Xây dựng văn hóa học đường có vai trò quan trọng trong việc giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống và ý thức công dân cho học sinh. Thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục (CSGD) triển khai nhiều giải pháp xây dựng môi trường văn hóa trong trường học, góp phần nâng cao chất lượng GD và ĐT.
Hoạt động ngoài trời của trẻ tại Trường Mầm non xã Hiển Khánh (Vụ Bản). |
Sở GD và ĐT chỉ đạo các nhà trường thực hiện xây dựng “Trường học xanh - sạch - đẹp - an toàn”, “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Trường học hạnh phúc”; xây dựng và thực hiện hiệu quả bộ quy tắc ứng xử trong trường học; chú trọng giáo dục đạo đức, ứng xử của học sinh trong các mối quan hệ với thầy cô, bạn bè, gia đình và xã hội; thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh về xây dựng môi trường văn hóa học đường, đưa vào chương trình các môn học, hoạt động ngoại khóa tại các trường học.
Đối với cán bộ, giáo viên, Sở GD và ĐT ban hành kế hoạch triển khai phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hoá công sở” giai đoạn 2019-2025 trong toàn ngành. Chỉ đạo, hướng dẫn các CSGD xây dựng quy chế văn hoá công sở; tổ chức ký cam kết thực hiện các nội dung thi đua về xây dựng văn hóa công sở, đặc biệt là thực hiện chuẩn mực trong giao tiếp, ứng xử; thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện chuẩn mực về đạo đức, lối sống; trang phục gọn gàng, sạch sẽ, lịch sự, phù hợp với tính chất công việc. Việc thực hiện phong trào tại các trường học diễn ra với nhiều hình thức, nội dung phong phú; các thầy, cô giáo luôn phấn đấu làm gương để học sinh học tập và noi theo. Đến nay, hầu hết các CSGD đã xây dựng quy tắc ứng xử trong trường học, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị về văn hoá công sở.
Các nhà trường tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; trong đó chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tạo điều kiện cho cán bộ, đảng viên nghiên cứu, học tập chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và gương mẫu thực hiện. Các thầy, cô giáo không ngừng rèn luyện, tu dưỡng theo các chuẩn mực của phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”.
Bên cạnh việc thực hiện chương trình các môn học, các trường chú trọng giáo dục lịch sử, truyền thống của đất nước, quê hương cho học sinh với nhiều cách làm hiệu quả, sáng tạo như: Biên soạn tài liệu đưa vào giảng dạy trong môn học Giáo dục địa phương giúp học sinh hiểu biết toàn diện về truyền thống lịch sử, cách mạng, văn hóa, con người, điều kiện kinh tế - xã hội của quê hương. Từ đó bồi đắp tình yêu quê hương đất nước, phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc cũng như khơi dậy, nuôi dưỡng niềm tự hào quê hương, ý thức trách nhiệm bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước cho các em. Các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao học đường được nhà trường thúc đẩy mạnh mẽ thông qua việc thành lập các câu lạc bộ (CLB) nghệ thuật, tổ chức các cuộc thi, hội diễn, các giải thể dục thể thao, chuẩn bị đội ngũ giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất điều kiện sân bãi, nhà thi đấu đa năng, dụng cụ luyện tập để học sinh được rèn luyện sức khỏe, phát triển năng khiếu thể thao, nghệ thuật. Đến nay, 100% các CSGD đã thành lập CLB văn hóa, thể thao, xây dựng kế hoạch và tổ chức nhiều hoạt động văn hóa vào các ngày lễ, tết, ngày kỷ niệm sự kiện chính trị, lịch sử văn hóa quan trọng của quê hương, đất nước. Thông qua các hoạt động này, góp phần thúc đẩy khí thế thi đua giảng dạy, học tập, xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh trong các nhà trường.
Việc thực hiện văn hoá công sở trong trường học còn thể hiện ở cách bố trí, sắp xếp cảnh quan môi trường và cơ sở vật chất phù hợp với lứa tuổi để phục vụ cho công tác giảng dạy của giáo viên cũng như việc học tập và vui chơi của học sinh. Thực hiện quy tắc ứng xử trong nhà trường; xây dựng văn hóa ứng xử cho học sinh, phòng ngừa bạo lực và các tệ nạn xã hội học đường; củng cố, xây dựng các mối quan hệ thân thiện trong nhà trường. Trong các mối quan hệ đó, giáo viên phải luôn là tấm gương sáng cho học sinh noi theo, xác định đúng vai trò trách nhiệm đối với việc dạy chữ và dạy người, có ý thức trau dồi chuyên môn, làm cho học sinh thấy được cái hay cái đẹp trong kiến thức được lĩnh hội, truyền cho các em niềm say mê học tập.
Đồng chí Nguyễn Thị Mây, Phó Trưởng Phòng GD và ĐT huyện Hải Hậu chia sẻ: Để xây dựng văn hóa học đường, ngành GD và ĐT huyện đã chỉ đạo các nhà trường tích cực xây dựng, thực hiện bộ quy tắc ứng xử trong nhà trường, quy định rõ nguyên tắc ứng xử chuẩn mực giữa học sinh với học sinh, thầy cô với thầy cô, thầy cô với học sinh và phụ huynh. Đồng thời, đẩy mạnh việc phối hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội trong việc tuyên truyền, xây dựng văn hóa học đường. Phòng GD và ĐT huyện cũng chủ động phối hợp với các đơn vị như Đoàn Thanh niên huyện, Công an huyện... tổ chức các hoạt động phổ biến kiến thức phòng, chống tệ nạn xã hội, ma túy và phòng tránh bạo lực học đường bằng nhiều hình thức; tham mưu cấp ủy, chính quyền tích cực đầu tư, huy động nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất, tạo cảnh quan sư phạm xanh - sạch - đẹp, thành lập các CLB, các loại hình thư viện xanh, thân thiện để phát triển văn hóa đọc trong nhà trường.
Các CSGD trong tỉnh tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, văn hóa ứng xử cho học sinh với nhiều hình thức phong phú. Các trường chỉ đạo Đoàn trường thành lập, củng cố, phát huy các mô hình CLB, đội, nhóm kỹ năng, năng khiếu, sở thích; tổ chức diễn đàn “Xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường”. Tiếp tục tổ chức đa dạng các loại hình hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao trong học sinh, đặc biệt là các hoạt động thúc đẩy thói quen đọc sách, xây dựng văn hóa đọc trong học đường. Trong 7 tháng đầu năm 2024, đã có hơn 800 hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao,... trong các nhà trường, thu hút gần 92 nghìn lượt học sinh, sinh viên tham gia. Mới đây, Sở GD và ĐT đã tổ chức kiểm tra công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, văn hóa ứng xử, tư vấn tâm lý ở một số trường của huyện Nghĩa Hưng như: Tiểu học Nghĩa Tân, Tiểu học Nghĩa Lạc, THCS Nghĩa Phong, THCS thị trấn Liễu Đề, THPT C Nghĩa Hưng. Qua kiểm tra cho thấy kế hoạch năm học, kế hoạch giáo dục và kế hoạch hoạt động cụ thể của các nhà trường đã thể hiện nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống với hình thức đa dạng phong phú; việc xây dựng và triển khai bộ quy tắc ứng xử của nhà trường cụ thể, tường minh, phát huy được tinh thần dân chủ...
Đến nay 100% các trường học đều đã xây dựng và thực hiện bộ quy tắc ứng xử trong trường học, tích cực lồng ghép giáo dục văn hóa học đường cho học sinh vào các môn học, tổ chức các hoạt động ngoại khóa, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, tạo sân chơi bổ ích thu hút học sinh tham gia thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, từ đó phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa cho học sinh, xây dựng văn hóa học đường lành mạnh, thân thiện, góp phần nâng cao chất lượng GD và ĐT.
Bài và ảnh: Minh Thuận
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin