các nhà quản lý, giới chuyên môn cả nước đánh giá cao. Đoàn Chèo Nam Định đã xây dựng được dàn kịch mục phong phú, chọn những trích đoạn, vở diễn kinh điển và hiện đại kết hợp các chương trình ca - múa - nhạc, hát Văn, trống hội để biểu diễn vào các dịp lễ, tết phục vụ nhân dân trong và ngoài tỉnh. Đoàn Chèo Nam Định còn góp mặt biểu diễn nhiều chương trình nghệ thuật phục vụ các sự kiện văn hóa, chính trị của tỉnh và toàn quốc.

Đối với Đoàn Cải lương Nam Định, với định hướng bảo tồn, phát huy vốn cải lương cổ bằng việc tiếp tục rèn luyện đội ngũ, đào tạo các thế hệ diễn viên kế cận; nâng cao chất lượng nghệ thuật các tác phẩm, chương trình phục vụ công chúng; mở rộng địa bàn biểu diễn, tranh thủ tìm đất diễn ở những vùng bà con còn thiếu các phương tiện giải trí hiện đại tại vùng miền núi phía Bắc. Đoàn đã nỗ lực đổi mới, dàn dựng thêm các chương trình ca nhạc kết hợp với vở diễn có chất lượng để thu hút khán giả trẻ tuổi.

 Khác với kịch hát truyền thống (chèo, cải lương) sử dụng âm nhạc và ca điệu, với đặc thù của loại hình nghệ thuật kịch nói, thoại kịch, Đoàn Kịch nói Nam Định luôn “xung kích” trong mảng đề tài hiện đại, tập trung khai thác các vấn đề nóng của đời sống xã hội, được cộng đồng quan tâm. Bên cạnh những vở chính kịch mang đậm giá trị nghệ thuật có tính chính trị, định hướng giáo dục cao, Đoàn Kịch nói Nam Định nỗ lực đổi mới đầu tư sáng tác kịch bản, dàn dựng nhiều vở diễn sinh động, đa phong cách để làm tươi mới không gian thưởng thức nghệ thuật của công chúng, đáp ứng nhu cầu thị hiếu thẩm mỹ và thu hút khán giả.

Thành công của các đoàn nghệ thuật thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh tại các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật sân khấu chèo, cải lương, kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc trong nhiều năm qua đã phản ánh kết quả quá trình lao động nghệ thuật nghiêm túc, tâm huyết của tập thể nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công Nam Định từ khả năng diễn xuất đến đạo diễn, chỉ đạo nội dung, dàn dựng sân khấu, sáng tác kịch mục… Không ngừng nâng cao giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật SKCN đáp ứng tình hình mới, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh luôn chú trọng công tác “trẻ hóa” đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên; tích cực phối hợp với các đơn vị nghệ thuật Trung ương, Trường Cao đẳng Văn hoá, Nghệ thuật và Du lịch Nam Định, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao các huyện, thành phố Nam Định tuyển chọn, đào tạo diễn viên; đồng thời tạo điều kiện cho lớp diễn viên trẻ có cơ hội tham gia các hội thi, hội diễn SKCN; cử các nghệ sĩ có kinh nghiệm về các địa phương giảng dạy, hướng dẫn hát, diễn xuất cho các hạt nhân văn nghệ tại cơ sở để xây dựng đội ngũ kế cận. Bên cạnh việc xây dựng nhiều trích đoạn, vở diễn tái hiện những câu chuyện, sự kiện, nhân vật lịch sử, các đoàn nghệ thuật của Nhà hát đã cố gắng đưa đề tài xã hội đương đại vào sân khấu chuyên nghiệp với những tác phẩm mang tính giáo dục cao, phù hợp với yêu cầu và xu hướng thưởng thức nghệ thuật mới. Hiện nay, Nhà hát đang tập trung cho mục tiêu mở rộng đối tượng người xem, nhất là khán giả trẻ để nâng cao hiểu biết kiến thức về lịch sử và đời sống xã hội thông qua các tác phẩm có giá trị nghệ thuật, tư tưởng nhân văn. Nhiều tác phẩm sân khấu mới có chất lượng cả về nội dung tư tưởng và nghệ thuật được công chúng đón nhận như các vở: “Bản tình ca viết dở”, “Hải âu trắng”, “Đợi đến bao giờ” (Kịch nói); “Bến nước Ngũ Bồ”, “Huyền Trân Công chúa”, “Oan tình Lệ Chi Viên”, “Nàng Công chúa nhà Trần” (Cải lương); “Không phải là vụ án”, “Gò đống mối”, “Thánh Mẫu”, “Ông Trạng kỳ tài” (Chèo)... Nhiều tác giả, đạo diễn, diễn viên có nhiều tác phẩm, công trình nghệ thuật được thu, phát sóng trên các kênh sóng phát thanh, truyền hình Trung ương, địa phương và nhận được nhiều giải thưởng cao trong các cuộc thi, hội diễn sáng tác, biểu diễn nghệ thuật do Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, các cơ quan của Trung ương, của tỉnh phát động, tổ chức. Các nghệ sĩ là hội viên Bộ môn Sân khấu (Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh) hoạt động tích cực trên các lĩnh vực nghệ thuật: sáng tác kịch bản, đạo diễn sân khấu, diễn viên, nhạc công; thường xuyên tham gia các trại sáng tác văn học, nghệ thuật. Hàng năm, Bộ môn Sân khấu phối hợp với Chi hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam mời nhiều diễn giả sân khấu tài năng tập huấn, trao đổi về nghệ thuật sân khấu Việt Nam và trên thế giới; trao đổi, tọa đàm về các kịch bản, vai diễn của hội viên, góp phần để nâng cao chất lượng tác phẩm biểu diễn.

Trong xu thế xã hội hiện đại với thị hiếu của công chúng ngày càng cao và đa dạng, nghệ thuật sân khấu truyền thống đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Việc nâng cao giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật SKCN cần được quan tâm, đầu tư từ khâu sáng tác các tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao đến đổi mới, sáng tạo trong cách thức biểu diễn, nâng cao chất lượng vở diễn; đẩy mạnh xã hội hóa tìm kiếm nguồn lực đầu tư cho kịch bản hay cũng như chất lượng dàn dựng, biểu diễn. Để SKCN ngày càng phát triển đáp ứng yêu cầu mới, thời gian tới, Sở VH, TT và DL tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý ngành nghệ thuật SKCN, có trình độ cao trong công tác quản lý Nhà nước, quản lý sự nghiệp, vận dụng linh hoạt các chủ trương, đường lối của Đảng vào thực tiễn sáng tạo của văn nghệ sĩ, khơi dậy khát vọng cho văn nghệ sĩ sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị lớn về tư tưởng và nghệ thuật. Xây dựng kế hoạch đào tạo để văn nghệ sĩ nhận thức, thấm nhuần sâu sắc về đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng, về những nội dung: khoa học, dân tộc, đại chúng, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, về cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, về xã hội hóa sân khấu và sân khấu tự chủ..., đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Chăm lo đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ diễn viên trẻ tài năng, có trình độ, năng lực chuyên môn; chú trọng đầu tư các trích đoạn, vở diễn, chương trình nghệ thuật có chất lượng chiều sâu để biểu diễn phục vụ các sự kiện chính trị, văn hóa, lễ hội, sân khấu học đường, góp phần định hướng cho khán giả về giá trị “chân, thiện, mỹ” từ những tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao. Phát huy khả năng sáng tạo của đội ngũ sáng tác, dàn dựng, biểu diễn để có những tác phẩm nghệ thuật sân khấu có giá trị đỉnh cao, hoàn thành sứ mệnh, trách nhiệm của người nghệ sĩ góp phần xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Bài và ảnh: Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com