Trên đường đi công tác trở về, trong bóng chiều chập choạng, Mai bất chợt nhìn thấy dải khói màu lam sẫm vấn vít bay lên từ một mái rạ thâm nâu. Giữa những ngôi nhà khang trang, kiên cố của vùng quê biển trù phú, hình ảnh giản dị mà thân thương đó bỗng ám ảnh cô suốt chặng đường về.
Ảnh minh họa. |
Quê Mai là vùng đồng chiêm, ông bà bố mẹ cô cả đời gắn bó với ruộng đồng, nên mái rạ là một phần hồn quê đằm sâu, đi cùng cô qua bao năm tháng. Một năm hai vụ lúa, khi thóc đã khô săn, ngủ im trong bồ, người dân quê Mai lại tất bật dựng cây rơm, xếp rạ thành từng bó ngay ngắn trên chiếc sàn bắc bằng những đoạn luồng trong gian bếp nhỏ. Rơm rạ ngày xưa được dùng thường xuyên trong đời sống hàng ngày. Rơm nếp bện chổi; rơm khô để đun bếp, lót dạ cho trâu bò những ngày đông giá; rơm rạ ủ hoai mục mẹ bón cho cây cối trong vườn… Cứ mấy năm, bố lại để dành rơm rạ lợp lại mái nhà, mái bếp. Mỗi lần như vậy, các chú hàng xóm đều xúm vào giúp đỡ mà cũng phải mất cả tuần mới xong. Nhà mái rạ đơn sơ, hiền hậu, gần gũi như người quê. Bao tháng năm, mái rạ bình yên chở che gia đình Mai qua mưa nắng, bão giông. Những sáng hè trong trẻo, Mai ngồi bên thềm nhà hóng gió, nghe ríu rít bầy chim sẻ cãi nhau ỏm tỏi trên mái rạ thơm nức mùi nắng, tranh nhau mấy hạt thóc còn sót lại. Những ngày tháng bảy gió heo may, chuồn chuồn bay rợp trời báo hiệu bão về, bố mẹ lại tất bật bắc thang chằng buộc dây, gia cố mái nhà vì lo tốc mái. Có những mùa đông rét mướt, mưa phùn gió bấc kéo dài cả tháng, mái rạ ướt sũng, ngái nồng mùi ẩm mốc. Mấy chị em Mai bị bó chân trong nhà, không được đi chơi. Ngồi bên khung cửa sổ, vừa ăn mẻ ngô giòn rụm thơm phức bà rang, cô vừa thương chim sẻ mẹ đang miệt mài bay đi bay lại, tha từng cọng rơm khô về lót ổ cho con. Rồi nắng bừng lên rạng rỡ, hong khô mái rạ rực vàng. Bọn trẻ con sung sướng chạy ào ra sân ra ngõ nhảy nhót vui đùa. Mái nhà lại ríu ran từng bầy chim sẻ bay về. Mái bếp lại vấn vít những dải khói lam thơm lừng mùi cá kho, canh chua mẹ nấu.
Chị em Mai lớn lên, rời xa tổ ấm, xa mái rạ hồn quê bao năm gắn bó. Cuộc sống đổi thay, quê nhà thưa vắng dần rồi mất hẳn những mái rạ hiền hòa, thân thương. Những cây rơm vàng chẳng còn được dựng lên sau mỗi mùa gặt hái. Trên chặng đường mưu sinh, mỗi lúc tình cờ bắt gặp mái rạ đơn sơ hiện hữu giữa khung cảnh nông thôn ngày càng đổi mới hiện đại, lòng cô bỗng rưng rưng một nỗi niềm khó tả. Như thấy lại cả tuổi thơ trong trẻo hồn nhiên, như được đằm sâu với bao kỷ niệm nơi quê nhà nghèo khó mà thấm đậm nghĩa tình.
Lam Hồng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin