Nam Định có hệ thống di tích lịch sử - văn hóa phong phú với hơn 1.300 điểm thuộc các loại hình. Hệ thống các di tích, bảo tàng, nhà lưu niệm, nhà truyền thống trên địa bàn tỉnh đang trở thành “địa chỉ đỏ” trong công tác giáo dục truyền thống yêu nước, lịch sử cách mạng của quê hương cho thế hệ trẻ.
Đoàn viên thanh niên tham quan, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng tại Nhà tưởng niệm Tổng Bí thư Trường Chinh, thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường). |
Trong số 1.300 di tích lịch sử - văn hóa có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 87 di tích cấp quốc gia, 334 di tích cấp tỉnh, hơn 937 di tích nằm trong danh mục kiểm kê; 4 bảo tàng, nhà truyền thống cấp huyện; Bảo tàng tỉnh; Nhà truyền thống ngành Dệt may Nam Định; Bảo tàng Đồng quê (Giao Thủy), 8 Đền Liệt sĩ huyện; 2 khu, quần thể lưu niệm, tưởng niệm các nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và Nhà nước đã được xếp hạng di tích gồm: Quần thể lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh (Xuân Trường), Khu lưu niệm đồng chí Lê Đức Thọ (thành phố Nam Định).
Huyện Xuân Trường có 42 di tích lịch sử - văn hoá được Nhà nước xếp hạng; trong đó nhiều di tích gắn với phong trào cách mạng thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; tiêu biểu như: chùa Keo Hành Thiện, chùa Tự Lạc, chùa Liêu Thượng, chùa Viên Quang, đình - chùa Lạc Quần, đền - chùa Kiên Lao, đền Ngọc Tiên, đền Xuân Hy… Hàng năm, công tác phát huy vai trò giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ ở Xuân Trường của các di tích, nhà lưu niệm, nhà truyền thống được các cấp, các ngành chức năng của huyện tích cực triển khai… Chùa Tự Lạc, xã Thọ Nghiệp là nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của 3 huyện Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu. Tại di tích, vào các dịp kỷ niệm Ngày thành lập Đảng (3/2); Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3); Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4); Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh (2/9)... các hoạt động gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị di tích được các trường tiểu học, THCS, đoàn viên thanh niên xã tích cực tham gia như: dọn vệ sinh, trồng hoa, cây xanh tại khu vực nội tự. Đoàn Thanh niên phối hợp với Hội Cựu chiến binh xã tổ chức dâng hương, tham quan, học tập, trao đổi, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề bồi dưỡng lý tưởng cách mạng... giúp đoàn viên thanh, thiếu niên trên địa bàn hiểu rõ hơn về ý nghĩa các sự kiện lịch sử của Đảng, của quê hương gắn với di tích.
Tại di tích cấp quốc gia Quần thể lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh ở làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng và thị trấn Xuân Trường, hàng năm, vào các dịp lễ, tết, nhiều cơ sở giáo dục, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động giáo dục truyền thống như: tham quan nhà tưởng niệm, tìm hiểu về những hình ảnh, tư liệu, hiện vật gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí Trường Chinh theo các chủ đề: “Quê hương - gia đình - thời niên thiếu”; “Hoạt động và cống hiến trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc”; “Đảng và Nhà nước tôn vinh công lao”; “Đồng chí Trường Chinh với quê hương Nam Định”... Đã thành truyền thống, vào dịp kỷ niệm ngày sinh (9/2), ngày mất (20/8 âm lịch) của Tổng Bí thư Trường Chinh, tập thể giáo viên, học sinh đang học tập, công tác tại Trường THCS Đặng Xuân Khu - ngôi trường mang tên thời trẻ của Tổng Bí thư lại tổ chức các hoạt động “về nguồn” ý nghĩa như: thắp hương, dâng hoa, kể chuyện truyền thống, dọn vệ sinh di tích, phát quang đường dong, chăm sóc cây xanh xung quanh Nhà lưu niệm.
Quê hương “Thiên Bản xưa - Vụ Bản nay” là vùng đất có truyền thống hiếu học, nhiều người đỗ đạt cao trong các triều đại phong kiến; nơi đây hội tụ, lan tỏa nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng với hàng trăm di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh. Đây là nguồn “tư liệu” vô giá để các cấp, các ngành, các địa phương trong huyện đẩy mạnh giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ; khai thác và phát huy hiệu quả giá trị các di sản văn hóa của quê hương. Huyện Đoàn, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện phối hợp chỉ đạo Đoàn Thanh niên các xã, thị trấn, các trường học tổ chức cho học sinh, đoàn viên, thanh niên tham quan, tìm hiểu giá trị lịch sử, văn hóa, cách mạng tại các di tích, danh thắng, nhà lưu niệm, tưởng niệm, nhà truyền thống trên địa bàn. Tiêu biểu như: tìm hiểu về di tích và lễ hội Phủ Dầy; trải nghiệm di sản tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ và nghi lễ Chầu văn của người Việt tại xã Kim Thái; tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp Trạng nguyên Lương Thế Vinh tại Đền thờ Lương Thế Vinh, xã Liên Bảo; hành trình về nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Vụ Bản tại xã Liên Minh; dâng hương tưởng niệm tại Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Đức Thuận, xã Quang Trung; đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ, Đền Liệt sĩ huyện…
Ở huyện Trực Ninh, các trường học trong huyện thường xuyên đổi mới công tác giáo dục truyền thống bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với điều kiện thực tế; xây dựng kế hoạch, phân công giáo viên quản lý, hướng dẫn học sinh trải nghiệm ngoại khóa tại các di tích, tổ chức các hoạt động gìn giữ, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể với các trò chơi dân gian đặc sắc. Vào các dịp Tết Nguyên đán, Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7), Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12), tại Nhà lưu niệm Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lưu Chí Hiếu ở thị trấn Cát Thành, Nghĩa trang Liệt sĩ, Đền Liệt sĩ huyện đón nhiều đại biểu về tham quan, dâng hương, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ; giao lưu trò chuyện cùng các cựu chiến binh, thăm, tặng quà thân nhân các gia đình liệt sĩ, các gia đình chính sách.
Vào các dịp kỷ niệm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3), Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh (2/9), nhiều đoàn học sinh, đoàn viên, thanh niên ở các xã: Hải Minh, Hải Anh, Hải Trung, Hải Phương, thị trấn Yên Định... (Hải Hậu) lại tích cực tham gia dọn dẹp vệ sinh, dâng hương “Tứ tổ khai sáng, cửu tộc khai cơ”, tưởng nhớ công lao các vị tiền nhân đã có công quai đê, lấn biển, dựng làng, lập ấp, tạo nền móng phát triển quê hương Quần Anh xưa - Hải Hậu nay. Trung tâm Chính trị huyện Hải Hậu thì tổ chức cho các lớp đảng viên mới tham quan Đền Liệt sĩ huyện và Khu lưu niệm đồng chí Vũ Văn Hiếu - Bí thư Đặc khu uỷ đầu tiên Khu mỏ Quảng Ninh, Chánh Văn phòng Trung ương đầu tiên của Đảng, ở xã Hải Anh để tìm hiểu truyền thống lịch sử cách mạng vẻ vang của quê hương. Vào các dịp giao quân hàng năm, cùng với việc thăm hỏi, tặng quà động viên thanh niên chuẩn bị nhập ngũ, các địa phương trong huyện đều tổ chức cho tân binh viếng Đền Liệt sĩ, Nghĩa trang Liệt sĩ huyện, tham dự các hoạt động kể chuyện truyền thống.
Nhằm không ngừng bồi dưỡng, vun đắp, khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh Đoàn tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ” của Thủ tướng Chính phủ và Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động bảo tàng gắn với phát triển du lịch” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành năm 2018 với các hoạt động giáo dục truyền thống cho đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên tại Bảo tàng tỉnh như: tham quan, học tập, trải nghiệm các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể… Trung bình mỗi năm, Bảo tàng tỉnh đón khoảng 12 nghìn lượt khách, trong đó có khoảng 9.000 lượt học sinh, sinh viên các đơn vị, tổ chức trong và ngoài tỉnh đến tham quan, trải nghiệm. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã biên soạn một số tài liệu học tập cộng đồng với nội dung chuyên đề liên quan đến các vấn đề về di sản văn hóa để phổ biến rộng rãi tại trung tâm học tập cộng đồng các xã, phường, thị trấn; tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm khoa học, nói chuyện chuyên đề về các vấn đề lịch sử, văn hóa như: “Thiên Trường xưa - Nam Định nay”; “Tư tưởng nhân văn quân sự của các danh thần, võ tướng thời Trần”…; xây dựng và xuất bản nhiều tờ gấp, tập san, cẩm nang giới thiệu về các di tích, danh thắng đặc sắc của quê hương Nam Định, những kỷ vật đi cùng năm tháng qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, tuyên truyền “chủ quyền biển, đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, những bằng chứng lịch sử và pháp lý”...
Giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ với nhiều hoạt động ý nghĩa, bổ ích gắn với các di tích lịch sử, văn hóa của quê hương đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức gìn giữ di sản văn hóa của dân tộc, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ.
Bài và ảnh: Khánh Dũng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin