Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của văn hóa đối với tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội; xác định một số vấn đề cấp thiết và đề ra 6 nhiệm vụ cụ thể nhằm xây dựng, gìn giữ, chấn hưng và phát triển văn hóa dân tộc. Thực hiện chỉ đạo của tỉnh về phát triển sự nghiệp văn hóa, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL) tỉnh đã có nhiều giải pháp hiệu quả, phù hợp để xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh và phát triển bền vững; trong đó việc phát huy vai trò, nâng cao hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ (CLB) văn hóa, văn nghệ (VHVN) quần chúng đã góp phần quan trọng nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Câu lạc bộ múa lân huyện Hải Hậu biểu diễn tại Liên hoan nghệ thuật quần chúng toàn tỉnh. |
Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh và Triển lãm tỉnh (Sở VH, TT và DL) hiện đang quản lý 10 CLB văn thể gồm: CLB văn nghệ xung kích cựu chiến binh bộ đội Trường Sơn, CLB văn nghệ xung kích cựu chiến binh quân tình nguyện quốc tế Việt - Lào, CLB văn nghệ dân gian, CLB văn hóa - thể thao, CLB Guitar Thành Nam, CLB Thái cực trường sinh đạo, CLB thơ Non Côi Sông Vị, CLB Thi đàn Thành Nam, CLB thơ Việt Nam thành phố Nam Định, Chi hội thơ Đường luật thành phố Nam Định. NSƯT Kiều Dư, Giám đốc Trung tâm cho biết: Để tạo sân chơi cho những người có năng khiếu, đam mê nghệ thuật được rèn luyện, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi, sáng tác, hàng năm, Trung tâm chỉ đạo Phòng Nghiệp vụ nhà văn hoá, CLB định hướng hoạt động cho các CLB VHVN, đa dạng các loại hình ca - múa - nhạc, thơ; thường xuyên quan tâm phát hiện, bồi dưỡng các hạt nhân văn nghệ cơ sở. Mỗi CLB VHVN đều xây dựng quy chế hoạt động và duy trì sinh hoạt theo định kỳ, chú trọng củng cố, phát triển hội viên, tích cực tổ chức các hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, tham quan, sáng tác, đẩy mạnh tác xã hội hóa nhằm thúc đẩy phát triển CLB. Nhiều CLB tích cực tổ chức các chương trình thiện nguyện, chung tay cùng các nhà hảo tâm tặng quà, giúp đỡ gia đình chính sách, các thương, bệnh binh, những người hoàn cảnh khó khăn, yếm thế trong cộng đồng. Các hội viên nhiệt huyết, tận tâm, tích cực truyền dạy những kiến thức, kinh nghiệm, kỹ thuật cho các hội viên khác, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động CLB. Hoạt động của các CLB này đóng góp tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền các sự kiện chính trị của tỉnh như: tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, giao lưu, triển lãm, thuyết trình chuyên đề chính trị - xã hội, khoa học - kỹ thuật, văn hóa truyền thống, lịch sử cách mạng… Trong hoạt động, các CLB đã lồng ghép tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tích cực sưu tầm, truyền bá giá trị văn hoá nghệ thuật, khơi dậy và phát huy truyền thống văn hóa, bản sắc của quê hương Nam Định.
Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có gần 900 đội, CLB VHVN quần chúng; trong đó cấp huyện có hơn 20 đội, CLB; cấp xã có hơn 180 đội, CLB; cấp thôn (xóm) có hơn 650 tổ, tốp, đội, CLB. Huyện Trực Ninh hiện có 21 CLB VHVN ở các xã, thị trấn; 125 CLB, tổ, đội văn nghệ ở các thôn, xóm, tổ dân phố; 27 đội kèn đồng, 37 hội trống ở các giáo họ, giáo xứ… Phong trào VHVN quần chúng phong phú, đa dạng loại hình như: CLB chèo ở các xã Liêm Hải, thị trấn Cát Thành; CLB hát văn thôn Cống Giáp, xã Trực Thuận; CLB đàn hát dân ca thôn Nam Lạng, xã Trực Tuấn… Là những CLB tiêu biểu trong phong trào VHVN của huyện, không chỉ có thế mạnh về hát chèo, CLB chèo xã Liêm Hải và CLB chèo thị trấn Cát Thành còn dàn dựng các chương trình hát Văn, ca khúc cách mạng với chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương, đất nước, các ca cảnh, hoạt cảnh chèo có nội dung ca ngợi tình làng nghĩa xóm, phê phán thói hư tật xấu trong xã hội để biểu diễn phục vụ nhân dân tại các lễ hội làng truyền thống của địa phương và cả các xã lân cận như: Trung Đông, Việt Hùng, Phương Định, thị trấn Cổ Lễ… Mỗi năm, tại các nhà văn hóa thôn, xóm, tổ dân phố, các CLB tổ chức dàn dựng từ 3-4 chương trình nghệ thuật biểu diễn trong các buổi sinh hoạt của các chi hội: Phụ nữ, Người cao tuổi, Cựu chiến binh, lễ mừng thọ đầu xuân, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (18-11), Ngày Gia đình Việt Nam (28-6), lễ tiễn tân binh lên đường nhập ngũ… Huyện Xuân Trường hiện có trên 100 CLB VHVN quần chúng ở các xã, thị trấn; mỗi CLB có từ 10-20 người, gồm các nhạc công, diễn viên không chuyên là hạt nhân văn nghệ ở địa phương. Các tổ, đội, CLB văn nghệ đều hoạt động theo phương thức xã hội hóa, tự đóng góp kinh phí mua sắm trang thiết bị âm thanh, trang phục biểu diễn. Đặc biệt, các thành viên tham gia văn nghệ đều có khả năng sáng tác và dàn dựng những vở diễn hoặc tiểu phẩm sân khấu. Tiêu biểu như: xã Xuân Ninh có 2 CLB chèo gồm: CLB chèo làng Hưng Nhân và CLB chèo thôn Nghĩa Xá; xã Xuân Tân có 3 CLB chèo, 1 đội văn nghệ, 2 đội múa lân - sư - rồng, 1 hội trống; xã Xuân Hồng có hội Già Lam Hành Thiện với hàng chục nhạc công chơi nhạc cụ dân tộc chuyên phục vụ các khóa lễ tại di tích Chùa Keo Hành Thiện; xã Xuân Kiên có CLB văn hoá nghệ thuật làng Kiên Lao thường xuyên biểu diễn trong dịp lễ hội truyền thống tại di tích Đền - Chùa Kiên Lao... Ở các huyện Ý Yên, Giao Thuỷ, Vụ Bản, Mỹ Lộc, Hải Hậu, trong các kỳ hội diễn văn nghệ, các địa phương đặc biệt khuyến khích các tiết mục dân ca, nhạc cổ truyền mang đặc trưng của mỗi vùng miền. Từ đó, các đội văn nghệ làng xã, đặc biệt là các làng chèo truyền thống từng bước được khôi phục. Các tiết mục tham dự đều do các “nghệ sĩ” đồng quê tự biên, tự diễn, sâu sắc về nội dung, độc đáo về nghệ thuật. Tại các đất chèo cổ nức tiếng xa gần có nhiều nghệ nhân dân gian là những giọng hát hay, tay đàn giỏi, tay trống cự phách như: thôn Hào Kiệt (Vụ Bản); làng Đặng, làng Quang Sán, làng Nhân Nhuế (Mỹ Lộc); làng Phú Vân Nam (Hải Hậu); làng Hoành Nhị (Giao Thủy). Sự phát triển đông đảo của các đội, CLB chèo là thành quả của công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực từ nhân dân để khôi phục, kế thừa, gìn giữ các loại hình nghệ thuật này. Nhiều CLB VHVN với các mô hình đội chèo, chiếu chèo, gánh chèo hoạt động hiệu quả, thường xuyên biểu diễn phục vụ các lễ hội, đình đám, mừng thọ...
Hát văn, chầu văn là loại hình nghệ thuật truyền thống lâu đời gắn với thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt mang đậm bản sắc văn hóa quê hương Nam Định. Toàn tỉnh hiện có hơn 10 CLB hát văn, tiêu biểu như: CLB hát văn Nam Định (trực thuộc CLB hát văn Việt Nam), CLB hát văn Hành Thiện (Xuân Trường), CLB thơ ca Mỹ Trung, Đoàn nghệ thuật dân ca Hương Quê (Mỹ Lộc), CLB văn hóa - thông tin (Ý Yên), CLB thơ ca (Hải Hậu)… Năm 2022, CLB hát văn Kim Thái, xã Kim Thái (Vụ Bản) được thành lập gồm 33 thành viên là những nghệ sĩ hát văn chuyên nghiệp, người hát văn nghiệp dư, nhạc công dân gian phục vụ hát văn và những người thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Sau khi thành lập, CLB đã xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể hàng tháng, quý, năm, từng bước tập hợp phát triển thành viên, tạo điều kiện cho những người yêu thích nghệ thuật hát văn có cơ hội được giao lưu, học hỏi, góp phần đưa các giá trị văn hóa, vẻ đẹp của hát văn và nghi lễ hầu đồng đến gần hơn với cộng đồng.
Cùng với các CLB VHVN trong cộng đồng dân cư, các ngành: Giáo dục và Đào tạo, Ngân hàng, Y tế, Công Thương, Công an, Quân đội cũng xây dựng được các CLB, tổ, đội văn nghệ, đội ca khúc cách mạng... thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động VHVN sôi nổi vào các dịp kỷ niệm ngày thành lập ngành, các ngày lễ lớn như: Ngày thành lập Đảng (3-2); Ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3), Ngày giải phóng miền Nam (30-4) và Ngày Quốc tế Lao động (1-5), Ngày thành lập Đoàn Thanh niên (26-3);… thu hút đông đảo cán bộ, công chức, viên chức tham gia. Phong trào văn nghệ trong các tổ chức Công đoàn và các hội, đoàn thể các cấp cũng phát triển mạnh như: Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh...
Dịp này, về các địa phương trong tỉnh sẽ được chứng kiến không khí sôi nổi luyện tập các tiết mục chuẩn bị cho chương trình nghệ thuật mừng Đảng - mừng Xuân và phục vụ các lễ hội đầu năm mới, hoạt động văn hóa nhân dịp Tết cổ truyền dân tộc mới thấy hết niềm say mê nghệ thuật của các “nghệ sĩ nông dân”. Các hoạt động VHVN với những sắc thái khác nhau thể hiện đời sống văn hóa tinh thần phong phú, đa dạng của người dân ở mỗi làng quê trong tỉnh, qua đó tạo sự đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng, gắn kết tình làng nghĩa xóm, động viên nhân dân lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin