Nhân nghĩa tự lòng ta

09:11, 08/12/2023

(Đọc “Ước vọng” - Nguyễn Thế Khanh)

Nâng “Ước vọng” trên tay, tôi vô cùng trân trọng cái tình của tác giả. Nguyễn Thế Khanh - tên ông với tôi vừa quen, vừa lạ nhưng chữ “ nghĩa”, chữ “nhân” trong tập thơ thì làm tôi rung động, xao xuyến đến lạ kỳ!

Không lên gân, không quan trọng hóa vấn đề, nghĩa nhân trong ông là tình người, là cách đối nhân xử thế, là cách sống của con người đã qua dâu bể nhưng niềm tin và yêu ghét vẫn rạch ròi.

Đọc ông, biết ông đã qua nắng lửa, mưa rơi, nay đã ngoại bát tuần:

“Vẫn mài cho sáng chữ nhân
Cho trong chữ nghĩa, cho xuân chữ tình”

                                 (Ước vọng)

Rất bình dị nhưng lại lung linh ánh sáng của tâm hồn cao khiết. Ước vọng của “thi lão” đã từng sống cho chữ “nhân”, chữ “nghĩa”, chữ “tình” làm ta không thể không suy nghĩ.

Đã từng, nhưng vẫn tiếp tục rèn giũa, “mài” cho sắc hơn, không ngừng “gạn đục khơi trong”, vun đắp cho tình đời “xuân” mãi. Vừa từng trải, vừa bền bỉ, trẻ trung và nhẫn nại, vừa mở lòng với mọi yêu thương, chỉ hai câu trong tự bạch đã thấy ở ông cả “chất thép” kiên cường, cả “chất tình” mênh mông, sâu lắng.

Tôi yêu thơ ông ở tấm lòng với quê hương vô cùng đằm thắm. Đã qua cửa “quan trường” nhưng “hương lúa, hương bưởi, hương cau, hương chanh” cứ vấn vương, quấn quýt, “yêu nét bao đời chân quê” nên ông đã bắc “nhịp cầu duyên”. Để rồi: tình người, tình biển, tình quê dệt trong ông “sợi thương, sợi nhớ”. Ông viết về quê hương tha thiết như người mắc nợ “mấy mùa lúa, mấy phận người”. Đọc mà rưng rưng trước tấm lòng của người con nặng tình cùng quê mẹ. Thương lắm, những trưa hè nắng lửa, những chiều đông, mẹ cha xuống đồng để con có bát cơm thơm!

Tóc đã nhuộm sương nhưng cái tình với quê hương mãi đậm sâu như thuở ban đầu.

Và “nhân nghĩa” chẳng phải ở đâu đâu. Đó là niềm thương đến cháy bỏng khi cảm nhận về dáng mẹ “liêu xiêu” nhưng “lưng còng mẹ cõng nắng chiều sớm trưa”.

Viết bao nhiêu cũng chẳng vừa khi dáng mẹ nhỏ bé mà mang cả “sớm trưa nắng chiều”. Chỉ một hình ảnh nhỏ mà thấy mẹ thật là vĩ đại! Ở mẹ có sự nhọc nhằn, vất vả gian nan bởi nặng lo toan, có sự tảo tần, chịu thương chịu khó. Tình yêu của mẹ chiến thắng cả bão giông, sương gió. Mẹ sánh vai, không - mẹ chinh phục cả thiên nhiên. Trong vòng tay mẹ, con được bình yên.

Và con lớn lên, “đường đời in dấu thấm dần nắng mưa” nhưng nghĩa tình xưa cứ dầy theo năm tháng. Nước dưới sông khi đầy, khi cạn nhưng sự thuỷ chung và niềm thương cứ ăm ắp trong tim:

“Thương người chờ đợi sớm trưa
Đợi cây cầu nối đôi bờ bình yên”

Và hoa hồng vẫn đơm nhụy, nét duyên vẫn đậm đà tình xuân. Đó chính là cái nghĩa, cái nhân của con người biết trọng ân, trọng nghĩa.

Chính vì vậy, ông đã chọn cách “sống là cho”, gắng gỏi “vuông gọt thành tròn”, chắt chiu “gom lại để còn mãi sau” (Một mình).

Ở tuổi bát thập, ông vẫn đau đáu một nỗi niềm: sao cho vẻ đẹp tâm hồn thắm “như sắc hoa hồng”, “sáng tựa vầng dương”, “như nước trong ngần” bởi, đó là “vẻ đẹp quê hương”, là “tiếng ầu ơ”, là dáng mẹ “liêu xiêu”

những chiều giông gió, vẫn khát khao gìn giữ hạt giống đẹp tâm hồn “đợi mùa sinh sôi” nảy nở.

Không trân trọng và kính nể sao được trước những “ước vọng” thánh thiện của một tâm hồn cao khiết. Người đã quên thời gian, mải miết ươm trồng “nghĩa nhân” bằng tất cả những gì gần gũi, yêu thân. Không chút ngại ngần, viết về tình cảm vợ chồng, trái tim của “lão thi” vẫn bồi hồi, da diết:

“Nước trong - trong tận mắt nhau
Cây xanh - xanh mãi một màu xanh - xanh
Bão giông - cành vẫn nguyên cành
Gốc còn vững gốc, sinh nhành nở hoa”

                                                (Đôi ta)

Để “đã xuân... xuân nữa vẫn là ngày xuân”. Những vần thơ mộc mạc, chân tình mà sáng lên một nhân sinh lấp lánh. Ở đó có tình yêu chắp cánh nên vẫn xanh màu hy vọng, trẻ trung, dù có thác ghềnh, cây vẫn bền gốc, liền cành, đơm hoa kết trái.

Bỗng dưng muốn dừng lại, soi vào những câu thơ của ông để cảm nhận những hạnh phúc, thăng trầm mà ông từng trải (như ông đã từng điểm trong tập thơ), để trân trọng những ước mơ, để hiểu vì sao ông nâng niu, mừng vui trước những đổi thay của quê hương, cuộc đời đến thế. Và để cảm phục một tâm hồn tươi trẻ khi đã vượt cả ngưỡng “xưa nay hiếm” nhiều rồi.

Không còn sung sức như tuổi đôi mươi, về với đời thường, ông dùng thơ để trải lòng. Vẫn sáng trong một ước vọng: tiếp tục góp cho mai sau một trái tim tràn đầy nhiệt huyết.

Thơ ông nhắc nhiều đến chữ “xuân” như tâm hồn ông xuân lại, như chữ “nghĩa nhân” mãi mãi chẳng già.

“Xuân này, xuân nữa, xuân xuân nữa
Bút quyện hương thơ tỏa đất trời”

Và, mặc:

“Dòng đời nghiệt ngã theo năm tháng
Vẫn nhớ “nàng thơ” vẫn đợi chờ”

                                               (Cảm xuân)

Tác giả đã không né tránh một sự thật. Đó là sự khắc nghiệt của thời gian, quy luật của tự nhiên, nhưng không phải để than mà bộc lộ tình yêu thơ chứa chan trong từng câu chữ. Chính “nàng thơ” đã giúp ông thực hiện những gì còn dang dở. Ông gửi vào thơ cái tình của con người nặng nghĩa với đời, với những người đi trước, với cha mẹ, với quê hương. Một con người từng trải phong sương, nhưng chí can trường thì không gì ngăn nổi. Ông luôn nhìn về phía trước, hướng tới ngày mai. Vì vậy:

“Đường đời đâu ngại chông gai
NGHĨA NHÂN là gốc, ĐỨC TÀI là cây”

                                (Không thể nào quên)

Có lẽ, đây chính là linh hồn của tập thơ, là điều ông muốn trao gửi cùng độc giả. Những vần thơ, những tâm tình của ông nhẹ nhàng mà sâu lắng quá!

Gập trang sách lại rồi mà lòng cứ bâng khuâng. 57 bài thơ, 57 mảnh nhỏ của một tâm hồn lớn giàu nghĩa nhân khiến ta cứ trăn trở, nghĩ suy: mình đã sống như thế nào, đã làm được những gì như trong ƯỚC VỌNG...

(8-10-2023)

Đỗ Thị Thu Hà

 


Từ khóa:

Nhân nghĩa

tự lòng ta


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com