Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta bước vào giai đoạn cuối ngày càng khó khăn, ác liệt. Đáp lại lời kêu gọi thiêng liêng của Tổ quốc, năm 1971 nhà giáo Trần Hữu Đức (sinh năm 1947, quê ở xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Lộc) đã tạm gấp lại những trang giáo án, xếp bút nghiên lên đường vào Nam chiến đấu trên mặt trận Quảng - Đà và anh dũng hy sinh vào năm 1973, khi mới 26 tuổi xuân.
Tượng đài chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc. Ảnh: Internet |
Làm thơ và được in khá đều đặn trên các báo từ năm 1969, Trần Hữu Đức đã để lại trong lòng người đọc những vần thơ đằm thắm, dung dị. Xuyên suốt các tác phẩm của ông là tình yêu gắn bó với cuộc sống, với quê hương. Tình yêu ấy bền chặt, tha thiết như sợi chỉ hồng kỳ diệu nối người lính với gia đình, nối tiền tuyến với hậu phương và nối quá khứ, hiện tại với tương lai tươi đẹp. Tiếng sáo là một trong số những thi phẩm hay của Trần Hữu Đức mà tứ thơ được xuất phát từ một hình ảnh gần gũi:
Rút sáo bên người tay nâng ngang môi
Và anh thổi, hai bàn tay gân guốc
Bỗng dịu dàng những ngón tay nhẹ vuốt
Tiếng sáo bổng lên tất cả chìm đi...
Hành trang ra trận của người lính bên khẩu súng nặng căm hờn là cây sáo trúc nhỏ giản dị, thân thương. Trong khoảnh khắc bình yên hiếm hoi giữa hai trận đánh, tiếng sáo ngân lên nơi chiến trận vừa im tiếng súng, còn đầy khói lửa đạn bom ác liệt. Đấy là giai điệu của quê hương, giai điệu của tâm hồn đã giúp người lính thêm tin yêu vào cuộc sống chiến đấu và giảm bớt sự khắc nghiệt của cuộc chiến tranh. Từ tiếng sáo ấy, hiện lên hình ảnh quê hương thật trữ tình, thơ mộng với vườn cây, dòng sông, cánh cò trắng, lời ru của mẹ… Và quê hương càng trở nên gần gũi, thân thương hơn khi gắn liền với công việc sản xuất và chiến đấu. Quê hương vừa là điểm tựa lại vừa đồng hành cùng người lính:
Cha thương con say mê đánh giặc
Mẹ thương con cày cấy tháng năm dài
Người lính chiến đấu vì quê hương và quê hương cũng vì người lính mà ra sức sản xuất thêm nhiều của cải vật chất để phục vụ cho cuộc kháng chiến. Hậu phương và tiền tuyến đều sống, chiến đấu vì nhau và cùng hướng đến một mục tiêu chung, đó là đánh đuổi quân xâm lược, giành độc lập, thống nhất đất nước. Người lính trong bài thơ này say mê vẽ bức tranh về quê hương yêu dấu của mình bằng những tiết tấu âm thanh. Nhưng những giai điệu du dương, trìu mến ấy lại bị tiếng rú lạc loài man dại của bầy máy bay Mỹ làm gián đoạn:
Tiếng rú lạc loài vừa lẩn đâu đây
Anh ngừng sáo và lao ra vội vã
Tiếng súng lại đàng hoàng đánh trả
Khi ngang trời tiếng sáo còn vang...
Ở thơ Trần Hữu Đức, tình yêu quê hương gắn liền với tình yêu lao động, tình yêu đôi lứa. Những tình cảm ấy có mối quan hệ biện chứng, không thể tách rời:
Khi cầm bàn tay em
Anh hiểu quê mình thương mến
Trong bài thơ Hai bàn tay cô gái, tác giả ca ngợi những con người trên mặt trận lao động sản xuất. Ở đây, mỗi người đều muốn làm việc gấp đôi gấp ba, muốn đóng góp sức mình nhiều hơn nữa cho cuộc kháng chiến. Trong những chiến thắng của người lính ngoài trận địa bao giờ cũng có công lao của người hậu phương. Hình ảnh những cô gái Nam Định đảm đang, tháo vát với đôi bàn tay khéo léo hiện lên mang vẻ đẹp vừa cụ thể, gần gũi vừa huyền thoại, thần kỳ:
Chạm vào đâu là đấy mãi ngời lên/ Lóng lánh tay mai, lấp lánh tay liềm/ Ngời ngợi tay cày, lung linh tay hái/ Ấm màu nắng những ngày mưa xối/ Mát màu mưa ngày hạn cháy đồng…
… Và hai bàn tay ấy xung phong/ Trải bát ngát cánh bèo dâu mùa nực/ San hố bom, bắn bầy phản lực/ Đều nhịp cần lao cho máy xát, máy bơm
Đọc đoạn thơ này, chúng ta lại liên tưởng đến bài ca dao quen thuộc Ước gì mẹ có mười tay ca ngợi phẩm chất đảm đang và thương con của người phụ nữ Việt Nam. Trong thơ Trần Hữu Đức, tình yêu của cô gái lại được gửi vào đồng ruộng với những chiều mưa trưa nắng. Tác giả cảm phục và không tiếc lời ngợi ca bằng những câu thơ có nhiệm vụ liệt kê các việc làm của cô gái. Có lẽ không có sự đánh giá nào thoả đáng bằng nhận định của nhà thơ:
Và anh thấy bao điều mơ ước
Đều hiện dần từ hai bàn tay em
Còn ở bài thơ Cầu thang hai ta, từ tình yêu của một đôi trai gái giàu lý tưởng, biết đặt tình cảm riêng tư vào trong tình yêu lớn: đất nước. Cái cầu thang là nơi tình yêu gặp gỡ, để rồi tình yêu dâng cao:
Em dịu dàng nhường lối anh đi/ Ván gỗ ngập ngừng trên cầu thang hẹp/ Anh muốn nói, nhưng bàn chân lỡ bước/ Để tình anh từng bậc dâng cao…
Những câu thơ diễn tả sự rụt rè, e ấp của đôi trai gái ở cái thuở ban đầu đáng yêu, đáng nhớ ấy. Trong đó Để tình anh từng bậc dâng cao là một câu thơ hay, thể hiện sự tinh tế và tài hoa trong ngòi bút Trần Hữu Đức. Và cũng chính từ cái “cầu thang tình yêu” này, hai người chia tay nhau để trở về vị trí chiến đấu của mình: anh vào đất lửa phương Nam còn em lên trận địa nơi nóc nhà máy Dệt, vừa sản xuất vừa chiến đấu:
Tóc em say mùi nắng/ Như nhắc anh vào đất lửa phương Nam…
Những bậc thang đưa em lên nóc nhà máy Dệt/ Đường đạn bay loè đỏ trong đêm...
Tình yêu của họ thật cao cả, thiêng liêng bởi họ biết hy sinh, biết dâng hiến cho quê hương, đất nước. Dù chiến đấu ở hai vị trí khác nhau nhưng chàng trai và cô gái vẫn chung một lý tưởng, chung niềm tin và họ cùng nhìn về một hướng:
Chòm Bắc đẩu thành niềm tin, nỗi nhớ…
Ta thắng quân thù bằng sức mạnh tình yêu
Tình yêu và niềm tin đã trở thành nguồn sức mạnh to lớn, trở thành động lực giúp đôi trai gái góp công vào những chiến thắng. Chàng trai, cô gái trong bài thơ này nói riêng và toàn dân tộc ta nói chung đều đã chiến thắng mọi quân thù cũng nhờ một phần vào tình yêu son sắt với gia đình, quê hương, đất nước và niềm tin tất thắng đó…
Điều dễ nhận thấy là thơ của nhà giáo - nhà thơ, liệt sĩ Trần Hữu Đức luôn tràn ngập tình yêu, luôn gắn liền với những hình ảnh giản dị, gần gũi, thân thương của quê hương Nam Định yêu dấu, đúng như cảnh sắc Thành Nam hiện lên trong tâm tưởng nhà thơ Phạm Trọng Thanh trong bài thơ Ngày trở gió khi nhớ về người bạn của mình:
Đi ngược nửa đời tìm lại ngày tiễn nhau, tiếng còi cháy sân ga, hoa phượng rắc cổng trường như lửa. Trang giáo án với bài thơ vịết vội trao tay người yêu, hành quân - nghìn dặm đất nghe bàn chân máu ứa.
...
Ngôi nhà xưa mỗi mùa xuân qua trắng muốt cánh ngọc trâm, cầu thang cũ dâng dâng từng bậc, vời vợi bước chân năm tháng xa dần.
Thắp nén nhang thơm ngày nhớ bạn, hiển hiện nụ cười trong vầng khói sương lãng đãng, câu Lý hoài nam qua hết dốc đèo khúc ca thương cảm, chàng trai Nam Định ở với đất trời Quảng Nam hương quế thoảng lên ngàn... (Tưởng nhớ Trần Hữu Đức và các bạn không về)…
Đàm Văn Nghệ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin