Giao Thủy quan tâm phát triển văn học - nghệ thuật

08:51, 11/11/2022

Thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 16-6-2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học - nghệ thuật (VHNT) trong thời kỳ mới”, những năm qua, các cấp ủy, chính quyền huyện Giao Thủy đã tăng cường các nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực văn hóa; quan tâm tạo điều kiện, khuyến khích các CLB VHNT đẩy mạnh phong trào sáng tác, quảng bá, giới thiệu các tác phẩm có giá trị tư tưởng về nội dung, nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị ở địa phương, phù hợp với sự phát triển chung của xã hội, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.

Tiết mục biểu diễn của Đội văn nghệ quần chúng thị trấn Quất Lâm.
Tiết mục biểu diễn của Đội văn nghệ quần chúng thị trấn Quất Lâm.

Huyện Giao Thủy có 6 CLB VHNT cấp huyện gồm: CLB thơ Việt Nam huyện Giao Thuỷ, CLB văn hóa nghệ thuật, Thi đàn Việt người cao tuổi (NCT), Chi hội thơ Đường luật, Chi hội Kiều học, CLB nhiếp ảnh với hơn 200 hội viên. Được sự quan tâm, hướng dẫn của Phòng Văn hoá - Thông tin, Trung tâm Văn hoá, Thông tin và Thể thao huyện, các CLB VHNT đã chú trọng củng cố về tổ chức bảo đảm nghiêm túc, chặt chẽ, nâng cao chất lượng hoạt động, như: bầu Ban chủ nhiệm, xây dựng quy chế, kế hoạch hoạt động cụ thể, quy định về tiêu chuẩn phát triển hội viên; hỗ trợ cơ sở vật chất, đóng góp kinh phí; tổ chức giao lưu, sáng tác, trình diễn, hội thảo, sơ kết, tổng kết, khen thưởng các tập thể và cá nhân tiêu biểu… Trong quá trình hoạt động, các CLB thực hiện tốt công tác quản lý, định hướng nội dung sáng tác; hướng dẫn hội viên bám sát nội dung tư tưởng, chủ đề các vấn đề, đề tài sáng tác do tỉnh, huyện phát động, phản ánh sinh động, có chiều sâu hiện thực mọi mặt của đời sống xã hội. Đồng thời, tổ chức nhiều hình thức hữu hiệu để quảng bá, giới thiệu các tác phẩm VHNT có giá trị đến với công chúng, kịp thời động viên lòng say mê, thúc đẩy sức sáng tạo của hội viên. Nhiều tác phẩm VHNT của địa phương đã được đăng, phát trên các sản phẩm báo chí của Trung ương, của tỉnh, Cổng thông tin điện tử huyện và các nền tảng ứng dụng có nhiều người theo dõi...; nhiều tác giả có tác phẩm thơ, nhiếp ảnh, sân khấu, âm nhạc được chọn in trong các tuyển tập thơ hay của Việt Nam, các tạp chí nhiếp ảnh uy tín trong và ngoài nước, được trưng bày, triển lãm phục vụ các sự kiện văn hóa, chính trị của tỉnh, huyện và trình diễn trong các chương trình văn hóa nghệ thuật quần chúng. Trong đó, kết quả chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao của các địa phương trong huyện đã trở thành đề tài dồi dào phong phú tư liệu, tạo mạch nguồn cảm xúc sáng tác mạnh mẽ của nhiều tác giả ở các thể loại, qua đó phản ánh sinh động thực tế đổi thay tích cực về diện mạo nông thôn và đời sống người dân trên địa bàn.

Chi hội Kiều học huyện Giao Thủy có hơn 20 hội viên. Những năm qua, Chi hội đã đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị, tinh hoa ngôn ngữ VHNT, văn hóa, xã hội kết tinh trong Truyện Kiều của Danh nhân văn hóa thế giới - Đại thi hào Nguyễn Du. Trong các dịp kỷ niệm ngày sinh, ngày mất của ông, Chi hội đều tổ chức các hoạt động hội thảo, trao đổi, nghiên cứu về cuộc đời Nguyễn Du và Truyện Kiều với Hội Kiều học tỉnh; giao lưu với các CLB thơ ca ở nhiều xã trong huyện với nội dung “Học tập và cảm nhận Truyện Kiều”, bình giảng, phân tích Truyện Kiều, lẩy Kiều, đố Kiều, vận Kiều, vịnh Kiều, tập Kiều, họa Kiều… Ở thể loại thơ, hiện Thi đàn Việt NCT huyện Giao Thủy có 123 hội viên với 15 CLB thành viên ở các xã, thị trấn trong huyện. Mỗi năm, các thành viên Thi đàn sáng tác trên 500 bài thơ; hàng chục tập thơ đã được in và phát hành. Hàng năm, Thi đàn Việt NCT huyện Giao Thủy phối hợp với Uỷ ban MTTQ, Hội NCT, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ các xã, thị trấn trong và ngoài huyện tổ chức các cuộc giao lưu sáng tác, ngâm thơ, bình thơ. Ở bộ môn nhiếp ảnh, các tác giả đã gửi hàng nghìn tác phẩm ảnh báo chí, nghệ thuật tham gia các triển lãm, liên hoan ảnh nghệ thuật trong khu vực và toàn quốc do Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam phát động tổ chức. Tại các cuộc thi, nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh tiêu biểu có nhiều tác phẩm trưng bày được đánh giá cao như: Chu Thế Vĩnh, Đinh Duy Quang, Trần Hưng, Mai Quốc Cách, Thế Hai... Ở loại hình âm nhạc, sân khấu, các nghệ sĩ đã xây dựng và biểu diễn thành công hàng chục chương trình văn hóa, văn nghệ phục vụ các sự kiện chính trị của huyện, các ngành, địa phương. Nhạc sĩ Phạm Hồng Nhân có nhiều tác phẩm hay viết về đề tài ca ngợi vẻ đẹp con người, quê hương Giao Thủy đang “chuyển mình” trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội như: “Quê em miền chân sóng”, “Tình người, tình biển Bạch Long”...

Cùng với 6 CLB VHNT cấp huyện, huyện Giao Thủy còn có khoảng 40 CLB VHNT cấp xã, thị trấn; trên 150 tổ, tốp, đội, CLB văn nghệ quần chúng ở các thôn, xóm, tổ dân phố, sinh hoạt đa dạng nhiều thể loại như: thơ ca, hát chèo, hát văn, trống hội, nhạc kèn, cà kheo, múa lân - sư - rồng… Mặc dù hoạt động bằng nguồn kinh phí tự đóng góp và huy động xã hội hóa song các CLB đều duy trì hoạt đồng nền nếp, sôi nổi và đã tạo được thu nhập từ hoạt động biểu diễn để mua sắm trang phục, đạo cụ. Tuy không phải là “cái nôi” của nghệ thuật chèo nhưng hát chèo ở Giao Thủy đã trở thành nét đẹp văn hóa trong sinh hoạt cộng đồng của người dân vào mỗi dịp hội làng, lễ, tết với trên 20 đội, CLB chèo hoạt động sôi nổi. Nhiều CLB chèo ở các xã: Giao Thanh, Giao Hải, Giao Nhân, Giao Hà, Giao Thịnh, Giao Phong, Giao Long... được hình thành và duy trì phát triển từ 15-20 năm nay. Mỗi CLB chèo có từ 10-20 thành viên, tự đảm nhận các công việc từ hoà âm, phối khí, sáng tác, đạo diễn, diễn viên... Huyện Giao Thủy còn có thế mạnh về nhạc kèn và trống hội, với gần 30 đội nhạc kèn và trên 10 đội trống, đặc biệt là các đội kèn, trống nữ. Nhiều đội kèn xứ, họ đạo phát triển cả về số lượng và chất lượng như: đội kèn đồng nữ Sa Châu, xã Giao Châu; đội kèn đồng Lạc Nội, xã Hồng Thuận… Vào dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của Đảng, của địa phương, đất nước hoặc những kỳ lễ hội truyền thống, tôn giáo không thể thiếu màn biểu diễn nhạc kèn rền vang cùng âm hưởng hùng tráng của tiếng trống hội. Đặc sắc nữa phải kể đến “đặc sản” nghệ thuật trình diễn truyền thống “cà kheo” - môn nghệ thuật thăng hoa phát triển từ hoạt động lao động đặc trưng của người dân vùng ven biển. Tại các sự kiện văn hoá của địa phương, dịp Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, Ngày hội Văn hóa - Thể thao huyện, lễ hội tại nhiều di tích lịch sử - văn hóa, CLB cà kheo các xã Giao Phong, Giao Yến, Bình Hòa, thị trấn Quất Lâm thường xuyên góp mặt, tham gia biểu diễn với nhiều tiết mục độc đáo. Thành viên trong các CLB luôn nỗ lực sáng tạo, “làm mới” các tiết mục biểu diễn của mình với những điệu múa quạt, múa gậy, múa thương, múa sư tử, múa võ, đánh trống trên kheo...

Với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, hoạt động sáng tác, quảng bá VHNT huyện Giao Thủy đã có bước phát triển mới, góp phần xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, gắn các hoạt động văn hóa, văn nghệ với việc giữ gìn, kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa quê hương./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com