Nam Định là vùng đất địa linh, nhân kiệt, nơi hội tụ và lan tỏa nhiều giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú, đa dạng gắn với các di tích lịch sử - văn hóa, công trình tôn giáo - tín ngưỡng. Tại Khu di tích lịch sử - văn hóa quốc gia đặc biệt Đền Trần - Chùa Phổ Minh, phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định) hàng năm có 2 lễ hội quy mô lớn gồm: Lễ hội Trần (tháng 8 âm lịch) và Lễ hội Khai ấn đầu Xuân. Trong đó, Khai ấn Đền Trần đầu Xuân là một trong những lễ hội lớn, có từ lâu đời, hàng năm đều thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách thập phương tham dự.
Lễ rước kiệu Ngọc Lộ (rước chân nhang Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông) từ Chùa Phổ Minh sang Đền Thiên Trường. |
Lễ hội Khai ấn Đền Trần hàng năm diễn ra từ ngày 11 đến 16 tháng Giêng; trong đó chính Lễ hội Khai ấn diễn ra vào đêm ngày 14 là một tục lệ cổ tại Tiên Miếu nhà Trần (Phủ Thiên Trường xưa) với ý nghĩa nhân văn lớn lao là cầu cho “quốc thái dân an”, thiên hạ thái bình, thịnh trị; mọi nhà chung hưởng lộc ấn “Tích phúc vô cương” của Đền Trần; mọi người bước vào năm mới mạnh khỏe, lao động hăng say, học tập và công tác tốt. Ngày nay, Lễ Khai ấn được duy trì tổ chức không chỉ mang đậm giá trị văn hóa truyền thống, mà còn có ý nghĩa giáo dục sâu sắc về truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc cho những người về dự hội. Tham dự Lễ hội Khai ấn Đền Trần là dịp để các thế hệ người dân bày tỏ lòng thành kính, tri ân công đức đối với Vương triều Trần - Triều đại thịnh trị bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam và đối với Đức Thánh Trần - Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn - người có công lớn trong các chiến công đánh giặc giữ nước hiển hách của Nhà Trần, được nhân dân suy tôn là bậc Thánh; khơi dậy niềm tự hào về Hào khí Đông A sáng ngời của quân dân Đại Việt 3 lần đại thắng quân Nguyên - Mông xâm lược. Những bài học về tinh thần đoàn kết của dân tộc, về kế sách đánh giặc của vua, tướng nhà Trần: “Vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, cả nước góp sức”, “Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ, bền gốc” sẽ mãi là những bài học trị quốc quý báu của dân tộc ta. Thông qua Lễ hội Khai ấn Đền Trần nhằm khích lệ tinh thần đoàn kết, tình cảm gắn bó cộng đồng để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển.
Đến với Lễ hội Khai ấn Đền Trần đầu Xuân, người dân không chỉ thỏa mãn ước nguyện cầu may, cầu phúc mà còn được chiêm ngưỡng cảnh quan, những giá trị di sản truyền thống của Khu di tích lịch sử - văn hóa Đền Trần - Chùa Tháp Phổ Minh. Từ những công trình kiến trúc tiêu biểu cho nghệ thuật, phong cách kiến trúc thời Trần đến các tài liệu, hiện vật được lưu giữ, bảo tồn qua hàng trăm năm... phần nào thể hiện lịch sử thời đại huy hoàng, oanh liệt “võ công, văn trị” nhà Trần. Rước kiệu Ngọc Lộ (rước chân nhang Vua Trần Nhân Tông) là nghi lễ mở đầu cho Lễ hội Khai ấn Đền Trần được tổ chức vào ngày 11 tháng Giêng, khởi hành từ Chùa Phổ Minh sang Đền Thiên Trường. Ngoài ý nghĩa tâm linh là rước chân linh Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông về bái tiên tổ Trần triều và dự nghi lễ thờ thủy tổ dòng họ, nghi lễ này còn mang ý nghĩa tri ân công đức các bậc tiên tổ, dung hòa tôn giáo và tín ngưỡng dân gian, giáo dục truyền thống cho thế hệ con cháu. Đặc biệt, từ năm 2014 đến nay, tại Lễ hội Khai ấn Đền Trần đã khôi phục các nghi lễ rước Nước, tế Cá. Đây là một lễ nghi quan trọng, truyền thống được thực hiện từ xa xưa tại Đền Trần nhằm tri ân nguồn cội sông nước chài lưới của nhà Trần, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Ngày 12 tháng Giêng diễn ra các nghi thức: dâng sớ, thỉnh chân nhang đức Thánh Trần tại Đền Cố Trạch; sau đó tổ chức rước kiệu ra giếng Rồng, tiến hành nghi thức lấy Nước. Đoàn rước hàng trăm người gồm: Đội rước lân, rồng, trống, chiêng, đội bát âm, kiệu rước Nước, kiệu rước Cá, đội đánh bắt cá với các vật dụng vó, giậm, nơm…; kiệu Thánh, đội tế nam quan, nữ quan… Sau khi lấy được nước, tổ chức đánh bắt hai loại cá: Triều đẩu (cá quả) và Long ngư (cá chép) tại ao thả cá cạnh giếng Rồng. Cá được đựng trong những chiếc thúng sơn đỏ để chuyển lên kiệu Rồng rước trở về Đền Thiên Trường, thực hiện nghi lễ dâng Nước và tế Cá. Tế lễ xong, cá được đưa đi phóng sinh ở sông Hồng, tại khu vực phà Hữu Bị, xã Mỹ Trung (Mỹ Lộc).
Lễ hội Khai ấn được tổ chức trang trọng vào giờ Tý, đêm ngày 14 tháng Giêng với các nghi lễ rước kiệu ấn từ Đền Cố Trạch sang Đền Thiên Trường, dâng hương, tế cáo trước ban thờ Trung Thiên Đền Thiên Trường, rước ấn vào nội cung và đặt tại ban công đồng để làm lễ xin Khai ấn. Bên trong nội cung, hòm ấn được đặt nghiêm trang trên bàn thờ, trong hòm có 2 con dấu bằng gỗ. Mặt ấn nhỏ khắc chữ “Trần Miếu”; mặt ấn lớn khắc chữ “Trần Triều tự điển” và “Tích phúc vô cương” - ý nghĩa mong muốn muôn dân, bách gia, trăm họ giữ gìn gia phong, kỉ cương, đạo đức, tích phúc đủ đầy thì lộc hưởng mới bền vững. Nghi lễ Khai ấn có sự tham gia của 14 cụ cao niên trong họ Trần của làng Tức Mạc, phường Lộc Vượng. Bồi tế đặt giấy điệp trịnh trọng trước chủ tế. Khi chiêng trống vang lên, chủ tế nghiêm trang đóng ấn mực đỏ vào tập giấy điệp. Trưởng từ Đền Trần cất giữ các lá ấn để dâng lên các đình, đền, chùa của phường Lộc Vượng gồm: Đền Thiên Trường, Đền Cố Trạch, Đền Trùng Hoa, Chùa Phổ Minh, Văn chỉ Hiền Đàn, Đình Tức Mặc, Đình Kênh, Đình Bái, Đình Vĩnh Trường và lưu trong hòm đựng ấn của nhà đền. Ngày 15 tháng Giêng tổ chức tế, lễ tiết Thượng nguyên, tế tiên tổ Vương triều Trần và thực hiện lễ dâng chúc văn hoàn cung. Theo truyền thuyết, người xin được lộc ấn mang về treo tại đền, phủ, từ đường hay tại gia có ý nghĩa trừ ma quỷ, hóa giải rủi ro và điều xấu, thu hút may mắn và thuận lợi trong đường công danh, sự nghiệp cả năm.
Rước kiệu trong lễ hội Khai ấn Đền Trần Xuân. |
Những năm qua, công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa thời Trần tại Nam Định được ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh. Lễ hội Khai ấn Đền Trần thực hiện đầy đủ các nghi lễ, nghi thức truyền thống đảm bảo trang trọng, ý nghĩa. Nhiều năm trước, những hình ảnh phản cảm diễn ra tại Lễ hội Khai ấn Đền Trần như: tình trạng chen lấn, xô đẩy, ném tiền lên kiệu ấn, “cướp lộc” ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch văn hóa tâm linh của Nam Định. Trong vài năm trở lại đây, với sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong việc phối hợp tổ chức, Lễ hội Khai ấn Đền Trần đã có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác tổ chức đã được thực hiện nghiêm túc, bài bản; đảm bảo nếp sống văn minh, an toàn cho người dân tham gia lễ hội.
Sau 3 năm (2020-2022) không tổ chức để phòng, chống dịch bệnh COVID-19, năm nay, Lễ hội Khai ấn Đền Trần Xuân Quý Mão được tổ chức trở lại. Khác với những năm trước, không gian Lễ hội Khai ấn Đền Trần được mở rộng với khu quảng trường trung tâm thuộc giai đoạn I của Dự án “Đầu tư xây dựng khu trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần tại Nam Định” đã hoàn thành. Để tổ chức tốt nội dung, chương trình Lễ hội Khai ấn Đền Trần Xuân Quý Mão 2023, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND thành phố Nam Định đã thành lập Ban tổ chức lễ hội và các tiểu ban triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn giao thông,... Năm nay, Lễ hội Khai ấn Đền Trần trùng vào các ngày nghỉ cuối tuần nên dự kiến số lượng du khách về dự lễ đông hơn so với năm trước. Để hạn chế tình trạng chen lấn, xô đẩy nhau khi đi xin lộc ấn, nhà đền tổ chức phát ấn cho nhân dân và du khách từ 5 giờ sáng 15 tháng Giêng tại các điểm: 2 nhà Giải Vũ, nhà trưng bày Đền Trùng Hoa. Trong các ngày từ 11 đến 16 tháng Giêng bên ngoài cổng ngũ môn Đền Trần sẽ diễn ra các hoạt động hội truyền thống gồm: múa lân, rồng, hát chèo, chầu văn, thi đấu cờ bỏi, đấu vật, võ thuật…
Lan tỏa giá trị văn hóa tín ngưỡng dân gian, tư tưởng nhân văn qua Lễ hội Khai ấn Đền Trần đầu Xuân góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, hun đúc tinh thần hướng thiện, ý chí đoàn kết và tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tâm linh của các tầng lớp nhân dân./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin