“Mùa xuân ơi, ta nghe mùa xuân hát bên kia trời, đồi núi xanh ngời, đâu đây tiếng đàn cầm buông lả lơi, đâu đây tiếng lòng tôi nghe tí tơi”… Mùa xuân đến, lòng ta cũng náo động theo nhịp mùa vào những ngày xuân thắm.
Xuân về, thoảng trong gió hương non tơ, thanh sạch của lúa đồng đã bén rễ. Cách đó không xa, vài chú cò bỏ mặc hơi lạnh đầu sáng bì bõm lội tìm thức ăn. Ò, ò, ò, một chú trâu già ra đồng sớm uể oải… ngáp, đánh thức làng xóm dường như vẫn còn ngủ vùi trong Xuân. Để rồi, chốc lát thôi, phóng tầm mắt từ bờ đê nhìn về phía làng đã thấy khói bếp lửng lơ bay trên những mái ngói bạc màu rêu phủ. Và khi chú trâu còn vục đầu nhẩn nha gặm vạt cỏ mật thơm lựng thì bị giật mình bởi những tiếng bước chân người chắc nịch, tiếng xích xe khô dầu kẽo kẹt của các cô, các bác ra đồng sớm. Từ luỹ tre đầu làng còn đưa lại những tiếng chào hối hả của đám trẻ con đi học, tiếng trẻ thơ trong trẻo, quấn quýt xóm nhỏ.
Nhịp Xuân, hối hả nhất vào những ngày giáp Tết là những phiên chợ nêm cứng người. Từ nửa đêm đã thấy lách cách những bà, những chị sửa soạn nào bạt, nào ghế bàn cho chợ phiên. Chốc chốc ở cửa chợ lại thấy đỗ xịch những xe bắp cải, su hào, mía, chuối… nặng trĩu. Gần về sáng, từ cuối chợ, bà lão bán bánh rán đã nhóm bếp, làm nóng chảo, cho mỡ chuẩn bị rán bánh. Cả một góc chợ dậy lên mùi thơm ngọt ngậy của mỡ lợn, của bánh chín tới “chào mời” khách gần xa. Sương sớm loãng dần cùng với ánh mặt trời, chợ phiên những ngày giáp Tết náo động cả một vùng quê nhỏ. Giữa ồn ào chợ sớm, người ta nghe thấy giọng nói của nhiều vùng miền khác nhau. Cô áo trắng tinh khôi có gốc gác Hà Thành làm dâu về xứ này, dáng người thanh mảnh rẽ ngay vào hàng hoa đầu chợ hỏi mua bó thược dược đỏ. Lại có giọng nằng nặng, “trọ trẹ” của anh bán đồ gia dụng lái xe từ tận Nghệ An vào chợ bán buôn. Giữa chợ, hai ba đứa trẻ đang đứng túm tụm trước một xe đồ chơi có những chú tò he xanh đỏ là cháu của ông lão trông xe mới bay từ Sài Gòn về quê ăn tết với ông bà ngoại. Mặt trời càng lên cao, chợ càng đông người, hàng hoá đưa về cũng ngày một nhiều. 2 bà lão kê dép ngồi bệp ngoài cổng chợ chờ chợ vãn rồi mới vào mua bán. Một cụ nói với sang ông chủ hàng chè xanh bên cạnh, giờ tuổi chúng tôi có ăn bao nhiêu, đi chợ chủ yếu là chơi chợ, “hưởng” cái không khí. Nên vào chợ sớm hay muộn cũng không quan trọng. Ông chủ gánh hàng chè cười khà khà, cụ dậy chí phải ạ.
Xuân đến, mỗi ngày nhà tôi đều vội vã như… đi đánh trận. Tờ mờ sáng, khi anh em tôi hẵng còn cuộn tròn trong chăn ấm, bố đã nhẹ nhàng xỏ chân vào ủng ra đồng chăm bẵm ruộng hoa cúc. Để rồi, khi bố về, trên đầu sương pha ướt tóc và mùi hoa thơm ngát. Mẹ thì tất bật lo cơm nước xong lại tất tưởi sửa soạn gánh hàng rau ra chợ. Những ngày này bà nội tôi bận lắm, vừa phụ mẹ tôi thu hoạch rau cỏ vừa trông coi người hái cau, bổ cau, phơi cau, mang cau đi bán. Mỗi năm vào những dịp Tết, ông tôi thường nói vui, đây là mùa tận thu của bà. Bàn tay nhăn nheo, hơi run của bà tôi những ngày này… “khoẻ” một cách lạ thường. Thoăn thoăn lột vỏ, thoăn thoắt bổ cau, tách hạt, dàn cau hong nắng… Những ngón tay, lòng bàn tay bà ám vàng nhựa cau. Sau mỗi ngày làm cau, bà hay vòng tay ra sau đấm lưng than, ôi, cái lưng tôi… Biết bà đau lưng nhưng ông cũng không thể giúp bà bổ cau, phơi cau được. Biết ông tôi khéo tay, nhiều năm nay cả xóm “tín nhiệm”, giao cho ông nào vẽ trang trí trên bảng tin thông báo của xóm, cắt khẩu hiệu chúc mừng năm mới, cắt cờ đuôi nheo… treo dọc ngang khắp xóm. Chưa kể, ông tôi còn trong Hội Người cao tuổi, Hội Khuyến học, Tết đến thường chạy đôn đáo khắp nơi lo vận động, quà bánh chúc mừng. Anh em tôi cũng có nhiều nỗi lo khi Tết đến. Không biết bộ quần áo mẹ đặt may cho có kịp xong trước Tết, đi chúc Tết các thầy, cô giáo, hàng xóm, bạn bè, mấy ngày Tết xem có hết bộ phim hoạt hình không?... Tết đến, Xuân về bận rộn nhưng vui biết bao.
Gió Xuân đã mơn man trên khắp cánh đồng làng, mùa Xuân vừa kịp thả xuống nhân gian những màn mưa giăng mắc, ủ ấp, dưỡng nuôi cây cối vạn vật. Xuân này, khúc ca mùa lại đang tấu lên những âm thanh rạo rực vui tươi, xui khiến con người sống tích cực, sống hối hả, gấp gáp lên trong những ngày xuân ấm. Bởi “Xuân đang tới nghĩa là xuân đang qua. Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già”… Lắng nghe mùa xuân về để thấy lòng mình chộn rộn, xốn xang, lắng nghe hơi thở của mùa xuân rất nhẹ, rất khẽ, rất êm để thấy tiếng mầm vui, nhựa sống đang rạo rực quanh đây. Xuân đã về, còn chần chờ gì nữa mà lòng ta không rộng mở để đón một mùa tươi xanh, hy vọng./.
Nguyễn Hoa Xuân
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin