Trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu, huyện Nam Trực đã quan tâm bố trí nguồn lực và huy động sự tham gia tích cực của nhân dân nhằm nâng cao chất lượng các tiêu chí văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Qua đó, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.
Bơi chải tại xã Hồng Quang. |
Tạo “cốt” mới - giữ “hồn” xưa
Về xã Nam Tiến, chúng tôi ngỡ ngàng trước một vùng quê đang chuyển mình mạnh mẽ với những con đường bê tông rộng rãi, những hàng cây xanh mát tỏa bóng; các công trình nhà văn hóa thôn, xóm khang trang thu hút đông đảo người dân đến sinh hoạt, luyện tập văn nghệ, TDTT... Đồng chí Đỗ Minh Thuyên, Chủ tịch UBND xã Nam Tiến cho biết: Triển khai chương trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, xã đã huy động các nguồn lực nâng cấp cơ sở hạ tầng gắn với gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống. Đảng ủy xã đã chỉ đạo các chi bộ, tổ chức đoàn thể, nhất là các đồng chí bí thư chi bộ, trưởng xóm đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân đoàn kết, tạo nên sức mạnh nội lực để từng bước thực hiện thành công các tiêu chí. Xã có 8 di tích đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa, trong đó đền Đồng Quỹ là di tích văn hóa - lịch sử cấp quốc gia. Để bảo tồn, phát huy giá trị các di tích, những năm qua, Ban quản lý di tích xã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh… triển khai các hoạt động bảo vệ, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa. Cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong xã đã tích cực thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức việc cưới, việc tang, lễ mừng thọ và lễ hội dân gian truyền thống. Đến nay, 12 xóm đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa, trên 92% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa.
Trong xây dựng NTM kiểu mẫu, xã Hồng Quang lựa chọn tiêu chí nổi trội là văn hóa. Để bảo tồn di sản văn hóa, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, từ đó động viên các tầng lớp nhân dân tham gia chung tay giữ gìn và phát huy giá trị các di tích. Xã đã huy động kinh phí hàng chục tỷ đồng cùng hàng nghìn ngày công lao động của nhân dân cho công tác trùng tu, tôn tạo, sửa chữa di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia đền Xám và các di tích cấp tỉnh gồm: Đền thờ Trạng nguyên Trần Văn Bảo; đền, chùa, miếu làng Rạch; đền Thị, đền, chùa Mộng Lương; đền, chùa Lạc Na. Bên cạnh các di sản văn hóa vật thể, xã khôi phục và duy trì nhiều lễ hội truyền thống với quy mô lớn như: Lễ hội đền Xám, lễ hội đền, chùa, miếu thôn Rạch; lễ hội đền Lạc Na, đền Thị... Trong công tác bảo tồn các môn nghệ thuật, thể thao truyền thống, xã quan tâm đầu tư, tạo điều kiện để nghệ thuật rối nước phát triển. Xã đã lập tờ trình các cấp có thẩm quyền và được Quỹ Ford tài trợ tổ chức mở lớp đào tạo 50 diễn viên trẻ kế cận cho phường rối và các hạt nhân tại các câu lạc bộ hát chèo, hát văn. Năm 2023, xã đầu tư xây dựng và nâng cấp thuỷ đình múa rối nước với kinh phí trên 300 triệu đồng. Đặc biệt, các thiết chế văn hóa ở xã Hồng Quang phát huy hiệu quả hoạt động, trở thành địa chỉ quen thuộc sinh hoạt cộng đồng của người dân. Năm 2022, từ nguồn vốn xã hội hóa, toàn xã có 14/14 thôn, xóm lắp đặt các dụng cụ TDTT ngoài trời tại các địa điểm công cộng với tổng kinh phí 381 triệu đồng. Hiện nay, 14 cơ sở thôn xóm có 11 đội văn nghệ quần chúng, thường xuyên tổ chức văn nghệ tại các buổi sinh hoạt thôn, xóm và các ban, ngành, đoàn thể. Diện mạo NTM ngày càng khởi sắc, Hồng Quang đã và đang khẳng định vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự đồng thuận của nhân dân trong việc phát huy giá trị truyền thống và sức mạnh đoàn kết, cách làm sáng tạo, phát huy được tiềm năng thế mạnh của địa phương. Năm 2023, xã Hồng Quang được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu nổi trội về lĩnh vực văn hóa.
Quyết tâm, quyết liệt, quyết làm
Xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và không có điểm dừng, những năm qua, huyện Nam Trực tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu với mục tiêu trở thành huyện NTM nâng cao năm 2024; với những bước đi cụ thể, cách làm sáng tạo, hiệu quả. Đồng chí Lưu Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trực cho biết: “Trong quá trình thực hiện xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, cấp ủy, chính quyền huyện đã quyết tâm, quyết liệt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, từ đó phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân cùng vào cuộc một cách tích cực, hiệu quả. Huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai hoàn thiện, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt chuẩn NTM để đảm bảo NTM luôn bền vững và phát triển; gắn kết quả xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu với trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị đồng thời huy động tối đa các nguồn lực để xây dựng với lộ trình hợp lý, bước đi vững chắc, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương”.
Triển khai xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, huyện Nam Trực xác định vai trò quan trọng của văn hóa với các nội dung như: “Xây dựng khu dân cư văn hóa NTM”; “Nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững gắn với phát triển du lịch nông thôn”; “Nâng cao chất lượng môi trường; xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn; giữ gìn và khôi phục cảnh quan truyền thống của nông thôn”… Theo đó, để giữ gìn cảnh quan môi trường làng quê, UBND các xã, thị trấn đã tích cực chỉ đạo các thôn, xóm, tổ chức đoàn thể trồng nhiều tuyến đường cây, đường hoa, lắp đặt điện chiếu sáng góp phần tạo cảnh quan “sáng - xanh - sạch - đẹp”. Tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều thành lập tổ thu gom rác thải tại các thôn, xóm. Các hộ dân đã thực hiện việc phân loại rác thải tại nguồn góp phần từng bước giải quyết triệt để rác thải sinh hoạt tại các khu dân cư. Bên cạnh đó, huyện đã triển khai xây dựng mô hình nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt theo quy mô tập trung tại thị trấn Nam Giang với nguồn đầu tư xã hội hóa của doanh nghiệp. Tại một số làng nghề Đồng Côi, Vân Chàng (thị trấn Nam Giang) đã có những giải pháp đầu tư hạ tầng xây dựng hệ thống thu gom, trạm xử lý nước thải tập trung hoàn chỉnh để bảo vệ môi trường. Làng nghề tái chế nhôm Bình Yên (Nam Thanh) đã được đầu tư xây dựng hệ thống cống thu gom và Trạm xử lý nước thải tập trung công suất 500m3/ngày đêm. Công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở gắn với xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu được nhân dân hưởng ứng và tham gia tích cực; công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, bảo tồn di sản được đẩy mạnh. Toàn huyện hiện có 88,7% gia đình văn hóa; 93,7% thôn, xóm, tổ dân phố được công nhận thôn, xóm, tổ dân phố văn hóa lần đầu. Huyện có 70 di tích được xếp hạng, trong đó 14 di tích quốc gia, 56 di tích cấp tỉnh.
Các địa phương trong huyện đã huy động các nguồn lực, vận động sự đóng góp từ sức dân để đầu tư trùng tu, tôn tạo, bảo vệ hệ thống di tích, di sản. Từ năm 2020 đến nay, huyện Nam Trực đã huy động các nguồn vốn hợp pháp đầu tư xây dựng, tu bổ nhiều di tích. Việc huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống thiết chế thể thao ở Nam Trực được các cấp ủy đảng, chính quyền trong huyện quan tâm đẩy mạnh. Hiện nay, 10 xã, thị trấn trong huyện có khu thể thao trung tâm, trên 130 thôn, xóm, tổ dân phố có sân thể thao. Các địa phương đã xây dựng và thực hiện tốt quy chế hoạt động, tổ chức khai thác, phát huy hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa thể thao. Đến nay, huyện có khoảng 950 CLB, đội văn hóa, nghệ thuật, TDTT, trong đó có trên 500 CLB văn thể của các ngành, đoàn thể; hơn 200 CLB TDTT cơ sở thôn, xóm, tổ dân phố.
Nỗ lực lưu giữ “hồn quê” trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu ở Nam Trực đã góp phần gìn giữ những giá trị văn hóa của cha ông, giáo dục văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ. Thời gian tới, huyện tiếp tục huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân để hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu gắn với quá trình đô thị hóa nông thôn. Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT, phát huy hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa. Tăng cường quản lý, bảo tồn di tích, di sản; kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, tạo thành sức mạnh nội sinh, động lực để phát triển bền vững.
Bài và ảnh: Viết Dư
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin