Thành phố Nam Định là mảnh đất có lịch sử lâu đời. Nơi đây, từ thế kỷ XIII, Vương triều Trần đã cho xây dựng Hành cung Tức Mặc - Thiên Trường, một trung tâm quyền lực có vị thế như Kinh đô thứ hai (sau Kinh đô Thăng Long) của quốc gia Đại Việt. Đây cũng là thời kì khởi đầu quá trình đô thị hóa với sự ra đời của đô thị Vị Hoàng ở thế kỉ XVII-XVIII, trở thành trấn lị của trấn Sơn Nam Hạ (triều Tây Sơn), trấn lị Nam Định (năm 1822), tỉnh lị Nam Định (năm 1832) và là 1 trong 3 thành phố lớn ở Bắc Kì thời cận đại. Với mong muốn gìn giữ, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của dân tộc, thực hiện chỉ đạo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng tỉnh đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị nỗ lực xây dựng và duy trì tổ chức sự kiện Chợ Tết “Một thoáng Thành Nam” với chuỗi hoạt động văn hóa mô phỏng các sinh hoạt Tết xưa, phong tục tập quán và đặc biệt là các thú chơi xuân thưởng ngoạn đặc trưng của người Thành Nam xưa. Chợ Tết “Một thoáng Thành Nam” năm nay gắn với Triển lãm “Dấu ấn Thành Nam” được tổ chức từ ngày 6 đến 9 tháng Giêng đã thu hút đông đảo nhân dân tham dự với sự háo hức, phấn khởi chờ đợi.
Mô hình Trường thi Hương Nam Định xưa. |
Đồng chí Nguyễn Tiến Dũng, TUV, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trưởng Ban tổ chức Chợ Tết “Một thoáng Thành Nam” cho biết: “Từ năm 2018 đến nay, Chợ Tết “Một thoáng Thành Nam” được tổ chức tại Bảo tàng tỉnh (thành phố Nam Định) ngày càng phát triển quy mô với nhiều hoạt động phong phú, đặc sắc, tạo ấn tượng đối với đông đảo người dân và du khách khi về du xuân tại Nam Định”.
Một trong những hoạt động thường niên tại Chợ Tết “Một thoáng Thành Nam” là tổ chức giao lưu cổ vật và bán đồ xưa theo phong tục “mua bán lấy may” đầu Xuân với sự tham gia của những người yêu cổ vật đến từ các tỉnh khu vực Nam đồng bằng sông Hồng. Không chỉ có cổ vật, trong những ngày diễn ra Chợ Tết “Một thoáng Thành Nam” năm 2023, Hội hoa lan Thành Nam cũng tổ chức trưng bày giao lưu những tác phẩm địa lan, phong lan đặc sắc để du khách thập phương thưởng ngoạn. Đây cũng là một thú chơi tao nhã ngày xuân được lưu truyền từ đời nhà Trần. Sau Chợ Tết “Một thoáng Thành Nam”, các tác phẩm địa lan xuất sắc lại tiếp tục được hội viên đưa đi tham dự hội hoa lan tại Thủ đô Hà Nội, chia sẻ và lan tỏa những nét tài hoa của người chơi địa lan Thành Nam nói riêng, nghệ thuật sinh vật cảnh Nam Định nói chung.
Trong Chợ Tết “Một thoáng Thành Nam” Xuân Quý Mão 2023 còn có chương trình giới thiệu, quảng bá đặc sản văn hóa ẩm thực và các sản phẩm OCOP Nam Định. Tại đây, trong không gian tái hiện hình ảnh chợ quê truyền thống có các gian hàng bán “quà sáng” như: Bánh cuốn làng Kênh, bánh đúc, bánh gai, bánh khúc, phở bò chuẩn vị Nam Định xưa; các món đặc sản ẩm thực khác đang ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng: bánh xíu páo, kẹo sìu châu, bánh nhãn… giao lưu cùng nhiều tinh hoa ẩm thực của một số vùng, miền trên cả nước.
Nam Định là vùng đất đa nghề với các làng hoa, cây cảnh Điền Xá, chế biến đồ gỗ mỹ nghệ La Xuyên (Ý Yên), Hải Minh (Hải Hậu), sơn mài Cát Đằng, đúc đồng Tống Xá (Ý Yên)... Tại Chợ Tết “Một thoáng Thành Nam”, các sản phẩm thể hiện tinh hoa của các làng nghề cũng được đưa về trưng bày, giới thiệu với các sản phẩm đồ gỗ thủ công mỹ nghệ, đồ đồng, đồ gốm sứ, đồ cổ, giả cổ giúp du khách hiểu rõ hơn về giá trị văn hóa, thương hiệu của những làng nghề truyền thống Nam Định. Các nghệ nhân sinh vật cảnh trong tỉnh mang đến “Chợ Tết” cây bon sai, cây cảnh nghệ thuật được tạo dáng công phu, đẹp mắt như: quất, vạn tuế, sung, khế, hoa nhài, tùng, lộc vừng, mẫu đơn, đỗ quyên…; triển lãm lồng chim, chim cảnh...
Đây cũng là dịp để quảng bá, xúc tiến du lịch qua trưng bày những tác phẩm ảnh nghệ thuật về đất và người Nam Định, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa, các ấn phẩm về du lịch Nam Định nhằm giới thiệu cho du khách tài nguyên du lịch phong phú, địa chỉ các khu, điểm đến du lịch, sản phẩm dịch vụ du lịch địa phương.
Các nghệ nhân trình diễn hát Xẩm tại tại Chợ Tết "Một thoáng Thành Nam". |
Là vùng đất hội tụ đa dạng di sản văn hóa phi vật thể, quê hương Nam Định đã bảo lưu, phát huy được nhiều loại hình nghệ thuật dân ca, dân vũ. Chương trình văn hóa, nghệ thuật đặc sắc tại Chợ Tết “Một thoáng Thành Nam” năm nay được dàn dựng công phu, chuẩn bị kỹ lưỡng với các loại hình nghệ thuật cổ truyền tiêu biểu: hát chèo, hát văn, hát xẩm, ca trù, múa rối nước do tập thể nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh cùng các diễn viên, nghệ nhân câu lạc bộ, đoàn nghệ thuật trong và ngoài tỉnh tham gia biểu diễn. Cùng với đó còn có các tiết mục biểu diễn võ thuật, hoạt động thi đấu cờ bỏi, tổ tôm điếm, múa rối nước, nặn tò he, viết thư pháp, đi cà kheo, múa
lân - rồng…
Xuân Quý Mão năm nay, Triển lãm “Dấu ấn Thành Nam” trưng bày tại Bảo tàng tỉnh đã khắc họa đầy đủ, rõ nét những mốc son của thành phố Nam Định trong lịch sử hình thành và phát triển. Triển lãm “Dấu ấn Thành Nam” năm nay là hoạt động văn hóa ý nghĩa, được nghiên cứu, chuẩn bị công phu, nội dung phong phú, thiết kế hấp dẫn với các nguồn tài liệu trưng bày chính thống, trong đó nhiều hình ảnh, tài liệu quý lần đầu tiên được giới thiệu từ nguồn của Trung tâm Lưu trữ quốc gia thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ). Đồng chí Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: “Triển lãm được thiết kế dưới dạng pa-nô, đồ họa, mô hình, tư liệu, hình ảnh gồm: Hành cung Thiên Trường (thế kỉ XIII-XIV), Đô thị Vị Hoàng (thế kỉ XVII-XVIII), Thành Nam dưới triều Nguyễn và Pháp thuộc (thế kỉ XIX-XX), Thành cổ Nam Định, phố cổ Thành Nam, Nhà máy Dệt Nam Định, mô phỏng Trường thi Hương Nam Định và một số sinh hoạt văn hóa của người Thành Nam xưa…”. Thông qua triển lãm nhằm khơi dậy niềm tự hào về vị thế Thành Nam xưa, động viên khích lệ ý chí tự cường và khát vọng từng bước xây dựng, phát triển thành phố, hình thành rõ nét một số chức năng của một địa phương trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng, hướng tới đô thị hiện đại, thông minh, bản sắc và bền vững.
Việc tổ chức sự kiện Chợ Tết “Một thoáng Thành Nam” trong chuỗi các hoạt động văn hóa mỗi dịp Tết đến, Xuân về đang dần trở thành ngày hội văn hóa đặc trưng của quê hương Nam Định, như một món quà tinh thần ý nghĩa trong những ngày đầu năm mới; góp phần khai thác phát huy giá trị các công trình, di tích lịch sử quan trọng của Thành Nam như Bảo tàng tỉnh, Cột Cờ Nam Định kết hợp du lịch tại các di tích, danh thắng và lễ hội truyền thống khác trên địa bàn tỉnh trong dịp đầu năm mới./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin