Sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán là thời điểm người dân nô nức trẩy hội mùa Xuân, chiêm bái, tham quan các đình, đền, chùa, miếu, phủ, các di tích, danh thắng, hòa mình vào không gian sinh hoạt văn hóa truyền thống, cầu may mắn, bình an và hạnh phúc cho năm mới. Để ngăn chặn, chấn chỉnh, xử lý kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật, hiện tượng tín ngưỡng biến tướng, phản cảm trong các lễ hội mùa Xuân, các cấp, các ngành trong tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả quản lý, tổ chức lễ hội; tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông và thực hiện nếp sống văn minh lễ hội, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân.
Múa rồng - Nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc trong Lễ hội Khai ấn Đền Trần Xuân Quý Mão 2023. |
Nam Định có hơn 100 lễ hội mùa Xuân tổ chức từ tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch, tập trung nhiều ở các huyện: Vụ Bản, Nam Trực, Mỹ Lộc, Xuân Trường, Ý Yên và Hải Hậu… Nhiều lễ hội được tổ chức với quy mô lớn; là hình ảnh thu nhỏ biểu đạt giá trị văn hóa tín ngưỡng vùng, miền, thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách thập phương tham dự, tiêu biểu như: Lễ hội Khai ấn Đền Trần (thành phố Nam Định), Chợ Viềng Xuân (Nam Trực, Vụ Bản), Lễ hội Phủ Dầy (Vụ Bản), Lễ hội Chùa Lương (Hải Hậu), lễ hội làng Ngọc Tiên (Xuân Trường)… Lễ hội Khai ấn Đền Trần Xuân là lễ hội giàu ý nghĩa nhân văn của quê hương Nam Định. Sau 10 năm thực hiện Đề án đổi mới công tác tổ chức lễ hội tại Khu di tích Đền Trần - Chùa Tháp gồm: Lễ hội Khai ấn (tháng Giêng) và Lễ hội Trần (tháng 8 âm lịch), công tác quản lý, tổ chức các lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực từ các hoạt động kinh doanh dịch vụ tại khu vực tổ chức lễ hội đến giao thông, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự... Hệ thống loa truyền thanh tại khu vực lễ hội thường xuyên tuyên truyền tới du khách thập phương các quy định pháp luật có liên quan đến công tác tổ chức, quản lý lễ hội, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân khi tham dự lễ hội. Đến với các hội chợ Viềng Xuân Vụ Bản và Nam Trực, du khách không chỉ được thỏa mãn ước nguyện “mua may, bán rủi” mà còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp cảnh quan, nghệ thuật kiến trúc các di sản văn hóa: Đình làng Vân Chàng, Đền Giáp Ba, Đền Giáp Tư, Quần thể di tích Phủ Dầy, tham dự, thưởng thức các môn biểu diễn nghệ thuật truyền thống, trò chơi dân gian đặc sắc mang đặc trưng vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng…
Cùng với việc đảm bảo mùa lễ hội Xuân diễn ra an toàn, lành mạnh, các địa phương trong tỉnh chú trọng công tác, quảng bá xúc tiến du lịch thông qua các sản phẩm làng nghề, mặt hàng đặc thù, truyền thống của địa phương; nâng cao chất lượng dịch vụ: vận chuyển, nhà hàng, khách sạn, khu sinh thái, nghỉ dưỡng…; tăng cường thông tin, tuyên truyền về các điểm đến hấp dẫn, kết nối tour du lịch; khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia quảng bá thương hiệu và giới thiệu sản phẩm du lịch tới du khách.
Dịp đầu xuân mới là thời gian mà các hoạt động tín ngưỡng trở nên khó kiểm soát, biến tướng mê tín dị đoan; chủ yếu xảy ra trong các lễ hội, “núp” dưới danh nghĩa phong tục cổ truyền, tín ngưỡng dân gian như: hái lộc, gieo quẻ, xem tử vi, dâng cúng sao giải hạn, đốt vàng mã, hầu bóng... tạo ra “hiệu ứng đám đông” không có sự phân biệt rõ ràng giữa tôn giáo, tín ngưỡng với mê tín dị đoan. Thời gian gần đây, tình trạng lạm dụng nghi lễ hầu đồng (sau khi tín ngưỡng thờ Mẫu được UNESCO vinh danh) tại một số đền, phủ gây tốn kém lãng phí, lợi dụng niềm tin tín ngưỡng để trục lợi đã được kiểm soát; những hình ảnh xấu như: “cướp” lộc nhà đền, ném tiền lẻ lên ban thờ, kiệu rước tại đêm Khai ấn Đền Trần đã được ngăn chặn, đẩy lùi hay tình trạng đốt vàng mã tràn lan tại nhiều di tích đã được hạn chế… Để chuẩn bị cho các lễ hội Xuân năm nay, các địa phương trong tỉnh đều ban hành các văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích, các hình thức sinh hoạt văn hóa, thực hành tín ngưỡng tôn giáo trong lễ hội; giao cộng đồng dân cư là chủ thể văn hóa cùng các cấp chính quyền, Ban quản lý, trụ trì, thủ nhang các đền, đình, chùa, phủ tham gia quản lý di tích, thực hành lễ hội, tránh biểu hiện tư nhân hóa, thương mại hóa di tích. Ban quản lý các lễ hội hoạt động ngày càng chuyên nghiệp. Với sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành được tăng cường, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm nếp sống văn minh trong lễ hội, các biểu hiện tiêu cực gây tốn kém, lãng phí; ngăn chặn nạn “buôn thần, bán thánh”, đầu cơ, trục lợi. UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo đẩy mạnh các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội và thực hiện nếp sống văn minh lễ hội và trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão. Trong đó, phân công nhiệm vụ cho từng ngành chức năng liên quan như VH, TT và DL, Giao thông Vận tải, Công an tăng cường kiểm soát tình hình an ninh trật tự, phân luồng giao thông; kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh lưu trú, loại hình dịch vụ du lịch, khu, điểm du lịch, đơn vị tổ chức lễ hội đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các biểu hiện tiêu cực, lợi dụng thu lợi bất chính như: tăng giá, ép sử dụng dịch vụ hàng quán, bãi để xe; giữ gìn trật tự an ninh, an toàn cho khách du lịch trong thời gian lưu trú và sử dụng các dịch vụ tại cơ sở. Phối hợp với Báo Nam Định, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh xây dựng chuyên trang, chuyên mục tăng cường tuyên truyền về thực hiện nếp sống văn minh lễ hội, về giá trị lịch sử, văn hóa của di tích, ý nghĩa của lễ hội và các văn bản pháp luật khác liên quan đến công tác quản lý, tổ chức lễ hội, góp phần nâng cao nhận thức của người dân. Chú trọng hướng dẫn người dân phân biệt rõ giữa tôn giáo, tín ngưỡng cổ truyền với mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội để các lễ hội đầu năm diễn ra vui tươi, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, phong tục tập quán; qua đó, vừa tôn vinh được các giá trị truyền thống trong cuộc sống hiện đại, vừa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của nhân dân./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin