Những họa sĩ tâm huyết với đề tài thương binh - liệt sĩ

09:24, 26/07/2024

Từ lâu, đề tài thương binh - liệt sĩ là niềm cảm hứng sáng tạo của các họa sĩ thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Nội dung các tác phẩm tập trung tri ân công lao các Anh hùng liệt sĩ, tôn vinh lớp lớp cha anh đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc.

Họa sĩ Vũ Tuấn Việt bên tác phẩm “Ký ức chiến tranh”.
Họa sĩ Vũ Tuấn Việt bên tác phẩm “Ký ức chiến tranh”.

Trong giới mỹ thuật Nam Định, họa sĩ Phạm Quyền (86 tuổi) có nhiều tác phẩm được chọn trưng bày triển lãm mỹ thuật toàn quốc và giành các giải thưởng lớn về mỹ thuật. Đặc biệt, các tác phẩm hội họa của ông đã phản ánh đa dạng công cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, lao động sản xuất, sinh hoạt và đời sống của quân và dân ta trong thời kỳ kháng chiến. Trong hoạt động sáng tác, tranh của họa sĩ Phạm Quyền thể hiện trên nhiều chất liệu khác nhau như: Tranh lụa, sơn dầu, bột màu, tổng hợp… Các tác phẩm hội họa về đề tài thương binh - liệt sĩ của họa sĩ Phạm Quyền chủ yếu được vẽ bằng chất liệu tổng hợp với cách sử dụng kỹ thuật gờ nổi, tút tát… thể hiện chất cảm trên mặt tranh bằng tư duy mạch lạc, sáng tạo. Trong các sáng tác, họa sĩ Phạm Quyền luôn đau đáu về hình tượng những cô gái thanh niên xung phong, trong đó, bức tranh “Trụ cầu bất tử” là câu chuyện được tái hiện lại bằng màu sắc và xúc cảm của họa sĩ. Tác phẩm thể hiện hình tượng những cô gái thanh niên xung phong ở miền Tây Nam Bộ ngâm mình dưới suối, bắc những thân cây, tấm ván trên vai làm trụ cầu sống để thương binh đi qua. Tác phẩm “Bóng chùa giỗ đồng đội” giúp người xem thấy được cảnh trong ngôi chùa cổ kính, những cô gái thanh niên xung phong người lành lặn, người là thương binh, người đã quy y nơi cửa Phật đang tổ chức giỗ những đồng đội đã hy sinh. Tác phẩm được thể hiện từ xúc cảm về câu chuyện có thật ở Thái Bình. Đó là 45 cô gái thanh niên xung phong trong cùng đơn vị đã trải qua những ngày tháng ác liệt của chiến tranh. Khi trở về quê hương người mất, người còn; nhiều người trong số họ đã vào chùa tìm sự thanh thản trong tâm hồn nơi cửa Phật. Nhiều tác phẩm khác về đề tài thương binh - liệt sĩ của họa sĩ Phạm Quyền còn tạo ấn tượng cho người xem như: “Lặng lẽ”, “Những linh hồn còn lại trên dãy Trường Sơn”, “Yên nghỉ trên đất mẹ”, “Mất mát”... Tác phẩm “Yên nghỉ trên đất mẹ” được ông vẽ với nội dung đón hài cốt liệt sĩ trở về quê hương. Tác phẩm với gam màu nóng kết hợp với gam trầm vừa toát lên sự ấm áp khi cả gia đình quây quần bên nấm mộ liệt sĩ, vừa gợi sự trầm buồn. Hình ảnh Bà mẹ Việt Nam Anh hùng sau bao năm tìm kiếm hài cốt bây giờ đứng trước mộ con gây xúc động cho người xem.

Với họa sĩ Vũ Xuân Dương (68 tuổi), từng trải qua thời chiến nên các sáng tác về đề tài thương binh - liệt sĩ của ông thường phảng phất nỗi buồn và đằm sâu tính triết lý. Tháng 2 năm 1975, Vũ Xuân Dương lên đường nhập ngũ vào Trung đoàn 101, Sư đoàn 325A, Quân đoàn 2. Sau đợt huấn luyện, ông vào đất lửa Vĩnh Linh (Quảng Trị), một thời gian sau thì đơn vị chuyển vào tiếp quản vùng giải phóng gần Tổng kho Long Bình (Biên Hòa, Đồng Nai). Những ngày ở đây, chứng kiến làng mạc bị cháy sém, những cánh đồng trơ trụi bởi khói lửa chiến tranh, ông càng thấm thía sự tàn bạo của quân thù, đồng thời cũng thấu hiểu hơn sự hy sinh lớn lao của quân và dân ta. Nhiều tác phẩm của ông tạo dấu ấn trong giới hội họa và người yêu tranh như: “Nhớ về Trường Sơn”, “Ký ức thời chiến”, “Tìm đồng đội”, “Mẹ”… Tác phẩm “Mẹ” của họa sĩ Vũ Xuân Dương, lấy khung cảnh một ngôi nhà đơn sơ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng với khuôn mặt phúc hậu đứng trước khung cửa ngóng con về... Bức tranh với những gam màu ấm làm chủ đạo với điểm nhấn là cánh cửa màu xanh - màu áo của những người lính như khẳng định các anh vẫn còn hiện hữu nơi đây bên mẹ già. Tác phẩm “Tìm đồng đội” được thể hiện bằng chất liệu sơn dầu với gam màu chủ đạo là màu xanh bạt ngàn của núi rừng; nổi bật hình ảnh những người lính đang đi tìm phần mộ đồng đội với gam màu vàng và đỏ thể hiện sự ấm áp, nghĩa tình đồng chí; phần trên bức tranh điểm xuyết những mảng màu ấm nhẹ nhàng của buổi xế chiều biểu trưng cho sợi dây liên kết giữa những người lính đi tìm mộ với những đồng đội nằm lại nơi chiến trường.

Họa sĩ Vũ Tuấn Việt (32 tuổi) là thế hệ trẻ, không được chứng kiến sự hy sinh mất mát từ các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc nhưng qua các bài học lịch sử và trực tiếp tham gia các chiến dịch tình nguyện giúp đỡ trẻ em chất độc da cam/đi-ô-xin đã tạo sự trăn trở trong các sáng tác của anh. Với phong cách vẽ hiện đại theo mô tuýp lập thể, đề cao yếu tố cảm xúc, phản ánh hình tượng nghệ thuật thông qua cách vẽ gợi hình, gợi ý, Tuấn Việt là làn gió mới cho hội họa Nam Định. Các tác phẩm của anh như “Ký ức chiến tranh”, “Ám ảnh” đều khắc họa rõ nét những di chứng khốc liệt của chất độc da cam/đi-ô-xin. Tác phẩm “Ký ức chiến tranh” với bố cục dàn trải, sắp xếp chi tiết nhân vật bằng những đặc trưng như mặt mũi, chân tay nằm trong các mảng liên kết tạo khối bề mặt. Gam màu chủ đạo tác phẩm là da cam, biểu đạt sự đau đớn, quằn quại, phản ánh sự tàn khốc và tội ác của quân thù đã gây ra. Tác phẩm “Ám ảnh” bố cục chiều dọc với nền trời màu đỏ da cam, những căn nhà đổ nát hoang tàn, những đứa trẻ bị tàn tật do hậu quả chiến tranh, những người cha, người mẹ âm thầm đau khổ dõi theo di chứng của con... Năm 2024, họa sĩ Vũ Tuấn Việt tiếp tục quan tâm sáng tác về đề tài thương binh - liệt sĩ với 3 tác phẩm “Chứng nhân lịch sử”, “Ký ức người lính’, “Người lính già”. Tác phẩm “Chứng nhân lịch sử” với phong cách mỹ thuật hiện đại, họa sĩ Vũ Tuấn Việt phân chia tác phẩm với 3 chiều không gian, khu vực phía trên tượng trưng cho những hồi ức chiến tranh, những khoảnh khắc “mưa bom, bão đạn” của kẻ thù. Phần trung tâm là hình tượng người thương binh đang ngồi trên xe lăn, nhớ lại, kể lại câu chuyện của quá khứ, những giai đoạn mà ông trải qua. Bên cạnh đó, trong bức tranh còn xuất hiện hình tượng nhân vật phi giới tính, không nhân diện tượng trưng cho hình bóng tương lai đang lắng nghe những chiến công vang dội của cha ông. Bông hoa rủ xuống trên đầu nhân vật tượng trưng cho sự kế thừa, lòng biết ơn của tương lai.

Các tác phẩm về đề tài thương binh - liệt sĩ của các họa sĩ Nam Định đã nêu bật ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc, giúp thế hệ trẻ hôm nay thêm tự hào về truyền thống cách mạng của cha ông trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, tiếp tục đóng góp sức mình xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Bài và ảnh: VIết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com