Sau mùa gặt, ở quê tôi, nhà ai cũng có một cây rơm, cây rạ to đùng, sừng sững ở góc vườn hoặc hồi nhà.
Ảnh minh họa. |
Vụ mùa lúa chiêm gặt xong, rơm màu vàng tươi được phơi ở khắp đường ngang, ngõ tắt. Đàn gà ri luôn chân chạy nhảy hết chỗ này đến chỗ khác, mổ nhau chí chóe. Ngày vài lần, bố tôi dùng cái “càng cua” bằng tre để gẩy rơm. Rơm bên dưới còn tươi nằm ép xuống mặt đường, được đảo lên cho chóng khô. Tất bật nhất là lúc gặp cơn mưa. Trời đang nắng oi, sân ngõ tràn ngập rơm, một cơn gió thổi mạnh, rồi mây đen kéo về phủ kín bầu trời. Lác đác những giọt mưa giáo đầu, to và nặng trịch... Cả nhà đang quây quần bên mâm cơm vội đứng cả dậy, người gẩy rơm từ đầu ngõ lại, người vun rơm, bốc rơm thành từng đống nhỏ trong sân. Mồ hôi ròng ròng trên trán, ướt đẫm lưng. Hơi rơm nóng hầm hập phả vào mặt... Bà nhanh tay quét những hạt thóc vương vãi nơi đầu ngõ... Khi cơn mưa rào dội xuống, sân rơm cũng vừa thu dọn xong.
Ngoài hạt thóc, người dân quê tôi quý từng cái rơm, cái rạ, nhất là vụ tháng mười, cánh đồng bị ngập nước. Đem được rạ lên bờ phơi là cả một sự vất vả, phải đổ mồ hôi, công sức để rơm rạ được khô, được nắng. Cây rạ có thể đánh đống ở xa nhà. Riêng cây rơm cho trâu ăn phải sạch sẽ, thơm tho. Người đánh đống rơm cũng phải có kỹ thuật, rũ đều, nén chặt, nếu không cây rơm sẽ đổ hoặc thối ngọn, rơm sẽ bị mục nát. Khi rút rơm cho trâu bò ăn phải rút đều xung quanh để tạo sự cân bằng cho cây rơm.
Rơm cũng có nhiều loại: rơm tẻ, rơm nếp, rơm tám... Thông thường, rơm tẻ để cho trâu bò ăn và đun bếp. Rơm nếp cứng hơn, bà để bó chổi hoặc bó rau, bó mạ. Vụ mùa, gặt lúa nếp về, bà lấy đũa tuốt từng bông rồi bó rơm suốt thành từng đon nhỏ, phơi khô, để dành đến ngày mưa rồi lấy rơm ra tuốt lõi. Ruột rơm vàng óng ả, dai và bền, bện thành chổi quét nhà. Cứ bện được mươi cái chổi, nhà dùng không hết, bà lại đội đi chợ bán. Ngày đông buốt giá, bà lấy rơm trải ổ để nằm. Trong cái thảm rơm ấy, mùi rơm thơm như còn đọng mùi thơm của lúa đồng...
Bây giờ, người dân quê tôi không dùng rơm rạ để đun hoặc cho trâu bò ăn. Gặt hái xong, thóc được chuyển về nhà, rơm rạ để ngoài đồng, đem đốt. Cả cánh đồng bị hun khói. Cột khói rơm tươi âm ỉ cháy mấy ngày liền. Không gian bao trùm sự ô nhiễm, ngột ngạt. Lau cặp kính, nhìn ra ngoài cánh đồng, nhìn màu khói xanh lam lơ lửng, nhè nhẹ... bà chớp đôi mắt già nua, u hoài…
Đành rằng, trong cuộc sống hiện đại hôm nay, người ta ít dùng chổi lúa mà dùng chổi cán dài, chổi đót…, sang hơn là dùng máy hút bụi nhưng hình ảnh về những cây rơm ở làng quê và những bài học đầu tiên về sức lao động, về giữ gìn vệ sinh môi trường mà bà đã dạy vẫn in đậm trong ký ức tôi./.
Lưu Thị Hoà
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin