Sôi nổi câu lạc bộ hát chèo ở Hải Châu

08:22, 08/12/2023

Dù các thành viên là những “nghệ sĩ nông dân” chân lấm tay bùn, nhưng đều đặn hàng tuần, chiếu chèo Phú Văn Nam, nay là câu lạc bộ (CLB) chèo xã Hải Châu (Hải Hậu) lại hào hứng hòa mình vào những làn điệu chèo với nhịp nhàng tay đàn, tay trống. Cứ thế, chiếu chèo ấy đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống làng quê, góp phần lan tỏa nghệ thuật chèo truyền thống của quê hương.

Câu lạc bộ chèo xã Hải Châu trong một buổi tập luyện.
Câu lạc bộ chèo xã Hải Châu trong một buổi tập luyện.

Năm 1958, những người yêu thích nghệ thuật chèo của làng Phú Văn Nam đã cùng nhau tụ hội và thành lập nên chiếu chèo, vừa là một cách để gìn giữ chiếu chèo quê hương, vừa để phục vụ nhu cầu thưởng thức văn nghệ cho nhân dân địa phương, nhất là vào những dịp lễ, tết hay dịp làng mở hội. Những ngày đầu mới thành lập, tuy vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng với sự đam mê của những thành viên trong đội, chiếu chèo khắc phục bằng cách sáng đi làm đồng, tối về đi tập và biểu diễn. Những nghệ sĩ làng đem lời ca, tiếng hát để cổ vũ tinh thần hăng say lao động sản xuất, khí thế lên đường nhập ngũ của các lớp thanh niên, phục vụ những ngày lễ của dân tộc. Mặc dù ở cấp làng, nhưng chiếu chèo Phú Văn Nam được tổ chức rất bài bản với đầy đủ đội trưởng, đạo diễn, nhạc công, diễn viên với các nhạc cụ như: sáo, đàn bầu, nhị, trống, mõ, đàn nguyệt,… Những vở diễn làm nên tên tuổi của chiếu chèo làng Phú Văn Nam như là: Quan Âm Thị Kính, Cô gái sông Lam, Trần Quốc Toản ra quân, Tiếng sáo quê hương...; ngoài ra còn hàng chục tích chèo, trích đoạn và hàng trăm câu chèo cổ đã được kế truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Không chỉ diễn những vở chèo truyền thống, người dân nơi đây còn tự viết nên những tác phẩm cho riêng mình. Làn điệu chèo như hơi thở của cuộc sống với những câu ca mới, thể hiện tình yêu quê hương, phản ánh đời sống hiện thực của chính người dân ở vùng quê giàu truyền thống cách mạng, được đông đảo người xem yêu thích, tán thưởng.

Ông Đinh Thạch Biên, Chủ nhiệm CLB hát chèo xã Hải Châu là một trong những thành viên lớn tuổi nhất của CLB. Từ khi 15, 17 tuổi ông đã tự học thuộc các làn điệu chèo, mỗi lần được đứng trên sân khấu, ông như hòa mình vào nhân vật với đủ các cung bậc cảm xúc. Năm 1976, sau thời gian tham gia chiến đấu bảo vệ quê hương đất nước, ông được xuất ngũ trở về địa phương. Bằng tình yêu với những làn điệu chèo, ông Biên lại tiếp tục tham gia vào chiếu chèo với vai trò là nhạc công, phụ trách đánh trống, diễn viên và làm mới các tích chèo, vở diễn cổ, sáng tác ca cảnh, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, những nét đẹp trong đời sống văn hóa của người dân trong xây dựng nông thôn mới… góp phần đưa nghệ thuật chèo đến gần hơn với đời sống đương đại... Đến nay, ông Biên đã sáng tác được 20 hoạt cảnh, 50 bài hát chèo phục vụ cho sinh hoạt của CLB và tham gia biểu diễn ở các ngày lễ hội, các sự kiện chính trị, xã hội của địa phương và của huyện. Tiêu biểu như các tác phẩm: “Hạt giống quê hương”, “Tìm lại mộ cha”, “Câu chuyện nhỏ làng tôi”, “Chỉ giới con đường”… CLB đã nhiều lần được tham gia hội diễn và đoạt giải cao của huyện, của tỉnh và Quân khu 3; nhiều vở diễn đạt giải cao như: “Cái thước nghĩa tình”, “Con trâu phế canh”, “Trần Quốc Toản ra quân”, “Cô gái sông Lam”, “Long Vương vi hành”. CLB đã đoạt được 3 Huy chương Vàng về kịch bản, tác phẩm, vở diễn; 5 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc dành cho diễn viên.

CLB chèo Hải Châu hiện có 12 người và có 10 diễn viên múa xung kích. Là một thành viên cốt lõi trong CLB, chị Cao Thị Hiên có một chất giọng được mọi người đánh giá là “trời phú” chia sẻ: “Từ khi còn nhỏ tôi đã thường xuyên theo bố mẹ, ông bà lên nhà văn hóa xóm để xem mọi người tập hát chèo. Lớn lên, niềm say mê hát chèo như ngấm vào máu và xem đó là một món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Bởi vậy tôi đã xin tham gia vào CLB, sau mỗi tiết mục biểu diễn, tôi như thêm năng lượng để làm việc tốt hơn vào ngày hôm sau”. Có những gia đình có đến 2, 3 thế hệ tham gia CLB như gia đình ông Đinh Thạch Biên, Phạm Văn Biên… Đặc biệt, hiện tại CLB còn tổ chức các lớp truyền dạy hát chèo cho các cháu thiếu nhi trên địa bàn. Em Lê Thị Uyên Nhi (11 tuổi) cho biết: Em rất yêu thích hát chèo, vì vậy mà bà, mẹ đã dạy và khuyến khích em theo học các bác trong CLB. Vừa qua, em đã đoạt giải Nhất trong hội thi Giai điệu tuổi hồng cấp huyện”.

Không thù lao, lương bổng, những người đầu tiên đặt nền móng cho CLB, có người nay đã già, có người không còn nữa, nhưng niềm đam mê đối với môn nghệ thuật cổ vẫn được gìn giữ vẹn nguyên và trao truyền cho thế hệ hôm nay. Một trong những nguyên nhân quan trọng để CLB duy trì và phát triển, đó chính là sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự yêu mến của bà con. Đồng chí Hoàng Đức Viện, Chủ tịch UBND xã Hải Châu cho biết: Mặc dù CLB hoạt động trên tinh thần tự nguyện, từ mua sắm trang phục biểu diễn, nhạc cụ, tập luyện nhưng các thành viên trong CLB đều rất say mê và nhiệt huyết với môn nghệ thuật chèo truyền thống. Những năm qua, địa phương đã có nhiều giải pháp cũng như sự quan tâm, trong đó dành một phần kinh phí và huy động xã hội hóa hỗ trợ, động viên, khuyến khích đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ nói chung và loại hình nghệ thuật hát chèo đặc trưng của địa phương nói riêng. Các chương trình, sự kiện của địa phương đều ưu tiên biểu diễn loại hình nghệ thuật chèo của CLB. Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục tạo điều kiện để CLB hát chèo của xã Hải Châu và các CLB khác trên địa bàn duy trì hoạt động, giao lưu thường xuyên, đồng thời động viên thế hệ trẻ tham gia vào CLB chèo nhằm giữ gìn và góp phần lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống, bồi đắp những giá trị văn hóa mới cho quê hương Hải Châu./.

Bài và ảnh: Hồng Minh
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com