Phát huy giá trị văn hóa truyền thống “Thiên Bản xưa - Vụ Bản nay”

07:57, 09/08/2024

“Thiên Bản xưa - Vụ Bản nay” là vùng đất bảo lưu được nhiều giá trị văn hóa truyền thống với hệ thống các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể độc đáo. Các di sản văn hóa là “tài sản” vô giá, đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao đời sống văn hóa (ĐSVH) tinh thần, giáo dục truyền thống cho người dân.

Hát chèo - hoạt động văn hóa truyền thống đặc sắc trong Lễ hội Phủ Dầy, xã Kim Thái.
Hát chèo - hoạt động văn hóa truyền thống đặc sắc trong Lễ hội Phủ Dầy, xã Kim Thái.

Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh

Thực hiện mục tiêu xây dựng văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, năm 2021, BCH Đảng bộ huyện Vụ Bản đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HU về “Xây dựng và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vùng đất Thiên Bản gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo”. Nghị quyết đã đề ra các mục tiêu: Xây dựng hệ thống chính quyền thực sự “đạo đức, hiện đại, văn minh”;  xây dựng con người thân thiện, có lối sống tốt đẹp với các đặc tính cơ bản “nghĩa tình, văn minh, năng động, sáng tạo”, là nguồn lực quan trọng để xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu; gìn giữ, kế thừa và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp trong mỗi gia đình, dòng họ và cộng đồng…, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh. Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 04-NQ/HU, huyện đã đạt được nhiều kết quả toàn diện trên các lĩnh vực đời sống xã hội. Các cấp, các ngành đã chú trọng công tác xây dựng môi trường văn hoá an toàn, lành mạnh; bảo tồn, phát triển văn hóa thành nguồn lực quan trọng để xây dựng quê hương vững về an ninh chính trị, mạnh về kinh tế, đạt các tiêu chí NTM nâng cao, kiểu mẫu theo mục tiêu chung mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.

Các địa phương trong huyện quan tâm đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng ĐSVH”, xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư, củng cố, gắn kết tình làng, nghĩa xóm, xây dựng môi trường sống “Sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn”. Hương ước, quy ước nếp sống văn hóa ở các khu dân cư được xây dựng, bổ sung phù hợp thực tiễn. Đến nay, số lượng các thôn, xóm, tổ dân phố đạt danh hiệu “Khu dân cư văn hóa” của huyện đạt tỷ lệ trên 98,2%; tỷ lệ hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”

đạt trên 98%. Điểm sáng trong thực hiện nếp sống văn minh ở Vụ Bản là nhiều địa phương đã xây dựng và phát động hưởng ứng “Mô hình ăn cỗ đám giỗ không phong bì”; tiêu biểu như xã Tân Khánh có 100% thôn, 96,6% gia đình thực hiện tốt mô hình; xã Minh Tân có thôn Chiều, thôn Lúa, thôn Tân Lập có 100% hộ dân thực hiện tốt; xã Đại Thắng có thôn Trung Linh đạt 100% hộ dân thực hiện tốt; xã Vĩnh Hào có 59,42% gia đình thực hiện tốt mô hình, trong đó 2 thôn Hồ Sen và Cựu Hào đạt tỷ lệ 100% hộ dân hưởng ứng thực hiện. Mô hình đám tang “không thuốc lá” trên địa bàn huyện đạt tỷ lệ 56,42%; đám tang có hoả táng đạt tỷ lệ 42,4%.

Gìn giữ, bảo vệ giá trị các di sản của quê hương

Với điều kiện tự nhiên và định hướng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội dựa trên bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, Huyện ủy, UBND huyện Vụ Bản quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với nhiệm vụ bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị các di sản văn hóa của quê hương. Đẩy mạnh huy động đầu tư xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng cho các điểm du lịch trải nghiệm cộng đồng (Khu du lịch sinh thái núi Ngăm, các làng nghề truyền thống), du lịch văn hóa tâm linh tại các di tích lịch sử - văn hóa, lễ hội trên địa bàn. Đồng thời, thành lập các câu lạc bộ (CLB) bảo tồn, gìn giữ phát huy các giá trị văn hóa dân tộc với đa dạng các loại hình: hát Văn, hát Chèo, Ca trù, múa tứ linh... Huy động sự tham gia của các nghệ nhân dân gian các lĩnh vực: thực hành tín ngưỡng, biểu diễn nghệ thuật truyền thống và những người có uy tín trong cộng đồng cùng tham gia tổ chức, điều hành các hoạt động văn hóa, bảo đảm quyền công dân trong sáng tạo, thực hành và thụ hưởng thành quả văn hóa. Đến nay, trên địa bàn huyện Vụ Bản có 4 di sản văn hoá phi vật thể được công nhận gồm: “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt - Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, trong đó Quần thể di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia Phủ Dầy là trung tâm thực hành tín ngưỡng Đạo Mẫu; các Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Nghi lễ Chầu văn của người Việt tại Nam Định, Lễ hội Phủ Dầy, Lễ hội “Thái Bình xướng ca”. Huyện có 176 di tích nằm trong danh mục bảo vệ; trong đó có 39 di tích đã được xếp hạng (9 di tích cấp quốc gia và 31 di tích cấp tỉnh). Công tác quản lý, trùng tu, tôn tạo các di tích được thực hiện theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, đến nay, đã có trên 800 hạng mục của hơn 170 di tích trên địa bàn huyện được đầu tư trùng tu, tôn tạo.

Để thúc đẩy dịch vụ du lịch, Huyện ủy, UBND huyện Vụ Bản tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật; lập quy hoạch tổng thể hệ thống di sản văn hóa trên địa bàn huyện. Các xã, thị trấn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, kêu gọi, tranh thủ các nguồn lực trùng tu, tôn tạo các di tích, khu tưởng niệm nhằm phục vụ các đề án quy hoạch, xây dựng, kết nối các tuyến, điểm du lịch trên địa bàn huyện và kết nối với các địa phương lân cận. Tiêu biểu như: huy động xã hội hoá cải tạo, nâng cấp Khu lưu niệm Nhạc sĩ Văn Cao; trùng tu, tôn tạo, mở rộng Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia Chùa Hổ Sơn, xã Liên Minh trong các năm 2022, 2023; Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia Đền thờ Trạng nguyên Lương Thế Vinh được UBND tỉnh phê duyệt và đang tiến hành cải tạo các hạng mục bị xuống cấp… Huyện cũng đẩy mạnh nghiên cứu, làm rõ những nét đặc trưng, bản sắc văn hoá quê hương, loại trừ những hủ tục lạc hậu trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng; phục dựng giá trị văn hóa của các loại hình nghệ thuật dân ca, dân vũ, diễn xướng tín ngưỡng, tâm linh, lễ hội, trò chơi dân gian... Duy trì, thành lập các CLB văn hóa, văn nghệ dân gian như: CLB hát nhạc Văn Cao, xã Liên Minh; CLB Chầu văn, xã Kim Thái; CLB thơ Nguyễn Bính, xã Cộng Hòa…

Phát huy giá trị giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ

Giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt đối với thế hệ trẻ, thông qua môi trường giáo dục để giáo dục đạo đức, lối sống, lòng tự hào về truyền thống tốt đẹp của quê hương. Các trường học trên địa bàn huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, khoa bảng, lịch sử, cách mạng, văn hóa của vùng đất “Địa linh nhân kiệt - Thiên Bản lục kỳ”; truyền thống đoàn kết của các thế hệ người dân Vụ Bản chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, gian khổ, nghĩa tình, đùm bọc, sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau để dựng xây và phát triển quê hương. Tiêu biểu như: Trường THPT Nguyễn Bính đã tổ chức cho học sinh tham quan, học tập tại các “địa chỉ đỏ”: Nhà lưu niệm nhà thơ Nguyễn Bính, Đền thờ Nữ tướng Mai Hồng; Trường THPT Lương Thế Vinh tổ chức cho cán bộ, giáo viên, học sinh thăm và trải nghiệm tại Đền thờ Trạng nguyên Lương Thế Vinh…; các trường tiểu học, THCS tổ chức hội thi giao lưu kể chuyện về những tấm gương học tập và làm theo lời Bác, học tập gương sáng tiền nhân, thành lập các đội, CLB văn nghệ, thơ ca giáo viên, học sinh sinh hoạt, giao lưu, tập luyện các tiết mục, chương trình hát Văn, đọc thơ Nguyễn Bính, hát nhạc Văn Cao…, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong môi trường văn hóa học đường. Các nhà trường triển khai chương trình giáo dục tích hợp liên môn: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân… với các nội dung giữ gìn, bảo tồn di sản văn hóa địa phương; tìm hiểu, giới thiệu về các danh nhân và truyền thống tốt đẹp của đất và người Vụ Bản; giới thiệu những tấm gương “người tốt, việc tốt” trên các trang thông tin điện tử, fanpage của nhà trường… Việc đưa các nội dung giáo dục truyền thống văn hóa quê hương, bản sắc dân tộc vào trường học thông qua nhiều hoạt động thiết thực đã góp phần bồi đắp nhân cách sống cho học sinh, sống có trách nhiệm với gia đình, cộng đồng, xã hội.

Những kết quả đã đạt được trong thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU của huyện Vụ Bản đã khơi dậy truyền thống văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, góp phần xây dựng văn hóa, con người quê hương, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập.

Bài và ảnh: Khánh Dũng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com