Góp phần gìn giữ, bảo tồn nhạc cụ truyền thống

06:22, 01/09/2023

Với tình yêu âm nhạc, nhiều nghệ nhân, nhạc công trong tỉnh đã dành tâm huyết truyền dạy, quảng bá, chế tác các nhạc cụ dân tộc, góp phần gìn giữ, bảo tồn các loại hình nghệ thuật truyền thống.

Ươm mầm hạt nhân

Một trong những khó khăn cần được tháo gỡ để duy trì hoạt động của các câu lạc bộ (CLB) văn nghệ quần chúng ở các địa phương đó là thiếu nguồn lực con người, nhất ở những môn nghệ thuật truyền thống như chèo, ca trù… bởi thành viên chủ yếu hiện nay là người cao tuổi. 

Nghệ nhân Ưu tú Trần Quang Lộc (ngoài cùng bên phải) dành nhiều tâm huyết truyền dạy đàn, hát loại hình hát chèo, ca trù tại huyện Ý Yên.
Nghệ nhân Ưu tú Trần Quang Lộc (ngoài cùng bên phải) dành nhiều tâm huyết truyền dạy đàn, hát loại hình hát chèo, ca trù tại huyện Ý Yên.

Từ nhiều năm qua, phong trào văn nghệ quần chúng ở các huyện Ý Yên, Hải Hậu phát triển bền vững một phần nhờ sự quan tâm đầu tư của cấp ủy, chính quyền địa phương; ngoài ra còn có sự chung tay của các nghệ nhân luôn đau đáu trao truyền, giữ lửa nghề cho các hạt nhân văn nghệ. Sinh ra trong gia đình có truyền thống hát chèo ở xã Yên Phong, ngay từ nhỏ Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Trần Quang Lộc đã bộc lộ năng khiếu về nghệ thuật. Ông chia sẻ: Niềm đam mê nhạc cụ gắn bó với ông từ thuở thiếu thời. Năm 1971, khi nhập ngũ và tham gia đội tuyên văn xung kích của Sư đoàn 304, ông đã học được ngón đàn Mandolin từ các đồng đội. Xuất ngũ trở về địa phương năm 1975, ông tích cực tham gia phong trào văn nghệ quần chúng. Trong CLB văn nghệ địa phương, ông vừa làm đạo diễn, diễn viên và “bí” nhạc sĩ nên ông phải tự học chơi một số nhạc cụ dân tộc. Thời đó, việc tiếp cận các tài liệu nhạc lý rất khó khăn, ông đã tầm sư học nhạc từ các bậc cao niên trong huyện. Với năng khiếu thẩm âm tốt, chỉ thời gian ngắn ông đã chơi thành thạo các loại đàn: Nguyệt, Nhị 1-2, Hồ Trung - Đại… Năm 2002, ông được bầu làm Chủ nhiệm CLB ca trù Ý Yên. Ông vừa có khả năng đánh trống, vừa viết lời mới cho các bài ca trù, trong đó có các bài: “Ý Yên bức tranh quê”, “Trấn Sơn Nam địa linh”, “Nam Quốc sơn hà”… Dưới sự dẫn dắt của ông, CLB ca trù Ý Yên nhiều lần được chọn tham gia liên hoan ca trù của Trung ương và tỉnh tổ chức giành nhiều huy chương vàng, bạc. Ông cùng các thành viên trong CLB đã mở nhiều lớp dạy đàn, hát ca trù miễn phí ở địa phương. Ngoài hoạt động về ca trù, NNƯT Trần Quang Lộc còn đam mê nghệ thuật chèo. Ông là người có công phục dựng các làng chèo Giao Hải (Giao Thủy) và một số địa phương ở tỉnh Ninh Bình như xã Ninh An (Hoa Lư), làng chèo thôn Liên Huy (Gia Viễn). Riêng huyện Ý Yên ông cùng với Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao huyện mở các lớp dạy hát, múa, diễn chèo ở các xã, thị trấn trong huyện… Để tạo sân chơi cho người yêu chèo, năm 2004, ông thành lập CLB chèo Ý Yên. Để duy trì các làn điệu chèo truyền thống, NNƯT Trần Quang Lộc cùng các thành viên CLB thường xuyên mở lớp dạy đàn, hát chèo miễn phí ở các xã Yên Cường, Yên Tân, thị trấn Lâm và Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, mỗi lớp có từ 70-75 học viên. 

Ở huyện Hải Hậu, ông Đinh Thạch Biên nổi tiếng với gần 40 năm giữ lửa nhịp chèo Hải Châu. Ông là một trong những nghệ sĩ làng quê hiếm hoi hát được những điệu chèo cổ và chơi thành thạo các nhạc cụ như: sáo, nhị, đàn bầu, đàn nguyệt. Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, 9 năm chiến đấu tại mặt trận Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và Tây Nguyên, ông Biên được coi là “cây văn nghệ” của đơn vị C3, Trung đoàn 49. Sau mỗi trận đánh ác liệt, những phút giải lao, mỗi lần tiếng sáo của ông cất lên, các chiến sĩ trong đơn vị được đắm mình trong những giai điệu gợi nhớ quê hương, tiếp thêm niềm tin yêu, lạc quan, vượt qua mọi khó khăn nơi “túi bom, vựa đạn”, cùng động viên nhau vững tâm, bền trí đánh giặc giải phóng quê hương. Năm 1976, xuất ngũ trở về địa phương, ông Biên được giao phụ trách đài truyền thanh của xã, kiêm đội trưởng đội văn nghệ. Niềm say mê với nghệ thuật chèo là động lực để ông nỗ lực tập hợp anh em nhạc công, tìm kiếm và truyền nghề cho diễn viên trẻ. Để đáp ứng kịp thời nhiệm vụ tuyên truyền, vừa chỉ huy, truyền dạy nhạc công dàn nhạc, ông Biên còn sáng tác gần 30 vở chèo ngắn, hoạt cảnh với nhiều đề tài. Những vở diễn do ông sáng tác phản ánh những vấn đề hiện thực trong đời sống, trong đó xây dựng thành công những gương sáng, nhân tố mới trên các mảng đề tài, lĩnh vực: thương binh, liệt sĩ; chuyển đổi cơ cấu kinh tế cây trồng, vật nuôi, phong trào xây dựng nếp sống văn hoá mới, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình… Tiêu biểu là các vở: “Hạt giống quê hương”, “Tìm lại mộ cha”, “Câu chuyện nhỏ làng tôi”, “Mái ấm tình thương”, “Giỏi chèo khéo chống”, “Chỉ giới con đường”. Hơn 30 năm trên cương vị đội trưởng, ông Đinh Thạch Biên cùng với các anh chị em trong đội chèo Phú Vân Nam không ngừng phát huy và gìn giữ nghệ thuật chèo quê hương, góp phần phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hoá, văn nghệ của bà con địa phương.

Đam mê chế tạo nhạc cụ

Ở phường Lộc Hạ (thành phố Nam Định), ông Vũ Khắc Phùng (80 tuổi) nổi tiếng trong giới chơi sáo. Chỉ với những dụng cụ đơn giản như: dao y tế, giũa, giấy ráp, thước kẻ, một thanh sắt…, ông Phùng nhanh chóng “biến” những ống trúc, nứa thành những cây sáo. Cầm cây sáo thành phẩm trên tay, ông Phùng cho biết, sáo trúc gắn bó với ông từ thuở nhỏ. Năm 1963, khi nhập ngũ, ông được điều về làm ca sĩ đoàn văn công Sư đoàn 9. Trong quân ngũ, ông được học thêm về nhạc khí, đặc biệt là sáo trúc. Năm 1976 trở về địa phương, ông tham gia đội văn nghệ cựu chiến binh phường Lộc Hạ. Từ năm 1996, ông nảy ra ý tưởng làm những cây sáo để tặng những người có cùng đam mê. Với việc sử dụng đôi tai cảm âm và đôi tay khéo léo để làm, cây sáo do ông làm ra không chỉ đẹp về thẩm mỹ mà còn đảm bảo chất lượng. Ông Phùng cho biết: “Hiện nay có nhiều nguyên liệu có thể làm sáo như ống nhựa, ống inox… nhưng sáo được làm từ nứa và trúc nghe vẫn có “hồn” hơn. Bởi vậy, dù mất thời gian đi tìm những cây nứa, cây trúc ông vẫn cố gắng để làm ra được cây sáo ưng ý”. Cùng với nghề làm sáo trúc, từ năm 1996 đến nay ông mở lớp dạy sáo miễn phí cho hàng trăm người. Hiện nay, tại các lớp sáo trúc của ông, các học viên chủ yếu là học sinh, sinh viên các trường: Đại học Điều dưỡng Nam Định, Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định, THCS Lộc Hạ, THCS Trần Đăng Ninh (thành phố Nam Định)… Bên cạnh việc làm sáo, để phục vụ lớp học sáo, ông Phùng thường xuyên cập nhật các giáo trình nhạc lý, làm tài liệu cho các học viên nghiên cứu.

Anh Lê Anh Thao (thành phố Nam Định) với khả năng chế tạo nhiều loại sáo truyền thống.
Anh Lê Anh Thao (thành phố Nam Định) với khả năng chế tạo nhiều loại sáo truyền thống.

Anh Lê Anh Thao (36 tuổi) ở thành phố Nam Định là người nổi tiếng trong giới chơi sáo và chế tác sáo. Nguyên là nhạc công của Nhà hát Chèo Nam Định (nay là Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh), anh Thao có kinh nghiệm biểu diễn sáo chuyên nghiệp và có thể chế tác được nhiều loại sáo như: sáo ngang, sáo mèo, tiêu… Tình yêu với sáo bén duyên với anh từ năm anh học lớp 6. Ban đầu bắt chước theo mẫu có sẵn, anh tự mày mò để làm cây sáo cho âm thanh ưng ý. Sau này có điều kiện học chuyên sâu về sáo ở Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Thái Bình và công tác ở Nhà hát Chèo Nam Định, anh đã chế tác được những cây sáo với âm sắc chuẩn theo nhạc lý. Anh Thao cho biết: Quy trình làm sáo khá phức tạp, từ khâu chọn nguyên liệu đến xử lý phần thô. Nguyên liệu được anh lựa chọn là những cây trúc, cây nứa bánh tẻ thẳng, có độ già vừa phải. Nếu mua nguyên liệu tươi phải phơi ống trúc, nứa nơi khô ráo, tránh ánh nắng gắt. Thanh nứa, trúc sau khi xử lý được anh đo đạc cẩn thận theo thông số để xác định tone cho cây sáo; tiếp đó định hình khoảng cách của các lỗ bấm, lỗ thổi, lỗ định âm sao cho phù hợp với tone sáo. Đối với mỗi tone sáo lại có thông số kỹ thuật, cách chọn nứa, trúc kích thước khác nhau. Để được một cây sáo chuẩn phải trải qua quá trình chỉnh âm khắt khe. Ở công đoạn này, anh Thao vừa dùng tai để cảm âm, vừa dùng máy đo âm thanh chuyên dụng để chỉnh lại lỗ bấm hoặc lỗ thổi. Công đoạn cuối cùng là trang trí cho cây sáo bằng cách đánh bóng và thêm hoa văn. Hiện nay, công nghệ cho phép sản xuất số lượng sáo lớn trong ngày nhưng anh Thao vẫn trung thành với phương pháp làm sáo thủ công, trau chuốt và tỉ mỉ trong từng khâu sản xuất từ chọn trúc cho đến đục lỗ. Đặc biệt, anh Thao là một trong những chuyên gia luôn nhiệt tình tư vấn, truyền dạy kỹ năng chơi sáo cho những người đam mê.

Luôn đau đáu mong muốn phát triển, lan tỏa giá trị các nhạc cụ truyền thống, những nhạc công, nghệ nhân vẫn không ngừng học hỏi, cập nhật các tài liệu mới, soạn giáo trình để truyền dạy đến những người cùng đam mê. Những việc làm thầm lặng của các nhạc công, nghệ nhân trên địa bàn tỉnh đã góp phần tôn vinh những giá trị văn hóa của dân tộc, giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về âm nhạc truyền thống, qua đó là hạt nhân nòng cốt phát triển phong trào văn nghệ quần chúng ở địa phương./.

Bài và ảnh: Viết Dư
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com